Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1473/QĐ-TTg ngày 26/11/2024 xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 16) đối với 6 di tích, trong đó có đình làng Đình Bảng (thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Ngôi đình này được xây dựng từ năm 1700 (thời Hậu Lê), đến năm 1736 mới hoàn thành. Với vẻ đẹp và sự bề thế hiếm có của mình, đình Đình Bảng đã đi vào ca dao của người xưa: 'Thứ nhất là đình Đông Khang/ Thứ nhì đình Bảng, thứ ba đình Diềm'. Ngày nay, Đình Đông Khang đã bị tàn phá, đình Diềm trước có năm gian hai chái nay chỉ còn ba gian hai chái. Chỉ còn đình làng Đình Bảng là tương đối nguyên vẹn.
Công trình kiến trúc cổ tuyệt mỹ
Theo nhà nghiên cứu Đỗ Hữu Bảng (Phó Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh), đình làng Đình Bảng có tổng diện tích khoảng 750m2, có tòa bái đường xây trên nền cao 2 bậc cấp đá xanh bó xung quanh, chiều dài 20m, rộng 14m, cùng hậu cung và ống muống tạo thành mặt bằng hình chữ 'Công' (工).
Đình có kết cấu bộ khung bằng gỗ lim rất vững chắc, liên kết với nhau bằng các loại mộng theo kiểu chồng rường 'thượng tam hạ tứ', với ba hàng xà kép: thượng, trung và hạ, chia làm 7 gian chính và 2 gian hành lang. Gian giữa rộng nhất chiều ngang 3,5m, gian thứ 1, gian thứ 7 chiều ngang 3m, các gian 2, 3, 5, 6 mỗi gian 2,3m2, 2 gian hành lang hai bên mỗi gian ngang 1m. Các kết cấu gỗ từ bộ phận to đến bộ phận nhỏ phối hợp với nhau rất chặt chẽ, tương hợp vừa vặn.
Toàn cảnh đình làng Đình Bảng. Ảnh: Quốc Lê.
Ngôi đình có tới 84 cây cột lớn nhỏ, tòa đại bái 60 cột, nhà ống muống và hậu cung 24 cột (cột lớn đường kính 0,65m, cột nhỏ đường kính 0,55m. Các chân cột đều được kê bằng đá tảng xanh vững chắc. Chiều cao từ mặt nền lên tới bờ nóc là 8m, bốn mái cong đồ sộ úp xuống, chiếm hơn 2/3 chiều cao tổng thể (khoảng 5,5m/8m), 10 hàng cột hiên tròn thấp, vững vàng đỡ phía dưới.
Bốn đầu đao của đình Đình Bảng được xem là cao nhất, vươn xa nhất so với các công trình kiến trúc gỗ cổ truyền Việt Nam. Chạy dọc bờ nóc, bờ dải gắn gạch hộp rỗng hình rồng và hình hoa thị. Hai đầu bờ nóc đắp hai con kìm, một bên con rồng, một bên con nghê cuốn nước. Những con sô trên bờ dải cũng như đầu guột ở bốn góc đều thể hiện hình rồng uốn lượn mềm mại, nhìn kỹ thấy mỗi con mỗi dáng vẻ, nhưng nhìn tổng thể rất cân đối về hình khối.
Hai đầu đốc mái đắp diềm, vỉ ruồi chạm rồng công phu tỉ mỉ. Nhà chuôi vồ (hậu cung) xây tường nách ô cửa sổ xếp gạch lỗ vuông. Hậu cung có tường hậu, tường hồi để những lỗ thông hơi hình hoa chanh. Mái lợp ngói mũi hài truyền thống, khổ 0,23x 0,4m.
Kho tàng nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam
Nhà nghiên cứu Đỗ Hữu Bảng cho biết, đình Đình Bảng có nhiều mảng điêu khắc trang trí tỉ mỉ, trau chuốt, nổi bật là những kỹ thuật đục chạm nuột nà, khéo léo của thế kỷ 18.
Bức cửa võng của đình là một tác phẩm đặc sắc với các mô típ chạm khắc tứ linh: Long, ly, quy, phượng phủ kín đan xen trên một diện rộng. Kết cấu cửa võng được chia thành bẩy lớp và chín ô theo kiểu lồng hộp kết hợp chạm lộng với chạm nổi rất kỹ lưỡng chau chuốt. Đề án trang trí là các hoa văn triện rút, hoa lá và các vật linh long, ly, quy, phượng; Tùng, cúc, trúc, mai. Hoa văn trang trí mềm dẻo trong từng chi tiết.
