Tại thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, bất cập trong quản lý kinh doanh xăng dầu.
Siết quản lý cấp phép
Những bất thường trên thị trường xăng dầu xuất hiện từ thời điểm đầu năm 2022, khi nguồn cung có trục trặc, tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ xảy ra ở một số địa phương, trong đó có các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM.
Thời điểm này không ít cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm dừng hoạt động do thiếu hàng, người dân phải xếp hàng dài chờ đợi để mua xăng. Từ đây, các bất cập trong việc điều hành, quản lý kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương dần phát lộ và kết quả thanh tra của TTCP đã chỉ rõ những bất cập đó.
Theo TTCP, Nghị định 83/2014/NĐ-CP cho phép thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được thuê kho để làm điều kiện xin cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu nên các dự án xây dựng kho xăng dầu thương mại chậm được đầu tư..., ảnh hưởng đến nguồn dự trữ, nguồn cung xăng dầu cho thị trường khi cần thiết.
Chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long nhận định thị trường xăng dầu đã bộc lộ nhiều bất thường, nhất là khi thiếu nguồn cung. Chuyên gia này cho rằng cần sớm chấn chỉnh, siết chặt việc cấp phép kinh doanh xăng dầu. Trong đó, sớm rà soát các điều kiện theo các quy định hiện hành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp theo hướng chặt chẽ hơn, tránh tình trạng DN 'tay không bắt giặc', lợi dụng lỗ hổng của quy định để vượt qua vòng cấp phép, sau đó trục lợi.
Cần xem xét sửa quy định về các điều kiện để được làm thương nhân đầu mối xăng dầu. Đơn cử, một trong những điều kiện đó là cần có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu để trực tiếp nhận xăng dầu từ tàu và phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dụng khác.
Tuy nhiên, tại Nghị định 83 lại cho phép kho này thuộc sở hữu của doanh nghiệp (DN) hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ 5 năm trở lên. 'Đầu tư kho sẽ tốn kém nhiều chi phí, với tiềm lực có hạn, không ít DN chọn cách thuê kho, hoặc thỏa thuận thuê kho nhưng trên thực tế là không có, điều này đã tạo ra những hệ lụy rất lớn cho thị trường như TTCP đã chỉ ra' - ông Long nhấn mạnh.
Cửa hàng xăng dầu của Công ty Xăng dầu Thiên Minh Đức tại Nghệ An - một trong những doanh nghiệp vi phạm về thuế bảo vệ môi trường Ảnh: ĐỨC NGỌC
TS Ngô Trí Long cho rằng Nghị định 80 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, ban hành cuối tháng 11-2023 cũng chưa 'vá' được các lỗ hổng về cấp phép kinh doanh xăng dầu. Chính phủ đang giao Bộ Công Thương xây dựng một dự thảo nghị định để thay thế các nghị định nêu trên về kinh doanh xăng dầu.
TS Ngô Trí Long đề xuất siết quy định cấp phép, xem xét sửa đổi quy định DN đầu mối được phép thuê kho theo hướng chặt chẽ hơn để bảo đảm về hạ tầng, tiềm lực tài chính, xem đây là điều kiện quan trọng để được cấp phép hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu.
Từ kết quả thanh tra, bức tranh về DN đầu mối với nhiều mảng màu tối, trong đó câu chuyện về tài chính cần được xem xét kỹ lưỡng để đánh giá đúng năng lực khi xem xét, cấp phép. Với một lĩnh vực quan trọng như xăng dầu, có ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia, không thể để các DN làm ăn phi pháp, lợi dụng các chính sách để trục lợi.
Việc quản lý, trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) theo cơ quan thanh tra cũng có nhiều vi phạm. Chính từ các quy định chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra giám sát của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính dẫn đến hàng ngàn tỉ đồng quỹ này bị DN chiếm dụng trong thời gian dài. Theo kết luận thanh tra, Bộ Công Thương đã chưa có ý kiến kịp thời để sửa đổi, bổ sung về phương pháp xác định mức trích, chi Quỹ BOG.
