Tại các kỳ họp diễn ra cùng ngày 11-12, HĐND TP HCM và HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua nghị quyết quy định về chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn.
Động viên kịp thời
Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Đồng Nai (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025), những xã, phường, thị trấn 3 năm liên tục đạt và vượt tỉ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con thì được hỗ trợ 20 triệu đồng; 5 năm liên tục đạt và vượt tỉ lệ này được hỗ trợ 40 triệu đồng.
Phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số được miễn phí thực hiện tầm soát trước sinh (sàng lọc trước sinh), tầm soát sơ sinh (sàng lọc sơ sinh) tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Riêng phụ nữ (thường trú tỉnh Đồng Nai) sinh đủ 2 con trước 35 tuổi (độ tuổi mang thai và chất lượng thai nhi tốt nhất) được hỗ trợ một lần 1 triệu đồng.
Chi cục Dân số tỉnh Đồng Nai cho biết năm 2024, toàn tỉnh này có hơn 32.600 trẻ được sinh ra, giảm hơn 1.300 trẻ so với năm 2023. Tỉ lệ giới tính khi sinh là 108 bé trai/100 bé gái. Tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên đạt 0,7%. Đáng chú ý, Đồng Nai đang ở trong nhóm 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp. Tổng tỉ suất sinh của Đồng Nai năm 2020 là 1,97 con/mẹ, đến năm 2023 giảm mạnh còn 1,52 con/mẹ. Việc HĐND tỉnh này thông qua nghị quyết hướng đến mục tiêu chung là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỉ số dân số khi sinh giữa nam và nữ; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tại TP HCM, mức hỗ trợ khuyến sinh theo nghị quyết của HĐND thành phố (có hiệu lực từ ngày 21-12-2024) cao hơn so với tỉnh Đồng Nai. Theo đó, xã, phường, thị trấn 3 năm liên tục đạt và vượt tỉ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con được hỗ trợ 30 triệu đồng; 5 năm liên tục đạt tỉ lệ này được hỗ trợ 60 triệu đồng. Còn phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi được hỗ trợ một lần 3 triệu đồng.
Theo giải trình của UBND TP HCM, tổng tỉ suất sinh của thành phố năm 2023 là 1,32 con, hiện ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế là 2,1 con. TP HCM cũng đang được xếp trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tốc độ đô thị hóa cao, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng thì mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội…
Do đó, chính sách trên sẽ động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia và thực hiện tốt hơn nữa chính sách dân số trên địa bàn thành phố.
Nhiều địa phương áp dụng hỗ trợ một lần bằng tiền đối với phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổiẢnh: NGỌC DUNG
Quan tâm nhiều hơn đến chất lượng dân số
Nói về việc TP HCM và Đồng Nai thông qua chính sách khuyến sinh như nói trên, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), cho biết năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình 'Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030'. Trong đó, một số nội dung khuyến khích, hỗ trợ sinh con và sinh đủ 2 con tại vùng mức sinh thấp cần được rà soát, nghiên cứu, thí điểm triển khai hoặc ban hành như: hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con; hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con...
Các nội dung này cũng đã được đề xuất đưa vào dự thảo Luật Dân số mà Bộ Y tế đang trình Chính phủ. Để triển khai thực hiện Quyết định 588/QĐ-TTg, Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BYT hướng dẫn một số nội dung để các địa phương có cơ sở ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ.
Từ 20 đến 35 tuổi là độ tuổi tốt nhất cho mang thai. Ảnh: NGỌC DUNG
Cũng theo ông Dũng, cùng với TP HCM và Đồng Nai thì hiện nay, một số địa phương khác cũng đã ban hành nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, quy định chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn. Trong đó, đối với phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, tỉnh Long An áp dụng mức hỗ trợ một lần 450.000 đồng; Tiền Giang, Bạc Liêu cùng mức hỗ trợ 1 triệu đồng...
