Bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và 85 bị cáo khác bị đưa ra xét xử về các tội tham ô tài sản; đưa hối lộ; nhận hối lộ; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bà Trương Mỹ Lan.
Hơn 2400 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bị triệu tập
Tại phiên xét xử tới, TAND TP HCM triệu tập 2.404 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là các pháp nhân đứng tên vay, nhận tiền tại ngân hàng SCB, các cá nhân tại ngân hàng nhà nước; cá nhân đứng tên công ty, đứng tên vay, đứng tên các tài sản thế chấp tại ngân hàng SCB, thực hiện việc nộp, rút tiền; các cá nhân thuộc nhóm cán bộ ngân hàng SCB và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác.
Phiên tòa cũng có gần 200 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và bị hại. Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan có 5 luật sư bào chữa, bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) có 3 luật sư bào chữa.
6 tấn hồ sơ, gần 1 triệu bút lục
Theo TAND TP HCM, vụ án Vạn Thịnh Phát liên quan đến sai phạm trong hoạt động tín dụng tại SCB có gần 2.500 tập tài liệu, đóng trong 104 thùng hồ sơ (nặng khoảng 6 tấn), với khoảng 1 triệu bút lục. Khi tiếp nhận hồ sơ, tòa án đã lường trước hồ sơ vụ án nhiều, sẽ có hàng trăm luật sư tham gia bào chữa cho 86 bị can cùng nhiều cá nhân, tổ chức liên quan trong vụ án. Do đó, Tòa án chuẩn bị một phòng riêng đựng hồ sơ, tạo điều kiện để các luật sư sao chụp, nghiên cứu tài liệu; lắp đặt hệ thống PCCC, camera để đảm bảo an ninh.
'Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát' hơn 1000 doanh nghiệp
Theo cáo trạng, quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng 'hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát' với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật. Những người được thuê này đều có quan hệ họ hàng hoặc là cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
'Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát' được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau gồm: Nhóm định chế tài chính Việt Nam gồm SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt, Công ty CP đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú. Trong đó SCB có vai trò 'đặc biệt quan trọng', được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong 'hệ sinh thái'.
Nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn… đều là công ty có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên…
Nhóm các công ty được gọi là 'công ty ma' tại Việt Nam, được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hớp tác, thi công…
Mạng lưới công ty tại nước ngoài: Trương Mỹ Lan xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc, tại các vùng lãnh thổ, quốc gia 'thiên đường thuế' phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa 'nhà đầu tư nước ngoài' đầu tư vào Việt Nam có nhiệm vụ quản lý vốn, tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan tại nước ngoài.
Nhóm Vạn Thịnh Phát còn thành lập, sử dụng hàng nghìn công ty 'ma', chi tiền thuê nhiều cá nhân và câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan, thông đồng với các công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản đảm bảo, lập khống hồ sơ vay tiền nhằm 'rút ruột' Ngân hàng SCB. Kết quả điều tra xác định, trong 875 khách hàng đứng tên giúp cho nhóm bà Lan vay 1.284 khoản ở SCB có 440 cá nhân, 435 pháp nhân. Các pháp nhân đều là công ty 'ma', do bà Lan chỉ đạo cấp dưới dựng lên để đứng tên làm thủ tục giải ngân.
Rút hơn 1 triệu tỷ đồng, gây thiệt hại 498.000 tỷ đồng của SCB
Để có nguồn vốn cho chuỗi doanh nghiệp này hoạt động, bà Trương Mỹ Lan tìm cách thâu tóm SCB, biến ngân hàng trở thành công cụ tài chính cho mình. Thông qua việc thu mua cổ phần rồi nhờ người khác đứng tên, bà Lan sở hữu tới hơn 91,5% cổ phần tại SCB. Chủ tịch Vạn Thịnh Phát còn bố trí người thân tín giữ các chức vụ chủ chốt của SCB, trả lương 200 - 500 triệu đồng/tháng hoặc thưởng tiền, cổ phần. Bà Lan nắm quyền lực tuyệt đối tại SCB, điều hành toàn bộ hoạt động của SCB, trong đó có hoạt động cho vay.
Để rút được tiền từ SCB, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhóm lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng này và 'hệ sinh thái' Vạn Thịnh Phát tổ chức thành lập nhiều bộ phận, đơn vị, công ty, đồng thời thuê và sử dụng hàng ngàn cá nhân 'câu kết chặt chẽ với nhau', thông đồng với các công ty thẩm định giá nhằm triển khai lập hồ sơ khống vay tiền và giải ngân.
Mỗi khi cần tiền, bà sẽ yêu cầu nhóm lãnh đạo SCB họp, đưa ra các phương án lập khống hồ sơ vay tiền. Hầu hết hồ sơ vay được đưa cho những người do Vạn Thịnh Phát thuê đến đều là giấy trắng đã được đánh dấu sẵn vị trí cần ký. Sau đó, các giấy tờ ký khống này được hô biến thành hồ sơ vay vốn rồi giải ngân tiền cho Vạn Thịnh Phát. Đặc biệt, đa phần các khoản vay của Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát tại SCB đều được giải ngân trước và thực hiện hợp thức sau.