Vì vậy, từ năm 2017-2021, Liên Bộ đã quyết định mức trích, chi Quỹ BOG thiếu cơ sở pháp luật; trích lập, chi sai hàng ngàn tỉ đồng. Việc áp dụng các biện pháp lập quỹ chưa theo Luật Giá, nên cơ quan thanh tra xác định các cơ quan quản lý 'đùn đẩy trách nhiệm, thiếu phối hợp', quản lý quỹ chưa chặt chẽ. Các thương nhân đầu mối không gửi sao kê tài khoản về các cơ quan quản lý, nên cả 2 Bộ Công Thương - Tài chính đã không nắm rõ về số dư đầu kỳ, số trích lập, số sử dụng và phần lãi phát sinh, số dư của quỹ.
Chống thất thu thuế bảo vệ môi trường
Bên cạnh Quỹ BOG, hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường (BVMT) bị các DN đầu mối xăng dầu kê khai thiếu hoặc 'ôm' để sử dụng vào mục đích riêng, không nộp về ngân sách Nhà nước. TTCP cho biết điều này một phần xuất phát từ quy định hiện hành không đề cập thời điểm kê khai, nơi nộp thuế bảo vệ môi trường với sản lượng xăng dầu mua, bán giữa các đầu mối kinh doanh.
Trong khi đó, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, khối lượng tiêu thụ lớn, khi người tiêu dùng mua xăng dầu là trả ngay tiền hàng và thuế BVMT. Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cũng nhấn mạnh để xảy ra các 'lỗ hổng' này, trách nhiệm thuộc về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương khi thiếu rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chống thất thu thuế. Do đó, cần sớm hoàn thiện các quy định về quản lý thuế BVMT với xăng dầu để bảo đảm thu đúng, thu đủ, tránh tình trạng DN trục lợi, chiếm dụng.
Ông Phạm Văn Hòa cũng đặt vấn đề vai trò của cơ quan thuế ở đâu khi để DN chiếm dụng hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế BVMT trong nhiều năm như vậy. Ông nêu rõ, cơ quan thuế không phát hiện hay phát hiện mà 'ngó lơ', điều này cần được làm rõ để xử lý trách nhiệm đến cùng.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng nhắc đến sự quản lý lỏng lẻo của Bộ Công Thương đối với các DN đầu mối xăng dầu về lượng mua vào, bán ra, tồn kho, dẫn đến DN kê khai thuế BVMT thiếu, kê khai không trung thực.
Trong khi đó, các cơ quan thuế thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến DN lợi dụng các kẽ hở của quy định hiện hành. Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần rà soát, sửa đổi các quy định khai, nộp thuế BVMT, không để xảy ra tiêu cực, thất thu thuế.
Kết luận thanh tra nêu rõ trong 5 năm, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã mua bán xăng dầu với nhau để hưởng chiết khấu, chênh lệch giá lên tới 9.770 tỉ đồng. Từ đó, chiết khấu của đại lý, cửa hàng bán lẻ bị giảm, thậm chí không còn tiền chiết khấu.
Theo TTCP, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 38 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP quy định không cụ thể, rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu. Từ đó dẫn đến nhiều hành vi mua bán xăng dầu trái quy định, hệ thống kinh doanh xăng dầu bị phá vỡ.
Theo TS Ngô Trí Long, cần đánh giá toàn diện tính phù hợp của quy định cho phép các đầu mối bán hàng cho nhau. Khi các DN đầu mối được mua hàng của nhau sẽ xảy ra mua bán lòng vòng làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến công tác điều hành của Nhà nước.
Xem xét sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá
TTCP kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật trong việc trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ BOG hiện nay, khắc phục tình trạng các thương nhân đầu mối chiếm dụng, sử dụng Quỹ BOG sai mục đích bình ổn giá. Đồng thời tổng kết, đánh giá hiệu quả sử dụng và sự cần thiết duy trì quỹ BOG, đề xuất giao Bộ Công Thương quản lý, theo dõi Quỹ BOG tập trung.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho biết ông từng phát biểu tại nghị trường về việc Quỹ BOG cần đặt tại Bộ Tài chính thay vì ở DN như hiện nay. 'Những hạn chế của quỹ này chúng ta đã đề cập rất nhiều lần, lần này cần nhìn thẳng vào đó để chấn chỉnh, siết quản lý hướng đến công khai, minh bạch. Quỹ bình ổn trích lập trên mỗi lít xăng dầu bán ra, bản chất đó là tiền của người dân khi mua nhiên liệu, cơ quan nhà nước không giám sát chặt chẽ, để DN chiếm dụng, trách nhiệm này phải làm rõ, liệu có tiêu cực hay không' - ông Hòa nêu quan điểm.