Mối quan hệ giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và báo chí được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây ở Việt Nam song với thế giới, 'mối lương duyên' này không phải điều mới mẻ. Nhiều tờ báo, tạp chí, hãng tin - như Forbes, AP... - từ lâu đã sử dụng AI để sản xuất những bản tin tự động, đơn giản.
Báo Người Lao Động khai giảng khóa đào tạo “Ứng dụng AI trong sản xuất tác phẩm báo chí số” ngày 22-3. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trợ lý ảo đắc lực
Trong dòng chảy của công nghệ, sự xuất hiện của AI đã đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của các tòa soạn ở nhiều khía cạnh. Nổi bật nhất là khả năng giúp nhà báo tiết kiệm thời gian bằng cách tự động hóa công việc, như phân loại dữ liệu, tóm tắt nội dung, dịch ngôn ngữ, sáng tạo hình ảnh và video, tạo bản tin ngắn...
AI có thể phân tích lượng lớn dữ liệu từ mạng xã hội, trang web và các nguồn khác để phát hiện tin tức tiềm năng, xác định xu hướng, giúp nhà báo tiếp cận thông tin nhanh chóng và hiệu quả hơn. AI cũng có thể phân tích hành vi của người dùng để đề xuất tin tức, gợi ý đề tài phù hợp với sở thích của họ, giúp tăng mức độ tương tác và thu hút độc giả.
AI có thể giúp tạo ra các định dạng báo chí mới như tin tức tương tác, báo chí dữ liệu, báo chí video...; giúp tòa soạn tiếp cận được nhiều đối tượng độc giả hơn, đặc biệt là trên các nền tảng kỹ thuật số. AI còn hỗ trợ các cơ quan báo chí tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới, ví dụ đề xuất nội dung trả phí hoặc phân tích dữ liệu báo chí.
Nắm bắt xu thế đó, ngay từ đầu năm 2024, Báo Người Lao Động đã tiến hành đợt cải tiến mạnh mẽ báo in và báo điện tử. Điểm khác biệt của lần cải tiến này là ứng dụng AI vào sản xuất nội dung nhằm tăng tiện ích cho người dùng. Cụ thể, AI đã cải thiện các vấn đề về trải nghiệm đọc, tăng tương tác, thu hút bạn đọc trẻ; tối ưu thiết kế và trải nghiệm đọc trên phiên bản mobile; đa dạng hóa cách trình bày báo điện tử, giúp tạo ra các nội dung dễ hiểu, dễ gây ấn tượng và hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, AI cũng đang được Báo Người Lao Động ứng dụng vào sản xuất podcast, chuyển text sang âm thanh và video, phân tích dữ liệu người dùng và gợi ý các nội dung yêu thích của độc giả.
Tất nhiên, AI không thể thay thế hoàn toàn con người mà chỉ là công cụ hỗ trợ nhà báo xử lý tài liệu, sản xuất tin, bài; hỗ trợ tòa soạn trong quản trị, thu thập dữ liệu người dùng và phân tích, nhận diện bạn đọc của mình. Bởi vậy, từng nhà báo, từng tòa soạn phải luôn vận động, học hỏi, cập nhật những tiến bộ của AI để sử dụng một cách thông minh nhất; không để AI dẫn dắt mà ngược lại, biến nó thành một trợ lý ảo đắc lực.
Đồ họa: VƯƠNG FƯƠNG ANH
Thường xuyên cập nhật công nghệ
Không đứng ngoài xu thế, Người Lao Động đã xây dựng phong trào học tập tại báo nhằm tạo ra môi trường để có thường xuyên 40%-60% đội ngũ nhân sự tham gia học tập về ứng dụng AI, công nghệ số, chuyển đổi số... phù hợp hoạt động của báo và công việc chuyên môn của cá nhân.
Cụ thể, Tòa soạn Báo Người Lao Động phối hợp với Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông II thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông mở khóa đào tạo 'Ứng dụng AI trong sản xuất tác phẩm báo chí số' trong thời gian 21 ngày cho hơn 100 phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn. Khóa đào tạo nhằm giúp các nhân sự xây dựng thói quen cũng như kỹ năng sử dụng những công cụ AI như chatGPT, chatPDF, Gemini, Claude, Canva... vào công việc chuyên môn.
