Tây Nguyên có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, đất đai màu mỡ, phù hợp với nhiều loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Vài năm qua, giá cả các mặt hàng nông sản như cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, cau liên tiếp đạt các mốc kỷ lục, đời sống người nông dân không ngừng được nâng cao.
Nông dân thu tiền tỉ mỗi năm
Chiều 24-1, tại khu vực quanh Quảng trường 10/3, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk nườm nượp người mua kẻ bán các mặt hàng hoa, cây cảnh chơi Tết. Vừa xuất bán 1 tấn cà phê được 119 triệu đồng, gia đình anh Trần Viết Bằng (ở huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) chở nhau trên chiếc ô tô bóng loáng lên TP Buôn Ma Thuột mua hoa về chơi Tết.
Giá các mặt hàng nông sản tăng cao giúp nông dân có cuộc sống ấm no
Gia đình anh Bằng có 3,5 ha trồng cà phê xen canh sầu riêng. Năm 2024, giá sầu riêng và cà phê tăng cao nên sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về hơn 1,7 tỉ đồng. Tháng trước, anh Bằng mua cho mình chiếc xe bán tải với giá hơn 800 triệu đồng để phục vụ đi lại.
'Chỉ vài năm trước, tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại mua được chiếc ô tô hơn 800 triệu đồng. Lúc đó, sau mỗi vụ mùa, trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận cũng chỉ đủ lo cho 3 con ăn học và trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, 2 năm nay giá sầu riêng và cà phê dần tăng lên, gia đình tôi bắt đầu có 'của ăn, của để'. Năm 2024, quả là một năm đầy mơ ước của những nông dân như chúng tôi' - anh Bằng chia sẻ.
Vào mùa thu hoạch, trên các tuyến đường rất dễ bắt gặp những chiếc xe bán tải chở sầu riêng
Đắk Lắk là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích trồng cà phê, sầu riêng. Tỉnh cũng có nhiều loại nông sản có giá trị kinh tế cao. Năm 2024, giá các mặt hàng nông sản như cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, cau tăng cao, ổn định giúp người nông dân thu nhập lớn. Sau mỗi mùa vụ, nông dân không chỉ đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất mà xây dựng, sửa sang nhà cửa, mua sắm ô tô.
Một lễ bàn giao hàng chục chiếc ô tô cùng lúc cho người dân
Huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, nơi được xem là thủ phủ sầu riêng của Tây Nguyên, những 'tỉ phú' nông dân ngày càng nhiều. Kinh tế khá giả, nông dân rủ nhau mua sắm ô tô để thuận tiện cho việc đi lại, thậm chí dùng để chở nông sản.
Theo thống kê của Công an huyện Krông Pắk, năm 2022, trên địa bàn có hơn 1.000 ô tô đăng ký mới, sang tên, chuyển vùng. Nếu năm 2023 hơn 2.100 xe thì đến năm 2024, tổng số ô tô đăng ký mới, sang tên, chuyển vùng là gần 2.900 xe, tăng hơn 34% so với năm trước. Ngoài ra, số lượng xe máy đăng ký mới trong năm 2024 cũng ở mức cao với 12.727 xe.
Năm 2024, tỉnh Đắk Lắk có thêm hơn 9.100 ô tô, hơn 69.700 xe máy, nâng tổng số hơn 1,8 triệu xe
Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết trong năm 2024, toàn tỉnh có hơn 78.800 phương tiện đăng ký mới, cấp biển số, tăng 11.080 phương tiện (khoảng 16%) so với năm 2023. Trong đó, hơn 9.100 ô tô, hơn 69.700 xe máy. Hiện tỉnh Đắk Lắk có hơn 1,8 triệu xe (hơn 106.000 ô tô), là tỉnh nằm trong nhóm đầu của cả nước về tỉ lệ ô tô/người.
Giá nông sản tăng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Tỉnh Đắk Nông, một địa phương có tỉ lệ người dân làm nông nghiệp lớn nhưng nhờ giá nông sản tăng cao đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng của tỉnh đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên trong năm 2024.
Đất đai màu mỡ, giá nông sản tăng cao, xuất hiện hàng loạt 'tỉ phú' nông dân
Đắk Mil, một huyện biên giới thuần nông của tỉnh Đắk Nông với khoảng 22.000ha cà phê và hơn 5.300ha hồ tiêu, sầu riêng, cây ăn trái đã mang lại nguồn thu lớn cho người dân. Giá nông sản tăng cao, thu nhập lớn, nông dân Đắk Mil đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà cửa, mua sắm hơn 1.000 ô tô, con số cao nhất từ trước đến nay.
Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, cho biết sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào thành công toàn diện của huyện năm 2024 khi cả 12/12 chỉ tiêu kinh tế xã hội đều đạt và vượt kế hoạch. Đáng chú ý, tăng trưởng kinh tế của huyện năm 2024 đạt 9,19%, gần gấp đôi mức tăng trưởng chung của tỉnh Đắk Nông.
Năm 2024, giá sầu riêng, cà phê tăng cao, nông dân thu lợi lớn
'Huyện Đắk Mil có thế mạnh để phát triển nền nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp chất lượng cao. Giá cả các mặt hàng nông sản tăng cao giúp người dân có thu nhập ổn định, đời sống ấm no. Hơn 1.000 ô tô được người dân mua sắm là một trong những thước đo về thành quả phát triển kinh tế - xã hội của huyện' – ông Lê Văn Hoàng nói.
Còn theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, ngành nông nghiệp luôn đối diện với những thách thức, rủi ro nhưng với nỗ lực của toàn ngành và bà con nông dân cộng với giá cả nông sản cải thiện góp phần đưa tăng trưởng của ngành trong năm 2024 đạt mức cao.
Thu nhập trên một diện tích, giá trị gia tăng của nhiều loại nông sản như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, lúa gạo… không ngừng được cải thiện.
'Giá nông sản tăng cao đã giúp gần 60% dân số của tỉnh Đắk Lắk có thu nhập ổn định, cuộc sống đầy đủ hơn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đặt ra mục tiêu đến hết năm 2025, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/người/năm nhưng đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân chung của tỉnh đạt hơn 72 triệu đồng/người/năm, vượt trước chỉ tiêu đề ra' – ông Nguyễn Hoài Dương chia sẻ.
Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh
Giá nông sản tăng là một trong những yếu tố giúp kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của tỉnh Đắk Lắk đạt hơn 1,8 tỉ USD, tăng gần 24% so với năm trước, vượt 15,8% kế hoạch.
Bên cạnh đó, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh Đắk Lắk đã giảm mạnh, từ 9,15% cuối năm 2023 xuống còn 6,65% vào cuối năm 2024.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 10 mặt hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, nhiều sản phẩm nông sản chế biến sâu đã được các nhà phân phối của Hàn Quốc, Trung Quốc đưa vào các kênh bán hàng.
Năm 2024 giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như: cà phê, hồ tiêu tăng hơn 85% so với năm trước nên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng mạnh so với năm 2023.
-->