Chiều 19-9, bão số 4 đã đổ bộ đất liền, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và tan dần. Nhiều khu vực trên địa bàn các tỉnh, thành miền Trung có mưa to đến rất to, tiềm ẩn nguy cơ gây ngập lụt, sạt lở đất, nhất là ở các huyện miền núi.
Lũ lớn đe dọa
Tại khu tái định cư bản Cựp, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, do mưa lớn những ngày qua, một số vị trí có dấu hiệu sạt lở đất. Trong ngày 19-9, để bảo đảm an toàn, địa phương này đã tổ chức di dời 4 hộ/15 khẩu ra khỏi vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ ống. Hoạt động này đang tiếp tục triển khai.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết tỉnh đã yêu cầu các địa phương tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước diễn biến phức tạp của bão lũ.
'Đối với những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phải tiếp tục theo dõi, có kế hoạch di dời dân khi cần thiết. Các hồ đập phải bảo đảm an toàn, vận hành phù hợp theo diễn biến phát sinh. Tàu thuyền đã vào tránh trú bão phải chờ khi có thông báo thời tiết an toàn mới được ra khơi trở lại' - ông Đồng nói.
Mưa lớn khiến nhiều ngầm, tràn qua sông, suối ở các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa bị ngập sâu 0,3 - 1 m, lực lượng chức năng phải rào chắn, chốt trực, không để người dân, phương tiện đi qua. Một số thôn, bản tại huyện miền núi Hướng Hóa có dấu hiệu sạt lở, các lực lượng đã sơ tán nhiều hộ dân để bảo đảm an toàn.
Tại Quảng Bình, mưa lớn vẫn tiếp tục trút xuống nhiều bản, làng của các khu vực miền núi bị cô lập và chia cắt. Lực lượng Bộ đội biên phòng tại các đồn biên giới đã phối hợp với chính quyền địa phương cắm biển báo, cắt cử lực lượng ngăn người dân không qua lại khu vực nước chảy xiết đề phòng nguy hiểm.
Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, dự báo mưa lớn sẽ kéo dài, tiềm ẩn xảy ra lũ lớn tại các vùng hạ lưu. Mưa to đã làm mực nước tại nhiều con sông, suối dâng cao, cùng với lượng nước từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều địa phương ở vùng hạ lưu các con sông lớn đối mặt nguy cơ ngập lụt, đặc biệt là tại các huyện ven biển và vùng trũng thấp. Hiện toàn tỉnh đang thực hiện phương châm '4 tại chỗ' để tiếp tục ứng phó với diễn biến phức tạp của bão lũ.
Tại Quảng Nam, sau 2 ngày xảy ra mưa lớn trên diện rộng, trời đã ngưng mưa, nhiều thời điểm có nắng nhẹ. Theo báo cáo của một số địa phương, mưa lớn trong những ngày qua đã khiến một số khu vực ở miền núi bị sạt lở, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng giao thông, trường học nhưng không gây thiệt hại lớn.
Các lực lượng chức năng Quảng Bình cắm biển báo, ngăn người dân qua lại các vùng nước chảy xiết Ảnh: Hoàng Phúc
Hàng trăm hồ, đập xuống cấp
Theo thống kê, tỉnh Hà Tĩnh hiện có 348 hồ chứa thủy lợi (tổng dung tích chứa trên 1,57 tỉ m3 nước) và 86 đập dâng (lưu lượng thiết kế hơn 5.780 m3/giây). Mặc dù những năm qua, Trung ương và tỉnh đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhiều công trìnhnhưng các hồ chứa nước hư hỏng nặng, không bảo đảm an toàn.
Tại huyện Hương Khê, hiện có nhiều hồ, đập ở trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ và tích nước phục vụ sản xuất, điển hình như đập Trạng, tại xã Hương Thủy. Hiện tại, hai bên tràn xả lũ bị xói lở; nhiều vị trí ở thân đập bị thấm nước, nguy cơ mất an toàn luôn tiềm ẩn.
Đập Khe Cọi tại xã Hà Linh cũng xuống cấp, gây bất an. Chính quyền xã Hà Linh vừa huy động nhân dân khắc phục tạm bằng cách đóng cọc tre, dùng bao tải chứa đất đắp lại. Theo ông Bùi Ngọc Du, Chủ tịch UBND xã Hà Linh, chính quyền đã đề xuất một dự án kè đập kiên cố và đề xuất này đã được đoàn công tác UBND tỉnh Hà Tĩnh về kiểm tra để xem xét, quyết định.
Theo ông Phan Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, trên địa bàn có 26 hồ đập tiềm nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ. Qua kiểm tra, huyện đã chỉ đạo chính quyền cấp xã huy động nhân lực, vật liệu tiến hành tu sửa, gia cố tạm thời để trước mắt bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. 'Đối với hồ dung tích chứa lớn mà bờ, đập xuống cấp nặng, chúng tôi đã chỉ đạo địa phương, đơn vị không tích nước hoặc chỉ tích nước ở mức thấp' - ông Kỳ nói.
