Nếu bị cục hải quan Mỹ phát hiện, những chiếc túi giả nhanh chóng bị tịch thu và mang đi tiêu hủy.
Những lô hàng không trót lọt
Là thương hiệu thời trang cao cấp hàng đầu thế giới, Hermes luôn phải đối mặt với tình trạng hàng nhái tinh vi. Từ Mỹ, châu Âu cho đến các nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Hong Kong…, các sản phẩm Hermes fake là một vấn đề gây đau đầu với các nhà quản lý. Trong đó, những chiếc túi Birkin đình đám của hãng là mặt hàng bị làm giả nhiều nhất.
Hàng năm, cửa khẩu hải quan ở những cảng lớn tại Mỹ thường xuyên thu giữ được các lô hàng giả bất hợp pháp.
Tháng 9 năm 2013, hải quan Long Beach đã phát hiện hơn 16.000 chiếc túi Hermes giả đến từ Trung Quốc và Hong Kong, trong đó có hơn 400 chiếc Birkin fake.
Lee Harty, nhân viên cục Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ cho biết, những người phân phối số túi xách Hermes giả này có thể thu về được từ 300.000 USD (nếu bán lề đường hoặc bán trên các website trực tuyến) hoặc thậm chí kiếm được 210 triệu USD nếu bán với giá chính hãng thành công.
'Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho lợi nhuận khổng lồ mà những người sản xuất hàng nhái có thể thu về', Harty nói. Ngay sau khi lô hàng giả bị bắt giữ, 16.053 chiếc túi Hermes đã được chuyển về kho của Bộ Nội vụ Hoa Kỳ tại Riverside để tiêu hủy.
Một trường hợp tương tự cũng xảy ra năm 2014 khi các nhân viên tuần tra biên giới Savannah đã thu giữ 198 chiếc túi Hermes Birkin nhái đang trên đường vận chuyển vào Atlanta, Mỹ.
Lisa Beth Brown, giám đốc cảng tại Savannah cho biết: 'Hàng giả đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với người tiêu dùng và thiệt hại về kinh tế đối với các doanh nghiệp Mỹ'.
Nếu bán giá thị trường, số túi xách Hermes Birkin này sẽ giúp các nhà sản xuất hàng giả đến từ Trung Quốc thu về 1,8 triệu USD. Tất nhiên, toàn bộ số túi giả đã bị tiêu hủy ngay sau đó.
Cục Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ cho biết hầu hết nguồn gốc của những lô hàng Hermes nhái đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Elva Muneton, giám đốc thương mại của Hermes Pháp khẳng định rằng công nghệ làm hàng nhái (loại một) của Trung Quốc cực kỳ tinh vi.
Những chiếc túi Hermes giả muốn tìm đường vào Mỹ thường được ngụy trang trong những lô hàng thông thường. Tuy đã phát hiện được nhiều đường dây vận chuyển hàng nhái nhưng hải quan Mỹ vẫn chưa thể kiểm soát toàn bộ hệ thống nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài.
Cuộc chiến với hàng nhái của Hermes
Có một thực trạng đáng báo động hiện nay đó chính là sự tiện dụng tuyệt vời của internet đã thúc đẩy các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng nhái của những thương hiệu cao cấp để thu lợi bất chính.
Những website cung cấp dịch vụ mua bán trực tuyến như eBay thường xuyên phải gặp rắc rối về pháp lý mỗi lần các nhãn hàng phát hiện hàng nhái được rao bán công khai trên mạng. Hermes cũng không nằm ngoại lệ khi rất nhiều sản phẩm của hãng bị làm giả và bày bán chuyên nghiệp trên thế giới ảo.
'Khách hàng nên nhớ rằng, túi Birkin hay Kelly không bao giờ được bán online trên website của hãng chúng tôi. 90% số túi xách Birkin được rao bán trên internet là hàng giả', một đại lý của Hermes tại Pháp cho biết.
Năm 2008, eBay và một người phụ nữ đã phải bồi thường cho Hermes hơn 20.000 Euro sau khi hãng này kiện lên tòa án thành phố Troyes (Pháp) vì phát hiện các giao dịch bán túi xách lậu với giá chính hãng tại eBay.
Mặc dù vậy, eBay vẫn rất khó tránh khỏi những sự việc tương tự bởi công ty này là chỉ đơn vị phân phối trung gian. Để kiểm soát được tất cả các loại hàng hóa trên website này là điều dường như không thể.
Trước sự hoạt động ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp của những người chuyên làm nhái sản phẩm, Hermes đã đẩy mạnh chiến dịch 'làm sạch' quy mô lớn. Thay vì nhắm vào người sản xuất hàng giả, các nhà chức trách tại Pháp và Italy chuyển hướng sang phạt những ai mua chúng.
Theo đó, khách du lịch đến Italy và Đức có thể bị phạt hàng nghìn USD hoặc thậm chí bị tống giam nếu họ mua (vô tình hay cố ý) những sản phẩm nhái Hermes.
Cơ quan du lịch của Italy năm 2010 từng cảnh báo tới tất cả du khách rằng, nếu họ bị bắt gặp mua hàng giả, sẽ bị phạt 10.000 euro, tương đương với 14.200 USD.
Luật sư ngành sở hữu trí tuệ Simon Tracey tại Anh cho biết rất nhiều người tại châu Âu đã bị phạt hàng nghìn euro vì giao dịch hàng giả trái phép. Trong đó, mức phạt dành cho việc sở hữu hàng giả tại Pháp có thể lên đến 300.000 euro, tương đương với 427.000 USD hoặc ba năm tù giam.
Tại châu Á, mặc dù đã nỗ lực kiểm soát nhưng Hermes cùng các cơ quan chức năng vẫn chưa thể quản lý được lượng hàng nhái khổng lồ từ Trung Quốc, Thái Lan. Tại Philippines, một chủ cửa hàng cũng đã phải truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi nhiều lần bán túi xách Hermes nhái cho một vị khách.
Ngoài ra, tại châu Á còn có những cá nhân lừa đảo chuyên cung cấp hàng nhái loại một cho giới thượng lưu hay người nổi tiếng. Đây là đối tượng khó quản lý bởi tất cả những giao dịch đều nằm trong vòng bí mật.
Cách phân biệt túi Hermes xịn và fake
Mặc dù hãng đã bỏ rất nhiều công sức để loại bỏ hàng giả, nhưng nếu người tiêu dùng không tinh tế nhận ra thì điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Lời khuyên được chuyên gia tại Hermes chia sẻ đến khách hàng đó là: 'Luôn mua từ các đại lý đáng tin cậy. Nếu bạn quyết định mua thông qua các trang web đấu giá trực tuyến, hãy tiến hành thận trọng'.
Dưới đây là một số điểm cần lưu ý khi muốn phân biệt túi Hermes thật và giả: