Dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, tuy nhiên nhiều người rất chủ quan.
Người dân hoang mang về đề xuất
Chia sẻ với chúng tôi về đề xuất của lãnh đạo sở Y tế Hà Nội về việc phạt nguội những hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng, chị Nguyễn Thị Thu Hằng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước hết bày tỏ sự ủng hộ cần thiết phải đeo khẩu trang nơi công cộng, bởi tình hình dịch bệnh còn diễn biến khó lường.
Tuy nhiên, theo chị nếu như phạt nguội hành vi này thì cũng khó xử cho người dân: 'Biết việc đề xuất là tốt, nhưng cũng khó khăn cho chúng tôi bởi nhiều khi lơ đãng quên không đeo một chút là bị gọi nộp phạt. Tôi nghĩ cơ quan chức năng cần phải xem xét lại đề xuất này'.
Tương tự chị Vũ Thị Trang (quận Đống Đa) cho hay, bản thân chị là người hay quên, nhiều khi đi đường dù mang khẩu trang nhưng không nhớ để đeo, hoặc có những lúc đeo mà khó thở quá tháo ra vài phút rồi bịt lại mà cũng bị phạt. 'Nên nhắc nhở trước hoặc chỉ nên phạt 'nóng' - có nghĩa phạt ngay lập tức thì hiệu quả sẽ tốt hơn thay thì phạt nguội như thế này?'- chị Trang cho hay.
Có sự hiểu lầm?
Trao đổi với PV tạp chí Đời sống và Pháp luật sáng 24/10, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc sở Y tế Hà Nội – người đưa ra đề xuất này, giải thích, việc phạt nguội hiện nay chưa được mọi người hiểu rõ theo ý kiến của ông. 'Ý tôi muốn nói 'đề xuất phạt nguội người không đeo khẩu trang' là đối với các đơn vị tổ chức sự kiện và hoạt động tập trung đông người. Còn đối với người dân không đeo khẩu trang thì cơ quan công an và chính quyền địa phương khi phát hiện trường hợp vi phạm sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật. Tôi muốn đề cập việc xử phạt các đơn vị tổ chức sự kiện, các khu du lịch, khu chung cư, siêu thị... khi tổ chức tập trung đông người mà không đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Hoặc hình thức xử phạt khác có thể là dừng, không cho tổ chức các hoạt động, sự kiện tiếp theo' - ông Hiền cho hay.
Nói tiếp về việc này, ông Hiền cho biết, việc người dân và báo chí cung cấp hình ảnh về những trường hợp không đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch sẽ được gửi đến chính quyền địa phương trên địa bàn hoặc đơn vị cho phép tổ chức sự kiện để có những bước xử lý tiếp theo.
Cùng nói về vấn đề trên, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội - cho biết, hiện tại Thành phố chưa có kết luận về việc phạt nguội mà chỉ yêu cầu những nơi nào thực hiện không nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19 thì xử lý theo quy định của Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Ông Hoàng Đức Hạnh nói thêm, hiện nay ưu tiên hàng đầu trong phòng dịch là người dân phải đeo khẩu trang. Tại Hà Nội, rất ít người tuân thủ đeo khẩu trang nơi công cộng. Nếu không kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi này thì hiệu quả sẽ không cao. Đặc biệt, các cán bộ phải gương mẫu thực hiện đeo khẩu trang. Các cuộc họp phải chủ động bố trí khoảng cách đảm bảo, tăng cường giao ban trực tuyến. Các lực lượng chức năng cần tập trung xử phạt trường hợp không đeo khẩu trang. Các quận huyện ngoài việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh cần siết chặt việc đeo khẩu trang ở khu chung cư.
'Hiện nay, các lực lượng chức năng, các tổ liên ngành vẫn áp dụng hình thức xử phạt trực tiếp. Phó Chủ tịch UBND Ngô Văn Quý đã đề nghị người dân và các tổ chức, doanh nghiệp không chủ quan trong việc phòng chống dịch. Ban chỉ đạo đã yêu cầu và đề nghị tăng cường xử phạt nên trong thời gian tới các đơn vị sẽ tăng cường ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm' - ông Hạnh nhấn mạnh.
Thực thi đầy gian nan
Trước đề xuất của Giám đốc sở Y tế Hà Nội, luật sư Diệp Năng Bình (đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh) nhận định, phạt nặng các trường hợp vi phạm, đặc biệt là tái phạm hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng là điều cần thiết. Việc này mang tính răn đe, ngoài ra sẽ giúp hạn chế khả năng lây lan Covid-19 trong cộng đồng. Các cơ quan Nhà nước phải nghiêm khắc trong vấn đề xử phạt bởi hiện nay, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
'Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, luật pháp Việt Nam chưa đưa ra những quy định rõ ràng về vấn đề hành vi nào sẽ bị phạt nóng, hành vi nào sẽ bị phạt nguội. Đề xuất của vị Giám đốc sở Y tế Hà Nội nghe qua có vẻ hay, nhưng thực hiện là cả một quá trình dài và đầy gian nan. Trước mắt, ai sẽ đứng ra xử lý, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm, liệu có nâng cao ý thức người dân được không, hay lại tạo ra phản ứng ngược'- luật sư Bình nêu quan điểm dưới góc độ pháp luật.
Phân tích về thuật ngữ phạt nguội, luật sư Bình cho hay, phạt nguội có nghĩa là việc xử phạt sau khi người vi phạm đã thực hiện hành vi vi phạm được một thời gian trước đó rồi chứ không phải là xử lý trực tiếp tại địa điểm vi phạm. Phạt nguội khác với phạt nóng, phạt nóng là hình thức xử phạt trực tiếp ngay khi đại diện lực lượng chức năng bắt gặp các trường hợp vi phạm. Lấy ví dụ trong lĩnh vực giao thông những trường hợp bị cảnh sát giao thông trực tiếp phát hiện và xử lý thì sẽ chịu phạt nóng còn những trường hợp được phát hiện từ camera giao thông thì sẽ nhận phạt nguội.
'Ngoài áp dụng xử phạt tại điểm a, khoản 1, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, chúng ta có thể áp dụng hình thức lao động công ích liên quan đến hoạt động phòng ngừa dịch Covid-19 tại địa phương để nâng cao ý thức của họ' - luật sư Bình đề xuất.
Đồng quan điểm, luật sư Quách Thành Lực (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc phạt nguội những hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng khó khả thi. 'Thay vì xử phạt bằng hình thức phạt nguội, trước mắt cơ quan chức năng nên tập trung tuyên truyền nhắc nhở người dân khi đến những nơi công cộng phải thực hiện việc đeo khẩu trang, xịt rửa tay để đảm bảo công tác phòng dịch. Nếu người dân nào không chấp hành, tái phạm nhiều lần thì mới nên tiến hành xử phạt theo quy định', luật sư Lực nêu quan điểm.
Phạt nguội để tăng tính răn đe?
Chiều 21/10, tại phiên họp trực tuyến của Hà Nội với các quận, huyện về công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc sở Y tế đã đề xuất mời các cơ quan báo chí vào cuộc phản ánh để làm căn cứ phạt 'nguội' trước việc nhiều người dân chủ quan, không thực hiện đeo khẩu trang để tăng tính răn đe.
Lê Liên
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật số 171