Dòng chảy thời gian đã làm thay đổi nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Tây Nguyên đang dần thay đổi, trong đó có văn hóa truyền thống của người Ba Na ở Kbang, tỉnh Gia Lai. Những già làng nơi đây rất trăn trở, đang tìm cách níu giữ văn hóa truyền thống của người dân tộc mình cho con cháu đời sau.
Để thế hệ trẻ hứng thú với cồng chiêng
Từ năm 2005, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Với người dân Tây Nguyên nói chung và người Ba Na ở Gia Lai nói riêng, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn mang giá trị văn hóa, tâm linh sâu sắc, thể hiện sự gắn kết cộng đồng và sự giao hòa với thiên nhiên.
Tuy vậy, hiện nay một bộ phận người dân, nhất là thế hệ trẻ không còn xem trọng nét văn hóa truyền thống độc đáo này. Ông Đinh Rơi, Bí thư Chi bộ thôn làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang những bộ chiêng quý ngày xưa dần mai một do phong tục 'chiêng chôn theo chủ', bị bán hoặc để trong rừng rồi bị trộm đi. Cùng với đó, thế hệ trẻ hiện nay thích xem điện thoại hơn chơi cồng chiêng, không thích thú như thế hệ cha ông.
Những già làng đang nỗ lực truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ. Trong ảnh đội cồng chiêng trẻ tại xã Tơ Tung, huyện Kbang trình diễn phục vụ du khách
Để tiếng cồng chiêng không bị 'tậm tịt', những năm qua ông Đinh Rơi và các già làng tại làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang đã cùng nhau dạy cho những em nhỏ, người lớn biết gì có thể đánh được cồng chiêng. Ngày thường các em nhỏ đi học, mỗi tối cuối tuần, căn nhà rông làng Stơr lại rộn ràng tiếng cồng chiêng.
'Để đánh được chiêng thì phải thuộc được bài hát. Người lớn đã thuộc được bài hát rồi nên học đánh chiêng cũng nhanh hơn, khoảng một tháng để đánh thành thạo một bài chiêng. Còn các em nhỏ phải học bài hát bằng tiếng Ba Na nên học đánh chiêng cũng lâu hơn' - ông Đinh Rơi so sánh.
Dạy các em nhỏ khó khăn hơn nữa vì hiện nay tuổi trẻ xem điện thoại nhiều. Có những em khi mới 6-7 tuổi rất nghe lời, nhưng đến tuổi 15-16 thì không nghe lời, không muốn học nữa.
Em Đinh Miu (12 tuổi, đang là học sinh lớp 7 tại xã Tơ Tung, huyện Kbang) cho biết đã học được khoảng 10 bài chiêng. Em đặc biệt thích thú với các bài chiêng có ý nghĩa ru em để em bé không khóc, cho cha mẹ đi làm; bài chiêng ca ngợi vẻ đẹp quê hương. 'Em rất thích đánh cồng chiêng nên học nhanh hơn các bạn khác. Vừa qua đội chiêng của làng, trong đó có em được chọn đi lên TP Pleiku biểu diễn em rất thích' - em Đinh Miu kể.
Tấm lòng của già Đinh H'Mưnh
Từ nhiều năm nay, cứ chiều tối tại căn nhà rông làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Ở đó lớp học đặc biệt, nơi thầy giáo là già Đinh H'Mưnh đang dạy cho hàng chục em nhỏ biết đánh cồng chiêng.
Già Đinh H'Mưnh năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Già bảo rằng thuở trước, người Ba Na ai cũng biết đánh cồng chiêng. Khi còn nhỏ, già Đinh H'Mưnh được mẹ kể cho rằng lúc ông đang trong trong bụng mẹ, nghe tiếng cồng chiêng là đạp thình thịch. Do đó, già Đinh H'Mưnh hay đùa vui rằng mình biết đánh chiêng 'từ trong bụng mẹ'.
Già Đinh H'Mưnh chia sẻ việc truyền dạy cồng chiêng cho các thế hệ trẻ của người Ba Na
Nhưng già Đinh H'Mưnh biết đánh chiêng rất sớm, học cũng rất nhanh. Đến giờ, bài chiêng nào già cũng biết, cũng thuộc làu. Do đó, nên thấy lớp trẻ hiện tại ngoài giờ học chỉ cầm điện thoại, thích những bài nhạc sập sình, nhưng thước phim hành động mà không biết đến đánh chiêng nên rất trăn trở.
Từ đó, già Đinh H'Mưnh lo ngại một mai khi những người thuộc thế hệ của mình về với tổ tiên, với những cánh rừng xanh thì không còn ai trong làng biết đánh cồng chiêng nữa. Do đó, già Đinh H'Mưnh đã đi 'cà nhắc' do một chân bị tật, đi đến từng nhà có trẻ con, gọi chúng ra nhà rông của làng học đánh cồng chiêng.
Tại đây, già Đinh H'Mưnh tận tình chỉ dạy hết những gì mình biết cho các em nhỏ. Hôm nào có em vắng học, ông đến tận nhà hỏi han, động viên để cho các em đi học. Một số em có hoàn cảnh khó khăn, già nấu cơm cho ăn để động viên. Dần dần, đội cồng chiêng nhí của làng Mơ Hra đã ra đời, đến nay đã có khoảng 40 người, 'Tôi đã dạy nhiều năm nay, nhưng phải dạy nữa, dạy hết đến khi nào thanh niên trong làng ai cũng thuộc, cũng đánh được chiêng thì mới an tâm' - già Đinh H'Mưnh chia sẻ.
Chị Trần Thị Bích Ngọc, công chức Văn hóa - Xã hội xã Kông Lơng Khơng cho biết làng Mơ Hra có già làng Đinh H'Mưnh là người đi đầu trong việc truyền dạy cồng chiêng, chỉnh chiêng. Hiện nay, làng Mơ Hra đáp đang được xây dựng để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Cùng với ẩm thực truyền thống, các đội cồng chiêng đã góp phần làm cho các sản phẩm du lịch thêm phong phú, hấp dẫn du khách tìm đến.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Ông Đinh Đình Chi, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kbang cho biết trong những năm qua chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách để hỗ trợ người dân giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc. Trong đó đã hỗ trợ mua sắm cồng chiêng, trang phục truyền thống cho các đội văn nghệ, đội cồng chiêng tiêu biểu.
Bên cạnh đó, lồng ghép các dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trong đó chú trọng công tác truyền dạy cho lớp trẻ về cồng chiêng, chỉnh chiêng, các nghề thủ công truyền thống, truyền dạy các làn điệu dân ca, sử dụng các loại nhạc cụ tryền thống.
Tiến hành khảo sát lập hồ sơ đề nghị công nhận các danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân Nhân dân, hỗ trợ các chế độ chính sách để các nghệ nhân phát huy tinh thần và trách nhiệm trong công tác truyền dạy các loại hình di sản văn hóa của người Bahnar