Không gian bên trong đình Đình Bảng. Ảnh: Quốc Lê.
Trên đầu bẩy phía trước định chạm tám đầu rồng, nghê đỡ mái, là những tác phẩm điêu khắc hết sức công phu, tỷ mỷ. Cánh cửa phía trước ngôi đình chạm hình Bát mã quần phi (tám ngựa đang phi), phong cách tạo hình khỏe khoắn, tính khái quát cao, thân hình cân đối. Hai bên bậc bước lên sàn đình có lan can thấp, cột vuông soi gờ triện rút, hoặc hình quạt. Bức chạm 'sư tử hý cầu' và bức chạm con hươu đứng dưới gốc cây thông có phong cách đục chạm mạnh mẽ, phóng khoáng. Mấy chục tấm ván gió, ván nong giữa các xà kép chạy dọc và chạy ngang trong đình đều được chạm nổi thành ba vòng hoa quấn quanh lòng đình. Những ván giữa xà trung, xà thượng, ván nào cũng chạm nổi một đôi rồng chầu theo chiều dài của tấm ván.
Họa tiết trang trí trên bức cửa võng của đình Đình Bảng. Ảnh: Quốc Lê.
Đặc biệt, có tới hàng trăm hình tượng rồng lớn nhỏ ở các họa tiết trang trí của đình. Rồng thường được chạm có vẩy, sừng ngắn, tai vểnh, mắt lồi tròn, mũi thú, miệng há rộng, môi dầy, hướng nhìn ngang hoặc quay 2/3 ra ngoài. Sống lưng có đường vây, bụng có vằn, tay rồng hơi giống tay người, hình mây nét mác vây quanh thân rồng. Mỗi chiếc đầu dư là một chiếc đầu rồng chạm lộng kỳ khu, hai chân rồng bắt vào thân cột, thân rồng luồn qua cột phần đuôi ở phía bên kia cột, làm cho người ta không còn cảm giác nặng nề của mỗi chiếc đầu dư. Trên hai chiếc đầu dư xà hạ còn có tượng hai con nghê trong tư thế ngồi xổm, hai chân trước chống thẳng, tư thế uy nghiêm, dáng rất sinh động. Các ván lá gió, các bức cốn đều được chạm khắc tinh tế, hình tượng rồng trên các bức cốn là các ổ rồng, rồng mẹ quấn quýt rồng con. Có một số bức được đặt tên chẳng hạn như: 'Long vân đại hội'; 'Ngũ long tranh châu'; 'Lục long ngự thiện'…
Hình tượng rồng trên cấu kiện bằng gỗ của đình Đình Bảng. Ảnh: Quốc Lê.
Cùng với hình tượng rồng còn có những hình tượng chim phượng, hình voi, long mã, hình tượng Bát Tiên… Ba bức chạm phượng thể hiện mỗi con một tư thế, con phía tây ngậm cánh hoa mào dài, hai cánh cong mềm dẻo, đuôi xòe tha thướt chiếm gần kín bức ván. Trên vì kèo gian giữa phía sau cửa võng chạm hai con phượng múa, cánh phượng mở rộng, lông được tỉa tỷ mỷ xếp thành hàng lớp đều đặn.
Việc sở hữu các mảng chạm khắc gỗ hết sức đa dạng và khiến đình Đình Bảng được ví như một kho tàng của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam. Đây là một nét đặc sắc góp phần làm nên giá trị độc nhất vô nhị của ngôi đình cổ nổi tiếng xứ Kinh Bắc.
6 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2024 gồm: Các di tích kiến trúc nghệ thuật Quần thể di tích đình, đền, chùa Tiên Lục (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Đình Đình Bảng (thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Di tích lịch sử-kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Đa Hòa-Dạ Trạch (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Các di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Đường Hồ Chí Minh trên biển (thành phố Hải Phòng, tỉnh Phú Yên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Cà Mau). Trận địa pháo 105mm của Đại đội 805 (thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), bổ sung vào Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ xếp hạng tại Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.