Sau khóa đào tạo, nhiều phóng viên, biên tập viên đã có khả năng sử dụng AI tạo ra các bản tin podcast với kịch bản đa dạng, có tính tương tác; sử dụng AI tạo video/clip ngắn, bản tin infographic và bản tin video với Virtual MC...
Nối tiếp khóa đào tạo trên, Báo Người Lao Động đã khai giảng khóa nâng cao về ứng dụng AI trong công tác tòa soạn cũng như sản xuất nội dung, kéo dài từ ngày 8 đến 20-6. Khóa đào tạo này tập trung vào các nội dung: ứng dụng ChatGPT-4o thực hiện đa tác vụ; ứng dụng Firefly trong Adobe All App để diễn họa và xử lý hình ảnh; tạo Virtual MC bằng kỹ thuật tạo hình và cố định nhân vật với các công cụ Leonardo, Midjourney, Rendernet, Faceswap...; kỹ thuật tạo bản tin infographic với các công cụ Canva, Photoshop, Visual.ly, Piktochart...; xây dựng clip/video ngắn theo chuẩn 1 phút, 3 phút và 15 phút...
Mục tiêu chung của các khóa đào tạo ứng dụng AI là nâng cao hiệu quả sản xuất tác phẩm báo chí số; tối ưu hóa công việc hành chính tòa soạn; xây dựng hệ sinh thái số Báo Người Lao Động với trọng tâm là báo điện tử và các nền tảng mạng xã hội; tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất; nâng cao chất lượng nội dung báo chí và mở rộng khả năng tiếp cận thông tin đến độc giả.
Trước đó, ngay từ tháng 7-2022, Báo Người Lao Động đã tiên phong trong các nhật báo tại Việt Nam và trong 'làng' báo phía Nam triển khai chuyên mục 'Dành cho bạn đọc VIP'. Chuyên mục báo chí đặc biệt, có thu phí này được ứng dụng công nghệ mạnh mẽ với nhiều tính năng để phục vụ bạn đọc một cách tốt nhất. Ví dụ, bạn đọc có thể mua tin - bài để tặng người thân, bạn bè; thuận tiện mua gói mới khi gói đang dùng sắp hết hạn; thống kê, theo dõi các tài khoản trả phí đọc báo để có chính sách chăm sóc phù hợp...
Đối mặt thách thức lớn Bên cạnh những lợi ích, các cơ quan báo chí cũng đang phải đối mặt nhiều khó khăn khi ứng dụng công nghệ AI. Đó là chi phí đầu tư cho hệ thống AI, phần mềm, dữ liệu, đào tạo... khá cao. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nhân lực có chuyên môn về AI cũng là một rào cản lớn. Chưa kể, hiện nay chưa có mô hình mẫu để tham khảo triển khai áp dụng, kể cả từ thực tiễn các tòa soạn báo và từ phía cơ quan quản lý. Ngoài ra, việc sử dụng AI trong sản xuất tin - bài có thể dẫn đến nhiều vấn đề đạo đức, như: thiếu minh bạch trong quy trình hoạt động của AI; khả năng lan truyền thông tin sai lệch và tin giả; vi phạm bản quyền và quyền riêng tư cá nhân... Trong khi đó, khung pháp lý hiện hành vẫn chưa hoàn thiện để quản lý việc ứng dụng AI vào báo chí.
Xác định đích đến của chuyển đổi số báo chí Theo PGS-TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam, đích đến của chuyển đổi số báo chí là chuyển đổi từ nền báo chí truyền thống đơn loại hình sang đa loại hình, tiến đến báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu và báo chí tự động. 'Sự chuyển đổi này bao gồm cả sáng tạo nội dung, mô hình tòa soạn, phát triển nguồn nhân lực đến tầm nhìn, tính chiến lược, tư duy và phương thức lãnh đạo, quản lý' - PGS-TS Đỗ Thị Thu Hằng nhận định. Chỉ rõ chuyển đổi số báo chí vẫn còn chậm về tiến độ, chưa đi vào thực chất, bà Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng nguyên nhân là do nhiều cơ quan báo chí còn mơ hồ về đích đến của chuyển đổi số nên chưa xây dựng được mô hình phù hợp. T.Dương