08/10/2018 08:43
Tốc ký là gì?
Tốc ký hay ghi nhanh, ghi tắt là việc thực hành ghi chép thông tin một cách nhanh chóng nhất thông qua việc ghi vắn tắt các ký tự với những phương pháp tăng tốc độ viết. Tốc ký sẽ giúp tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn từ những bài giảng hay phát biểu quá dài dòng.
Theo đó, có cả một hệ thống bài giảng để đi chuyên sâu vào tốc ký. Bạn sẽ học bảng 26 ký tự (tương tự như bảng chữ cái) chuyên dành cho tốc ký. Những ký tự này giúp cho việc ghi chép bắt kịp lời nói tốt hơn, nhưng nếu không phải một người từng học qua 'môn tốc ký', bạn sẽ chẳng hiểu tờ giấy viết gì cả.
Tuy nhiên, hầu hết chúng ta chỉ cần ghi chép ý chính, từ khóa trong bài giảng nhanh, không giống ký giả hay phóng viên cần ghi chép chính xác từng từ trong lời nói của chính khách, ngôi sao... nên việc học bảng 26 ký tự không hoàn toàn cần thiết. Bạn vẫn có thể vận dụng một số phương pháp thường dùng trong tốc ký để ứng dụng vào đời sống.
Ứng dụng như thế nào?
Dân tốc ký chuyên nghiệp có hẳn một bảng chữ cái riêng để ghi chép. Còn chúng ta, chỉ cần... bảng viết tắt là đủ. Bạn hãy vận dụng trí sáng tạo của mình tạo ra ký hiệu cho những từ dài hay dùng, để giảm số lượng ký tự cần viết. Ví dụ như 'và' chuyển thành '&', 'trong' chuyển thành '(.)', 'cuộc sống' chuyển thành 'c/s' hoặc 'cs'... Số lượng từ viết tắt sẽ ngày càng nhiều theo thời gian. Và vì bạn sử dụng rất nhiều trong khi ghi bài, nên đừng lo việc quên hay nhầm lẫn ký tự, 'trăm hay không bằng tay quen' mà.
Bên cạnh đó, cách cầm bút, khoảng cách cầm bút và tư thế ngồi cũng ảnh hưởng tới việc bạn có thể ghi chép nhanh hay không. Cách cầm bút tiêu chuẩn là sử dụng ngón giữa để đỡ bút, ngón trỏ và ngón cái để điều khiển bút. Cầm bút cần tự nhiên, thoải mái. Khoảng cách từ ngón tay cầm bút tới đầu bút cũng quyết định tốc độ viết. Cầm càng sát ngòi thì tốc độ càng chậm và ngược lại.
Để có thể ghi chép một cách đầy đủ và nhanh nhất, bạn nên sắp xếp, phân loại vở ghi/sổ ghi chép của mình thật khoa học. Đừng ghi cả Toán lẫn Vật lý trong cùng một vở, cũng đừng ghi lộn xộn kiến thức tổng quát lẫn bài tập thực hành vào cùng một trang/cuốn. Nếu phải làm điều đó, hãy đảm bảo phần kiến thức tổng quát được bạn đánh dấu thật nổi bật và dễ tìm. Sử dụng bút dạ nhiều màu, gạch chân hoặc viết in hoa... cho những phần này cũng là một mẹo giúp bạn tìm bài học dễ dàng hơn.
Cố gắng nắm bắt từ khóa thật nhanh thay vì ghi tất tần tật lời cô nói vào vở. Để làm được việc này, đầu tiên bạn hãy loại bỏ những từ 'thừa' như rằng, thì, mà, là, theo đó, và, những, các... Ví dụ câu 'Sông Hồng là con sông dài 1.149 km, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Việt Nam rồi đổ ra biển Đông' bạn có thể lược thành 'Sông Hồng, 1.149 km, nguồn Trung Quốc, qua Việt Nam, đích biển Đông'. Và khi 'viết tắt hóa', nó có thể thành 'S. Hồng, 1.149 km, TQ -> VN -> biển Đông'. Sẽ thật nhanh và dễ hiểu đúng không?
Một điều cần chú ý, bạn đừng cố rượt đuổi thông tin mà hãy tập thói quen dành khoảng trống để bổ sung. Nếu bạn lỡ một đoạn thông tin nào đó, hãy bỏ qua, cách dòng để nắm tiếp phần đang nghe, rồi hỏi lại để bổ sung khi có thời gian. Việc để dành khoảng trống sẽ giúp bạn có 'đất' ghi thêm những phát hiện mới mẻ khi đọc lại bài giảng hoặc ghi thêm ví dụ minh họa cần thiết.
Bạn cũng có thể sử dụng máy ghi âm, nếu cảm thấy quá khó ghi chép đầy đủ. Việc này thực ra không được khuyến khích, vì máy ghi âm sẽ khiến chúng ta có tâm lý 'có thể nghe lại', dẫn đến việc lười lắng nghe hơn.
Cuối cùng, mấu chốt của việc ghi chép là để bạn học tốt hơn. Nên nếu bạn ứng dụng tốc ký trong ghi bài, mà không tập trung vào bài giảng, không chủ động lắng nghe, xem lại bài sau khi ghi chép hay đào sâu tìm tòi những vấn đề còn khúc mắc... thì rồi bạn sẽ lại quên vèo mình đã viết những gì thôi. Hãy là một học sinh chủ động các bạn nhé!
>> Xem thêm: Tập trung ơi, mi biến đâu rồi?
Link báo gốc:
Copy link
http://gioitre.baodatviet.vn/toc-ky-ky-nang-sieu-huu-dung-khi-ban-tien-len-trung-hoc-1345698.html