Kết quả điều tra xác định, với các thủ đoạn trên, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ và SCB đã giải ngân hơn 2.500 khoản cho nhóm Vạn Thịnh Phát (hơn 1.000 khoản cho cá nhân, gần 1.500 khoản cho tổ chức) với tổng số tiền hơn 1.066.600 tỷ đồng. Khi giải ngân, SCB sẽ chuyển cho các cá nhân hoặc pháp nhân theo phương án vay vốn. Đến thời điểm trước khi khởi tố vụ án, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay với dư nợ hơn 677.000 tỷ đồng.
Để hợp thức hóa việc rút tiền và tránh bị phát hiện sai phạm, bà Lan đã chỉ đạo cán bộ ở SCB chuyển tiền giải ngân vào các công ty 'ma', sau đó thực hiện rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền.
Cáo trạng xác định, giai đoạn 2012 đến 2017, bà Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản. Đến năm 2022 các khoản vay này còn dư nợ hơn 132 tỷ đồng gồm gốc và lãi. Sau khi cấn trừ vào số tài sản đảm bảo các khoản vay này gây thiệt hại 64.600 tỷ đồng. Từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỷ; gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Tổng cộng, bà Lan gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.
Trưởng đoàn thanh tra nhận hối lộ 5,2 triệu USD
Theo cáo trạng, để che giấu thực trạng yếu kém của SCB, giúp ngân hàng này thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc đoàn cán bộ thanh tra. Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho bà Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, số tiền 5,2 triệu USD. Cơ quan chức năng đánh giá, đây là khoản nhận hối lộ lớn nhất từ trước tới nay của các cựu quan chức.
Các cán bộ khác trong đoàn thanh tra nhận 'quà' tổng số tiền gần 500.000 USD và 700 triệu đồng. Trong đó, ông Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan TTGSNH nhận 390.000 USD; Nguyễn Thị Phụng, Phó trưởng đoàn thanh tra nhận 20.000 USD và 210 triệu đồng, 1 đồng hồ, 1 túi xách và 1 chiếc khăn;
Các thành viên của đoàn là Vũ Khánh Linh, Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Tuấn Khoa, nhận 100 triệu đồng; Vương Đỗ Anh Tuấn nhận 20.000 USD và 2 chiếc áo; Trần Văn Tuấn nhận 6.000 USD và 40 triệu đồng; Lê Thanh Hà nhận 14.000 USD và 100 triệu đồng; Nguyễn Duy Phương nhận 1.000 USD và 20 triệu đồng; Nguyễn Văn Thủy nhận 21.000 USD và 60 triệu đồng, 1 áo sơ mi, 1 áo phông, 1 hộp yến; Trương Việt Hưng nhận 6.000 USD.
Kê biên hơn 1.200 nhà đất, tạm giữ gần 1.300 sổ đỏ
Để đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án, cơ quan điều tra tiến hành phong tỏa 43 tài khoản của các bị can hoặc được đứng tên hộ. Tổng số tiền trong đó là 1.896 tỷ đồng và 8,4 triệu USD. Công ty cổ phần Kim Cương do Trương Mỹ Lan nắm 66% vốn cũng bị ngăn chặn giao dịch với số dư hơn 789 tỷ đồng trong tài khoản mở tại SCB.
Về bất động sản của Trương Mỹ Lan, cảnh sát tạm giữ 1.266 bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), gồm cả các giấy chứng nhận liên quan Công ty Quốc Cường Gia Lai. Ngoài ra, 143 sổ đỏ tái định cư Khu công nghiệp An Nhựt Tân (tỉnh Long An) cũng sẽ được dùng làm tài sản khắc phục hậu quả cho Trương Mỹ Lan. Có 1.237 bất động sản liên quan bà Lan cũng bị kê biên như nhà đất số 19 – 21 – 23 – 25 phố Nguyễn Huệ, quận 1; nhà đất số 232 Trần Hưng Đạo, quận 5; số 66 Phó Đức Chính, quận 1 (cùng ở TP.HCM)…Các tài sản khác liên quan Trương Mỹ Lan bị kê biên là hơn 857 triệu cổ phần tại SCB; một du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô; một số sổ tiết kiệm…
Với hành vi đưa nhận hối lộ 5,2 triệu USD liên quan cán bộ Ngân hàng Nhà nước, cơ quan điều tra cho hay đã thu hồi hơn 5,3 triệu USD. Về việc bị can Nguyễn Cao Trí lừa đảo, chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của Trương Mỹ Lan, kết luận điều tra thể hiện ông Trí đã tác động gia đình nộp 640 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Cảnh sát cũng kê biên của Nguyễn Cao Trí 7 bất động sản trị giá 266 tỷ đồng; thu giữ hơn 93 tỷ đồng tiền mặt. Tổng số tiền ông Trí bị kê biên, tạm giữ đã vượt 1.000 tỷ đồng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ 'chuyến bay giải cứu': Choáng váng số tiền tỷ nhận hối lộ