Ông Trần Đức Thịnh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, thông tin toàn tỉnh có 51 hồ, đập xuống cấp cần được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa. Tuy nhiên, do ngân sách khó khăn, trước mắt các địa phương khắc phục tạm thời đối với những hồ đập xuống cấp, đồng thời hạn chế tích nước ở công trình xuống cấp, tiềm ẩn mất an toàn.
Chú trọng an toàn hồ đập
Ông Lê Quang Lam, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Quảng Trị, thông tin hiện tại các hồ chứa trên địa bàn đang vận hành bảo đảm an toàn. Các hồ chứa lớn đạt dung tích khoảng 30% so với thiết kế.
'Trước mùa mưa bão, UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa, địa phương kiểm tra mức độ an toàn của các công trình. Qua báo cáo, các hồ chứa lớn của tỉnh bảo đảm an toàn và sẵn sàng đón, cắt lũ' - ông Lam nói.
Theo ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh có 13 nhà máy thủy điện đã đưa vào vận hành khai thác với tổng công suất 459,3 MW. Tất cả các hồ thủy lợi, thủy điện ở địa bàn này đã được kiểm tra, đánh giá an toàn trước mùa mưa bão.
Để ứng phó, ngay từ cuối tháng 8, tất cả hồ chứa trên địa bàn tỉnh đều đưa về mực nước chết. Vì vậy, hiện dung tích phòng lũ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vẫn còn rất lớn. Trong cơn bão số 4, mực nước các hồ thủy điện đang ở mức thấp, tiến hành tích nước vận hành.
Ông Nguyễn Quang Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Bình Điền, cho hay đơn vị đã tổ chức kiểm tra các hạng mục của công trình trước mùa mưa bão như các điểm có nguy cơ sạt lở, hệ thống cơ khí thủy công, các cửa van, khe thoát nước. Công ty còn chuẩn bị đầy đủ vật tư, vật liệu, thiết bị và bố trí nhân lực trực ban nhằm ứng phó khi có tình huống xảy ra. Tại hồ thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn sông Bồ, hiện mực nước mới đạt 49,53 m, còn gần 9 m nữa mới đạt ngưỡng mực nước dâng bình thường.
Ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Quảng Bình, cho biết toàn tỉnh hiện có 152 hồ chứa nước thủy lợi và 2 hồ chứa thuộc thủy điện Hố Hô, Thủy điện La Trọng. Đến 18 giờ ngày 19-9, dung tích các hồ chứa thủy lợi chỉ khoảng 35%-40% so với thiết kế, hiện các hồ chứa đạt mức an toàn.
Theo Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế, kết quả kiểm tra công tác quản lý vận hành, an toàn điện, quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và công tác ứng phó thiên tai tại các nhà máy thủy điện cho thấy các nhà máy đang vận hành cơ bản tuân thủ quy định của pháp luật trong công tác quản lý vận hành, an toàn điện, thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa.
Tại tỉnh Quảng Nam, sau đợt mưa lớn do ảnh hưởng bão số 4, hầu hết hồ thủy lợi trên địa bàn đã tích trên 50% sức chứa. Ban Chỉ huyPCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam đánh giá hiện nay, các hồ chứa thủy lợi và các công trình đê kè trên địa bàn cơ bản bảo đảm an toàn. Đối với một số công trình đang thi công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn (đặc biệt là các hồ chứa). Trường hợp không bảo đảm phải tổ chức di dời công nhân, phương tiện thi công đến nơi an toàn; tổ chức kiểm tra, thực hiện đầy đủ biện pháp, phương án kỹ thuật an toàn đối với công trình hồ chứa nước, đê kè đang thi công... Đối với các hồ thủy điện lớn trên thượng nguồn, sau đợt mưa lớn vừa qua, đa số đã tích đầy nước.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành văn bản yêu cầu các chủ đầu tư thủy điện thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành hồ chứa trong mùa mưa lũ...
Hàng chục căn nhà, công trình bị tốc mái
Do ảnh hưởng bão số 4, trên địa bàn các huyện Cẩm Xuyên, Can Lôc, Lộc Hà và huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra giông, lốc xoáy làm 64 nhà ở và công trình phụ trợ của người dân bị tốc mái, hư hỏng nặng; hàng chục cột đèn đường và cây cối bị gãy, đổ.
Tại Thừa Thiên - Huế, lốc xoáy làm tốc mái một số ngôi nhà. Tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới có 4 điểm ngập úng cục bộ và 6 điểm sạt lở đất đá gây thiệt hại, địa phương phải tổ chức di dời 87 hộ dân.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, chiều 19-9, hoàn lưu bão số 4 đã khiến khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế có mưa to, có nơi mưa rất to, như: Tà Long, Mai Hóa (tỉnh Quảng Trị); Hòa Thanh (tỉnh Quảng Bình). Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo mưa lớn còn kéo dài đến ngày 20-9. Trong đó, mưa lớn tập trung ở khu vực Thanh Hóa đến Quảng Trị, phổ biến từ 100-200 mm, cục bộ có nơi trên 300 mm; cần đề phòng mưa cường suất lớn (trên 100 mm/6 giờ) ở khu vực từ Hà Tĩnh - Quảng Trị. Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ; sạt lở đất trên sườn dốc.V.Duẩn