Chiều 20-12, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả sau 2 năm triển khai mô hình 'Kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường tiểu học thuộc 5 quận, 5 huyện' và sơ kết hoạt động an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố năm 2023.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, năm 2022-2023, mô hình trên được triển khai tại 214 trường tiểu học trên địa bàn 10 quận, huyện: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai.
Trước đó, theo kế hoạch ban đầu triển khai tại 215 trường nhưng trong quá trình triển khai, trường Tiểu học Liên Hà (huyện Đan Phượng) đang xây dựng cải tạo nâng cấp nên tạm dừng không hoạt động.
Quang cảnh hội nghị chiều 20-12.
Trong 2 năm 2022-2023, thành phố đã tổ chức 3 đợt giám sát kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 31 bếp ăn trường tiểu học và 24 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cung cấp nguyên liệu tại 5 quận, 5 huyện triển khai mô hình. Kết quả, về điều kiện cơ sở vật chất có 28/31 bếp ăn đạt (chiếm tỷ lệ 90,3%); 3 bếp còn một số tồn tại như: Khu vực kho sắp xếp lộn xộn, cơ sở vật chất xuống cấp, chế độ vệ sinh chưa bảo đảm, thùng rác chưa có nắp đậy…
Bên cạnh đó, qua kiểm tra, giám sát cho thấy, 5/24 cơ sở cung cấp nguyên liệu (chiếm tỷ lệ 20,8%) có nguồn gốc thực phẩm chỉ được thể hiện trên hóa đơn, chứng từ, chưa chứng minh được nguồn gốc đến tận vùng trồng trọt.
Trong quá trình kiểm tra, giám sát, cơ quan chức năng của thành phố cũng đã tiến hành lấy 220 mẫu, gồm: 20 mẫu bàn tay người trực tiếp chế biến; 20 mẫu thớt chín; 60 mẫu thức ăn lưu; 60 mẫu nguyên liệu rau củ tươi và 60 mẫu nước chế biến tại vòi. Kết quả có 16 mẫu nhiễm vi khuẩn; trong đó 1 mẫu nước chế biến nhiễm vi khuẩn Coliforms (một trong những nguyên nhân gây ra bệnh đường ruột) vượt ngưỡng quy định của Bộ Y tế.
Theo đại diện của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, ngay sau khi phát hiện các mẫu nhiễm vi khuẩn tại các bếp ăn tập thể, cơ quan chức năng của thành phố đã yêu cầu nhà trường tổng vệ sinh toàn bộ khu vực bếp, vệ sinh môi trường và bể chứa nước; đồng thời rà soát lại toàn bộ quy trình chế biến thực phẩm, chủ động lấy mẫu xét nghiệm lại và khi đạt mới đưa vào sử dụng.
Cùng với các đoàn kiểm tra, giám sát của thành phố, các đoàn kiểm tra của quận, huyện cũng đã tiến hành kiểm tra 100% bếp ăn tập thể của 214 trường tiểu học. Kết quả, có 202/214 bếp ăn đạt điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định (chiếm tỷ lệ 94,4% và tăng 9,4% so với kế hoạch).
Các đoàn kiểm tra của quận, huyện cũng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm 241,5 triệu đồng đối với 12 bếp ăn, nhắc nhở tại chỗ 198 cơ sở. Các lỗi vi phạm chủ yếu là để thực phẩm sát nền nhà; chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát đột xuất cơ sở cung cấp nguyên liệu đầu; không lưu giữ đầy đủ các phiếu giao nhận hàng hóa hằng ngày và việc thực hiện tự truy xuất nguồn gốc thực phẩm đến tận các cơ sở nuôi trồng, giết mổ…
Ngoài ra, trong 2 năm triển khai mô hình trên đã ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 72 học sinh mắc, không có tử vong.
Đánh giá sau 2 năm triển khai, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường tiểu học thuộc 5 quận, 5 huyện đã góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học. Cụ thể là cải thiện điều kiện vệ sinh cơ sở; nâng cao ý thức chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm của người đứng đầu đơn vị; sự tham gia quản lý, giám sát và kiểm soát của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ban ngành và đoàn thể ở địa phương.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đánh giá cao việc triển khai mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn trường học của thành phố Hà Nội. Căn cứ vào kết quả hoạt động của mô hình này tại 5 quận, 5 huyện, thành phố cần có kế hoạch nhân rộng mô hình ra các quận, huyện còn lại. Qua đó, rút ra các kinh nghiệm để mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả, từ đó hướng dẫn các tỉnh, thành phố khác thực hiện.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm trong trường học liên quan đến bữa ăn học đường, góp phần phát triển thể chất, sức khỏe cho thế hệ tương lai của đất nước là nội dung vô cùng quan trọng. Do đó, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng trong năm 2024.
Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn trường học.
Tuy nhiên, khi nhân rộng mô hình, theo ông Vũ Cao Cương, các cơ quan quản lý cần có sự phối hợp chặt chẽ, 'rõ người rõ việc', đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là trong công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm một cách triệt để, từ đó, phòng tránh các sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trong trường học.