Bị can Nguyễn Cao Trí (trái) và bị can Trương Mỹ Lan (phải)
Như Báo Công lý đã đưa tin, VKSNDTC vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị can liên quan, trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan.
Theo cáo trạng truy tố, trong giai đoạn điều tra, cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 590 tỉ đồng và gần 15 triệu USD. Trong giai đoạn truy tố đã thu giữ của các bị can số tiền hơn 55 tỉ đồng.
CQĐT đã phong tỏa 42 tài khoản của các bị can và cá nhân đứng tên hộ mở tại nhiều ngân hàng, với tổng số tiền phong tỏa là hơn 1.800 tỉ đồng và hơn 8 triệu USD. Cụ thể, phong tỏa 42 tài khoản của các bị can Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân, Võ Tấn Hoàng Văn, Dương Tấn Trước…
Kê biên 1.237 bất động sản liên quan trực tiếp đến Trương Mỹ Lan. Kê biên 61 bất động sản và ngăn chặn giao dịch 8 bất động sản của các bị can Bùi Anh Dũng, Bùi Đức Khoa, Trần Thị Mỹ Dung, Trương Huệ Vân, Cao Việt Dũng… và những cá nhân đứng tên hộ các bị can.
Kê biên 8 bất động sản của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh tại tỉnh Quảng Ninh liên quan đến thỏa thuận hợp tác của Trương Mỹ Lan với Tập đoàn Tuần Châu, Quảng Ninh.
CQĐT kê biên hơn 857 triệu cổ phần SCB của Trương Mỹ Lan và các cá nhân đứng tên hộ bị can. Kê biên 22 tài sản là phương tiện, gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân do các pháp nhân đứng tên và những đồ vật, tài liệu khác của bị can hoặc liên quan đến vụ án.
Liên quan đến các bị can phạm tội 'Đưa hối lộ', 'Nhận hối lộ', 'Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ' và 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng', theo cáo trạng, trong giai đoạn điều tra, truy tố đã thu giữ tổng cộng hơn 25 tỉ đồng và hơn 5 triệu USD. Ngoài ra, CQĐT cũng thu giữ 10 sổ tiết kiệm có tổng số tiền hơn 10 tỉ đồng, 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các thiết bị điện tử và đồ vật khác.
Liên quan đến bị can Nguyễn Cao Trí, CQĐT đã thu giữ tiền mặt khi khám xét người, nơi làm việc với tổng số gần 94 tỉ đồng. Gia đình bị can nộp khắc phục số tiền hơn 640 tỉ đồng; CQĐT đã kê biên 7 bất động sản.
Trong vụ án này, bị can Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch Công ty đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang) bị VKS truy tố tội 'Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản' do có hành vi chiếm đoạt 1.000 tỉ đồng của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát.
Theo cáo trạng, trong giai đoạn 2017 – 2020, bị can Trương Mỹ Lan nhiều lần chuyển tiền cho Nguyễn Cao Trí để mua cổ phần một số dự án.
Lần đầu là vào năm 2017, Nguyễn Cao Trí thỏa thuận chuyển 65% vốn điều lệ của Công ty Cao su Công nghiệp với giá 45 triệu USD cho Trương Mỹ Lan. Sau đó, bà Lan chuyển 21,25 triệu USD, tương ứng với 31,22% cổ phần nhưng không có giấy tờ biên nhận.
Do cổ phần Công ty Cao su Công nghiệp không được chuyển nhượng trong 5 năm nên các bị can thống nhất ký hợp đồng 'ủy thác đầu tư', nhờ người quen của cả hai bên đứng tên hợp đồng. Các bị can Lan, Trí thống nhất chuyển số tiền 21,25 triệu USD nói trên thành tiền mua bán 10% cổ phần Công ty Văn Lang.
Lần tiếp theo liên quan đến việc thỏa thuận mua bán cổ phần Công ty CP đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (tỉnh Lâm Đồng). Nguyễn Cao Trí thâu tóm 58% cổ phần của doanh nghiệp này với giá 2.230 tỉ đồng trong năm 2020 – 2021.
Bị can Trí thỏa thuận bán 100% doanh nghiệp này cho Trương Mỹ Lan với giá 3.000 tỉ đồng và đã nhận 'đặt cọc' 1 triệu USD và 127 tỉ đồng. Số tiền này sau đó cũng được hai bên thống nhất chuyển sang tiền mua 10% cổ phần Công ty Văn Lang.
Lần thứ ba, Trương Mỹ Lan chuyển tiền cho Nguyễn Cao Trí khi hai người hợp tác đầu tư tại huyện Hải Hà (Quảng Ninh). Trí thỏa thuận cho Lan tham gia dự án, và nữ Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã 2 lần chuyển tổng cộng 9,5 triệu USD. Sau đó, bà Lan lại không tham gia dự án nữa và yêu cầu chuyển số tiền trên thành tiền mua 10% vốn Công ty Văn Lang.
Theo cáo trạng, Trương Mỹ Lan đã chuyển cho Nguyễn Cao Trí tổng cộng 1.000 tỷ đồng nhưng đều không có giấy tờ biên nhận.
Tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan bị bắt nên Nguyễn Cao Trí đã chỉ đạo trợ lý soạn thảo văn bản điều chỉnh giá, và còn lập khống các văn bản thanh lý các hợp đồng, nhằm chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng đã nhận.
Cũng theo cáo trạng truy tố, trong số 86 bị can bị truy tố này, có 5 bị can hiện đang bỏ trốn gồm: Đinh Văn Thành (SN 1971, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB), Chiêm Minh Dũng (SN 1973, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Trầm Thích Tồn (SN 1961, Thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng SCB), Nguyễn Thị Thu Sương (SN 1974, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng SCB), Nguyễn Lâm Anh Vũ (SN 1969, nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành Ngân hàng SCB).
Để đảm bảo giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật, VKSNDTC (Vụ 3) kêu gọi 5 bị can này đến Cơ quan Công an hoặc VKSND nơi gần nhất đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa theo quy định tại Điều 60 - Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Nếu các bị can này tiếp tục bỏ trốn, VKSNDTC coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa và bị truy tố, xét xử vắng mặt theo quy định của pháp luật.