Các lực lượng tham gia chữa cháy.
Cụ thể, trong tháng 1/2023 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ cháy rừng tại khoảnh 7, TK670 xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng và tại khoảnh 7, khoảnh 8, TK466A xã Đạm Bri, thành phố Bảo Lộc. Tiếp đến tháng 2/2023 cũng xảy ra 2 vụ cháy rừng tại lô a, khoảnh 4, TK478 xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc và tại lô 1, khoảnh 1, TK287 xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà. Trong tháng 3/2023 xảy ra 2 vụ cháy rừng tại lô a, khoảnh 1, TK266B và lô e, khoảnh 3, TK266B phường 3, thành phố Đà Lạt.
Ngọn lửa gặp lớp thực bì đã nhanh chóng bốc cháy dữ dội và lan rộng.
Đáng báo động, trong tháng 4/2023 đã xảy ra liên tiếp 6 vụ cháy rừng. Trong đó có 1 vụ xảy ra tại xã Rômen, huyện Đam Rông; 3 vụ tại xã Hiệp Thạnh, Hiệp An, huyện Đức Trọng và 2 vụ xảy ra tại phường 3, thành phố Đà Lạt. Khi đám cháy xảy ra Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã huy động lực lượng, phương tiện, công cụ tại chỗ để tham gia chưa cháy, kiểm soát đám cháy, không để cháy lan, cháy rộng.
Đơn cử như vụ cháy rừng xảy ra vào 15h, ngày 7/4, tại khoảnh 11 tiểu khu 267A, Phường 3, thành phố Đà Lạt (lâm phần do Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý). Chi cục Kiểm làm đã kịp thời thông báo, đồng thời huy động lực lượng, phương tiện, máy móc của Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm thành phố Đà Lạt, đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương Phường 3 để tổ chức chữa cháy rừng. Tuy nhiên, do thời tiết khô hanh, nắng nóng, bên cạnh đó do địa hình hiểm trở, vách núi đá cao nên việc tiếp cận để chữa cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn.
Vụ cháy rừng ở Lâm Đồng xảy ra trong đêm, khó khăn trong công tác cứu chữa.
Tiếp đến 20h30 ngày 8/4, tại khoảnh 11, tiểu khu 267A, Phường 3, thành phố Đà Lạt (lâm phần do Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý) một đám cháy khác, giáp với diện tích đám cháy đêm 7/4 lại tiếp tục bùng phát. Ngay sau khi phát hiện lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm đã kịp thời thông báo, huy động, phương tiện, máy móc của Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm thành phố Đà Lạt, đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương Phường 3, tổ chức chữa cháy rừng.
Tuy nhiên do thời tiết khô hanh, nắng nóng, thực bị dày rậm, bên cạnh đó do địa hình hiểm trở, vách núi đá cao, thời điểm xảy ra cháy rừng vào ban đêm nên việc tiếp cận đám cháy để tổ chức chữa cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn. Đến 1h sáng ngày 9/4, đám cháy mới được khống chế hoàn toàn.
Các lực lượng tham gia chữa cháy đang khống chế không để đám cháy lây lan.
Gần đây, tại huyện Đức Trọng cũng liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy rừng. Riêng trong ngày 23/4 đã xảy ra 2 vụ. Cụ thể: Vào lúc 10h50 tại xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, lực lượng chức năng đã phát hiện cháy tại lô 6, khoảnh 4 và lô 10, khoảnh 5, TK277B; tiếp đến vào khoảng 14h30, tại lô 8, lô 10, khoảnh 5, TK277B tiếp tục xảy ra cháy rừng (2 đám cháy thuộc Ban Quản lý rừng Nguyên liệu giấy Đức Trọng thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai, chi nhánh Lâm Đồng quản lý).
Tiếp đến 18h30 ngày 23/4, tại lô 6, lô 12: khoảnh 2, tiểu khu 278A, khu vực hồ Ta Hoét, thôn K Rèn, xã Hiệp An, phát hiện đám cháy (thuộc Lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý). Đến khoảng 20h45 cùng ngày đám cháy dã được dập tắt hoàn toàn. Khu vực rừng bị cháy tại huyện Đức Trọng chủ yếu là rừng sản xuất, trồng Thông ba lá, thảm cổ, cây bụi dưới tán rừng nên không gây thiệt hại nhiều đến tài nguyên rừng.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích rừng bị cháy từ đầu năm đến nay là 33.798 ha, loại cây rừng bị cháy chủ yếu là Thông 3 lá , keo lai, thảm cỏ và bụi cây… Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có 847 điểm cháy được cảnh báo qua vệ tinh, trong đó 426 điểm cháy trong rừng đã được các đơn vị chủ rừng và hạt kiểm lâm phát hiện sớm và cứu chữa kịp thời, còn lại là các điểm cháy ngoài rừng do người dân đốt rác vườn rẫy.
Nguyên nhân của các vụ cháy rừng chủ yếu là do thời tiết hanh khô nhiều ngày, ngọn lửa gặp lớp thực bì đã nhanh chóng bốc cháy dữ dội và lan rộng.
Ông Vũ Đình Cường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết, nguyên nhân các vụ cháy rừng chủ yếu là do thời tiết hanh khô nhiều ngày, ngọn lửa gặp lớp thực bì đã nhanh chóng bốc cháy dữ dội và lan rộng trên diện tích nhiều ha. Cùng với đó là do các đơn vị chủ rừng tiến hành xử lý vật liệu cháy bằng biện pháp phát dọn, đốt thực bì nhằm hạn chế cháy rừng và thiệt hại tài nguyên rừng do cháy rừng trong mùa khô nhưng đã thực hiện không đúng quy trình, kỹ thuật quy định.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai công tác chữa cháy đối với các vụ cháy rừng có quy mô lớn thì việc phát hiện, tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy tại chỗ còn nhiều hạn chế; khi xảy ra cháy các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương chưa kịp thời huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để tham gia chữa cháy rừng theo phương án được phê duyệt, dẫn đến để đám cháy bùng phát và lan trên diện rộng.
Thời tiết khô hanh, nắng nóng, thực bị dày rậm, địa hình hiểm trở, vách núi đá cao, việc tiếp cận đám cháy để tổ chức chữa cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn.
Để chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa khô, Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Lâm Đồng có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương cấp xã, các Hạt Kiểm lâm huyện, thành phố tăng cường công tác trực, khi có đám cháy xảy ra, phải huy động ngay lực lượng, phương tiện, công cụ tại chổ để kiểm soát đám cháy, tránh để cháy lan, cháy rộng.
Đồng thời, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện đám/điểm cháy rừng, thông báo và tổ chức lực lượng triển khai các biện pháp chữa cháy rừng, dập tắt ngay các đám cháy khi mới phát sinh, không để ảnh hưởng đến tài nguyên rừng và cảnh quan môi trường. Trường hợp xảy ra cháy lan, cháy lớn vượt tầm khống chế, kiểm soát của lực lượng tại chỗ, phải thông báo, huy động lực lượng cấp huyện, sự hỗ trợ của tỉnh để tham gia chữa cháy rừng.