'Việc thưởng tiền, hỗ trợ dù không phải là yếu tố quyết định để các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con trước tuổi 35 nhưng qua đó cho thấy các địa phương đã và đang quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chất lượng dân số. Mức tiền hỗ trợ dù nhỏ nhưng là sự động viên, khuyến khích đối với các cá nhân, cặp vợ chồng trong việc thực hiện cuộc vận động mỗi gia đình, vợ chồng sinh đủ 2 con… Đây là bước đệm, là nền tảng xây dựng, phát triển các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ 2 con' - ông Dũng đánh giá.
Bộ Y tế cho biết hiện nay, mức sinh giữa các vùng, miền đang có sự chênh lệch đáng kể. Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung là những khu vực có mức sinh thấp, thậm chí một số địa phương ở các vùng này có mức sinh rất thấp.
Do đó, theo Bộ Y tế, tại các vùng có mức sinh thấp, để nâng mức sinh, ngoài các chính sách khen thưởng, hỗ trợ thì vấn đề quan trọng là truyền thông để người trẻ hiểu và thấy được trách nhiệm của cá nhân, gia đình đối với việc sinh đủ 2 con.
Tỉ suất sinh giảm dưới mức sinh thay thế
Theo Cục Dân số, hiện tỉ suất sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ vào năm 2021 xuống 2,01 con/phụ nữ vào năm 2022 và 1,96 con/phụ nữ vào năm 2023. Đây cũng là mức giảm thấp nhất từ năm 2006 trở lại đây và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.
Cũng theo Cục Dân số, mức sinh ở thành thị đã xuống thấp hơn mức sinh thay thế trong 20 năm qua và luôn thấp hơn mức sinh ở nông thôn. Đáng chú ý, 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế chiếm khoảng 39,37% số dân cả nước. Phần đông địa phương có mức sinh thấp này nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam có tốc độ đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.
Chính sách dân số từ 1956 đến nay đều truyền thông giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng hai con. Trong tình hình hiện nay, chính sách dân số Việt Nam cần một bước ngoặt để duy trì mức sinh thay thế 2 con/phụ nữ bằng cách điều chỉnh chính sách giảm sinh như trước đây sao cho phù hợp với thực tại hiện nay. Tiếp theo là phát triển các dịch vụ để hỗ trợ các gia đình trẻ. Tại nhiều quốc gia phát triển, chính phủ đưa ra hàng loạt chính sách để khuyến khích người trẻ kết hôn, tăng tỉ lệ sinh sản, trong đó có chính sách trợ cấp bằng tiền mặt cho việc thuê, mua nhà...
Vừa qua, một số ý kiến cho rằng mức hỗ trợ 3 triệu đồng cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi là chưa đủ hấp dẫn và không có tính lâu dài, trong khi việc nuôi dạy một đứa trẻ đòi hỏi rất nhiều chi phí và công sức. Cần hiểu đây chỉ là sự quan tâm, động viên của thành phố đối với những cặp vợ chồng đã thực hiện nghĩa vụ sinh đủ hai con. Nó không phải là giải pháp trọng tâm để giải quyết vấn đề mức sinh thấp của thành phố.
Để giải quyết mức sinh thấp, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình của người dân. Điều quan trọng nhất là sự đồng bộ trong các chính sách, từ đó xây dựng một môi trường sống và phát triển tốt nhất cho các gia đình. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ y tế, cần mở rộng các hỗ trợ về an sinh xã hội, giáo dục, nhà ở, thuế thu nhập cá nhân, và các phúc lợi xã hội khác. Chỉ khi có một hệ thống chính sách đầy đủ và đồng bộ, các cặp vợ chồng mới có thể yên tâm sinh con và nuôi dạy con cái trong điều kiện tốt nhất.
Khuyến sinh không chỉ đơn giản là tăng số lượng con cái mà còn là việc tạo ra một môi trường sống tốt nhất cho trẻ em phát triển, từ đó nâng cao chất lượng dân số. Chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, an sinh xã hội, thuế thu nhập cá nhân và các phúc lợi khác sẽ tạo nền tảng vững chắc để các gia đình có thể nuôi dạy con cái trong điều kiện tốt nhất. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để TP HCM giải quyết được vấn đề mức sinh thấp và hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.