Đồ án tốt nghiệp cover 'Hai đứa trẻ' của Thạch Lam với phong cách ma mị

Bạn Nguyễn Trần Duy Tự đã lựa chọn phong cách vẽ tinh quái, hỗn loạn, bám sát lời văn truyện ngắn Hai đứa trẻ (Thạch Lam) để cho ra đời Đồ án tốt nghiệp của mình với tên ‘Đợi’.

21/08/2014 17:05

Ngay sau 12 giờ đăng lên facebook cá nhân, bộ ảnh Đợi, đồ án tốt nghiệp của bạn Nguyễn Trần Duy Tự (SV trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) đã nhận được gần 1000 lượt thích và gần 300 lượt chia sẻ, cùng nhiều lời nhận xét tích cực. Bộ ảnh công khai gồm 37 bức ảnh (Duy Tự vẫn giữ riêng cho mình một số ảnh khác), lấy ý tưởng từ truyện ngắn Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam. Chia sẻ trên trang cá nhân, Tự viết: “Không thể gọi là tinh túy của cả 4 năm, nhưng là những gì thật nhất từ phong cách hỗn loạn của mình. Cái nuối tiếc nhất là lúc làm cái này quá cảm tính, đến lúc bảo vệ không thể đem lý trí ra giải thích cho thầy cô hiểu.”

Bộ ảnh được vẽ theo phong cách ma mị, ảnh hưởng phong cách của phim Ghibli. Điểm đặc biệt ở đây được nhiều bạn nhận xét là khuôn mặt của Liên và bụng của An là hai khoảng trống, chỉ đến khi ánh sáng đoàn tàu lướt qua thì hình dạng của hai bộ phận này mới xuất hiện, với ý “mượn những tổn thương thể chất để thể hiện tổn thương tinh thần”.

Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rơ rệt trên nền trời. Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve.

Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị: Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn. 

Chợ họp giữa phố vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía. […] Mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi.

Trời nhá nhem tối, bây giờ chị em Liên mới thấy thằng cu bé xách điếu đóm và khiêng hai cái ghế trên lưng ở trong ngơ đi ra: Chị Tí, mẹ nó, theo sau, đội cái chỏng trên đầu và tay mang không biết bao nhiêu là đồ đạc: tất cả cái cửa hàng của chị.

Một gian hàng bé thuê lại của bà lão móm ngăn ra bằng một tấm phên nứa dán giấy nhật trình. Mẹ Liên giao cho Liên trông coi - bà còn bận làm hàng xáo - và buổi tối thì hai chị em cùng ngủ ở đây để trông hàng.

Nghe câu nói tiếp theo một tiếng cười khanh khách, chị em Liên không cần ngoảnh mặt ra cũng biết là ai đã vào hàng. 

Đó là cụ Thi, một bà già hơi điên, vẫn mua rượu ở hàng nhà Liên. 

Hai chị em Liên đứng sững nhìn theo cụ đi lần vào bóng tối, tiếng cười khanh khách nhỏ dần về phía làng.

Vũ trụ thăm thẳm bao la đối với tâm hồn hai đứa trẻ như đầy bí mật và xa lạ và làm mỏi ý nghĩ, nên chỉ một lát hai chị em lại chúi nhìn về mặt đất

Về phía huyện, một chấm lửa khác nhỏ và vàng lơ lửng đi trong đêm tối, mất đi, rồi lại hiện ra... An trỏ tay bảo chị: - Kìa, hàng phở của bác Siêu đã đến kia rồi.

An đã nằm xuống gối đầu lên đùi chị, mí mắt sắp sửa rơi xuống, còn dặn với: - Tàu đến chị đánh thức em dậy nhé. - Ừ, em cứ ngủ đi.

Hai chị em chờ không lâu. Tiếng còi đã rít lên, và tàu đi tới. Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua, các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường. Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng.

Rồi chiếc tàu đi vào đêm tối, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Hai chị em còn nhìn theo cái chấm đỏ của chiếc đèn xanh trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre.

Liên cầm tay em không đáp. Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình khư kém sáng hơn. Nhưng họ ở Hà Nội về!

 Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ.

Theo Xuân Phương/Baodatviet.vn
Tin cùng chuyên mục