Một bác sĩ mặc đồ bảo hộ thăm khám một người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà ở Bergamo - tâm chấn của đợt bùng phát dịch ở Italia năm 2020. Ảnh: Reuters
Ngay từ đầu dịch, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã áp dụng cách ly tại nhà đối với bệnh nhân Covid-19, thuộc nhóm có triệu chứng nhưng có thể hồi phục ở nhà hoặc nhóm xét nghiệm dương tính với virus nhưng không có triệu chứng. Các nhóm này được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài khi cần chăm sóc y tế, đồng thời được khuyến cáo vệ sinh sạch sẽ, ở trong một căn phòng riêng biệt và sử dụng đồ vật riêng như phòng tắm, cốc uống nước… và tránh tiếp xúc với người khác cũng như vật nuôi.
Những người này chỉ có thể tiếp xúc với người khác ít nhất 10 ngày tính từ lúc xuất hiện triệu chứng, và ít nhất 24 giờ sau khi không bị sốt, cũng như các triệu chứng khác được cải thiện. Theo CDC Mỹ, việc mất vị giác hay khứu giác có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng sau khi bình phục, và điều này không ảnh hưởng gì tới việc chấm dứt cách ly tại nhà.
Vương quốc Anh cũng áp dụng khuyến cáo tương tự ở trường hợp bệnh nhẹ hoặc không thể hiện triệu chứng. Bệnh nhân Covid-19 muốn ra viện cần có xét nghiệm trước 48 tiếng. Khi về nhà, họ phải tự cách ly trong 14 ngày kể từ lần xét nghiệm dương tính cuối cùng.
Dịch vụ y tế quốc gia của Anh (NHS) cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người bệnh có thể hỏi ý kiến bác sĩ hoặc đề nghị trợ giúp. NHS cũng phối hợp Dịch vụ tình nguyện Hoàng gia để sớm thành lập mạng lưới tình nguyện viên hỗ trợ các bệnh nhân Covid-19 tận nhà, trong đó những người tình nguyện giúp mua thực phẩm hoặc mua thuốc cho các bệnh nhân.
Tại Ấn Độ, việc chăm sóc sức khỏe từ xa cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà được thực hiện thông qua hình thức điều trị trực tuyến hoặc qua điện thoại. Bệnh nhân cần mở sổ theo dõi sức khỏe điện tử, khai báo thường xuyên, chính xác thông tin diễn biến sức khỏe hàng ngày để các bác sĩ có thể chẩn đoán kịp thời và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Tương tự ở Nga, nếu điều trị tại nhà, bệnh nhân cũng phải tải về ứng dụng giám sát cách ly trên điện thoại di động và mỗi ngày đều phải khai báo vào thời điểm ứng dụng này yêu cầu. Ứng dụng này sẽ tự động không kích hoạt khi người mắc Covid-19 khỏi bệnh và hoàn tất quá trình cách ly 14 ngày sau đó.
Tại Đông Nam Á, Campuchia là quốc gia sớm quyết định đưa vào triển khai điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà ngay từ tháng 4 năm nay, ban đầu được áp dụng chủ yếu ở Thủ đô Phnom Penh. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân và đánh giá điều kiện cơ sở vật chất tại nhà riêng nhằm tránh nguy cơ lây lan sang các hộ gia đình lân cận.
Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Ngov Kang nhấn mạnh trong một tuyên bố, việc điều trị tại nhà cũng được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và người bệnh không phải là người nghèo, có thể tự đảm bảo cuộc sống khi thực hiện biện pháp này.
Việc chủ động điều trị F0 tại nhà được áp dụng ngay cả với biến thể Omicron mới. Bộ Y tế Singapore ngày 26/12 cho biết, bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron tại nước này sẽ được phép tự điều trị tại nhà thay vì phải đến các cơ sở y tế như trước đó. Đây được coi là biện pháp để tiếp tục quá trình 'sống chung với Covid-19', khi tuần vừa qua, loạt nghiên cứu đã chỉ ra khả năng Omicron là biến chủng có khả năng lây truyền cao hơn nhưng có tỷ lệ trở nặng thấp hơn so với các chủng khác.
Nhìn chung, giới chức y tế nhiều nước đều khuyến nghị người dân chuẩn bị các dụng cụ thiết bị y tế cơ bản hỗ trợ công tác điều trị tại nhà, như nhiệt kế, máy đo huyết áp, cũng như trang thiết bị bảo hộ như khẩu trang, kính chắn giọt bắn, nước sát khuẩn… để có thể sẵn sàng chăm sóc người nhà khi mắc bệnh. Giới chuyên gia cũng khuyến khích bệnh nhân bình tĩnh, duy trì tâm lý thoải mái. Sự chuẩn bị kỹ càng cả về phương tiện chữa bệnh và tinh thần là yếu tố quan trọng giúp người bệnh chủ động, tích cực tự điều trị và khỏi bệnh.
Với chiến dịch bao phủ vaccine cùng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, mô hình điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ hoặc không triệu chứng tại nhà đang cho thấy là hướng đi phù hợp và đem lại hiệu quả khi các nước chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh. Đặc biệt lại càng trở nên khả dụng khi thế giới đang nắm trong tay các giải pháp điều trị sớm Covid-19 tiềm năng.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) mới đây đã khuyến nghị các nước thành viên có thể sử dụng 2 loại thuốc kháng virus SARS-CoV-2 là Paxlovid của Pfizer và Molnupiravir của Merck cho người bệnh thể nhẹ, trung bình và có nguy cơ tiến triển thành bệnh nặng. Chính phủ nhiều nước thành viên EU cũng dự kiến sẽ sớm đưa Paxlovid và Molnupiravir vào điều trị cho bệnh nhân ngay sau khi được cấp phép, thương mại hóa, nhằm giảm sức ép với hệ thống y tế.
Ngày 22/12, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ cũng cấp phép sử dụng thuốc viên Paxlovid để điều trị tại nhà cho người bệnh Covid-19. Các quyết định này hứa hẹn sẽ tạo ra bước tiến mới trong cuộc chiến chống đại dịch, giữa bối cảnh số ca nhiễm mới tại Mỹ và nhiều nước châu Âu đang tăng theo cấp số nhân do sự xuất hiện của biến thể Omicron.