Phóng viên: Vì sao Sở Công Thương TP HCM đề nghị rà soát, sửa chữa, cải tạo chợ dân sinh ngay trong thời điểm bước vào mùa kinh doanh quan trọng nhất trong năm, thưa ông?
- Ông NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM: Thành phố hiện có 232 chợ dân sinh, trong đó hơn 150 chợ đã được cải tạo, sửa chữa trong giai đoạn 2016-2021. Đa số chợ được xây dựng từ lâu, phần lớn trước năm 1975, nên đã xuống cấp, thiếu mỹ quan, không bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, thiếu bãi đỗ xe quy mô lớn..., làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của chợ.
Với vai trò quản lý ngành, thời gian qua, Sở Công Thương TP HCM đã phối hợp với UBND các địa phương rà soát, phân tích nguyên nhân, đánh giá những khó khăn, vướng mắc, hiệu quả của các giải pháp; điều chỉnh và lựa chọn giải pháp phù hợp để hỗ trợ hoạt động của kênh phân phối chợ truyền thống.
TP HCM xác định dù kinh tế có phát triển như thế nào thì chợ vẫn sẽ tồn tại và có đời sống riêng. Tuy nhiên, cần có những định hướng, giải pháp để chợ dân sinh có thể thích ứng, cũng như có những mô hình phát triển phù hợp. Đồng thời, cần có các giải pháp mang tính toàn diện để tổ chức hoạt động hiệu quả, gia tăng sức cạnh tranh cho các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm triển khai hiệu quả Nghị định 60/2024 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, đồng thời kịp thời hỗ trợ hoạt động kinh doanh của thương nhân và trải nghiệm mua sắm của người dân, nhất là trong thời điểm cuối năm, sở đã có văn bản gửi các địa phương, tổ chức quản lý chợ trên địa bàn về việc rà soát, thực hiện các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ dân sinh.
Theo đó, sở đề xuất rà soát lại quỹ đất để bố trí địa điểm đối với các trường hợp xây dựng mới chợ dân sinh; đầu tư nâng cấp, cải tạo các chợ đã xuống cấp, bảo đảm thuận lợi cho người dân khi kinh doanh, mua bán tại chợ; xã hội hóa chợ dân sinh; tập trung giải tỏa các điểm kinh doanh tự phát... Tùy điều kiện, tình hình hoạt động thực tế của từng chợ, các địa phương, tổ chức quản lý chợ sẽ đánh giá, lựa chọn giải pháp phù hợp để mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Nhiều chợ dân sinh tại TP HCM sau rất nhiều năm hoạt động nay đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: THANH NHÂN
Trong các giải pháp Sở Công Thương TP HCM đề xuất, giải pháp nào có thể thực hiện ngay trong các tháng cuối năm?
- Các giải pháp mà Sở Công Thương TP HCM đề xuất tại văn bản nói trên đã thông qua trao đổi với các sở, ngành chuyên môn hoặc đã có mô hình thành công tại một số chợ, địa phương. Từ đó, Sở Công Thương tổng hợp thành nhóm các giải pháp để triển khai đến các địa phương nên đều có tính khả thi và có thể thực hiện ngay.
Quan trọng là trên cơ sở điều kiện, tình hình, hoạt động thực tế của từng chợ cụ thể ra sao, sẽ chọn và áp dụng giải pháp nào nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của từng chợ.
Vấn đề tài chính để cải tạo các chợ sẽ được chuẩn bị thế nào trong khi thực tế nhiều năm nay, kinh phí phục vụ sửa chữa, nâng cấp các chợ rất hạn chế?
- Một trong những điểm thay đổi quan trọng của Nghị định 60/2024 đối với phát triển hệ thống chợ là cho phép sử dụng ngân sách nhà nước trong hoạt động nâng cấp, sửa chữa chợ, đồng thời quy định chi tiết các hình thức xã hội hóa, định hướng đối với việc sửa chữa chợ. Theo đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách nhà nước (bao gồm các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật).
Tùy loại hình, quy mô, chủ đầu tư dự án chợ dân sinh sẽ áp dụng quy định, quy trình và nguồn kinh phí phù hợp để thực hiện. Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP HCM đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, rà soát, huy động, khai thác các nguồn lực để phát triển mạng lưới chợ và cụ thể hóa lộ trình đầu tư, nâng cấp, cải tạo hạ tầng chợ, xây dựng kế hoạch phát triển chợ trên địa bàn giai đoạn 2025-2030.
Với xu hướng tiêu dùng hiện đại, bao gồm thương mại điện tử, lượng khách mua sắm tại các chợ giảm mạnh qua từng năm, TP HCM cần phải làm gì để vực dậy kinh doanh chợ truyền thống, thưa ông?
- Tốc độ đô thị hóa nhanh và sự bùng nổ của các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử... cùng sự thay đổi thói quen tiêu dùng đang tạo ra áp lực rất lớn cho các chợ kinh doanh theo phương thức truyền thống, đặc biệt ở khu vực TP HCM.
Tuy nhiên, chợ vẫn là một trong các thiết chế quan trọng, là nơi đáp ứng chủ yếu nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân, nhất là đối với mặt hàng nhu yếu phẩm và thực phẩm. Vì vậy, để duy trì sự phát triển của chợ và gia tăng sự gắn bó của người tiêu dùng đối với kênh phân phối truyền thống này, cần thiết có các giải pháp phù hợp. Trong đó, căn cứ theo điều kiện, tình hình thực tế của từng địa phương, từng chợ để quan tâm, ưu tiên tập trung tăng cường mức độ trưởng thành số ở cả ba khía cạnh: người bán, người mua và tổ chức quản lý chợ. Từ yêu cầu của thực tế có thể thấy chuyển đổi số, nâng cao chất lượng thực phẩm, cải thiện không gian là những yếu tố then chốt giúp tăng sự gắn bó của khách hàng và góp phần nâng cao mãi lực của chợ.
Bên cạnh đó, với đề án 'Phát triển hệ thống chợ tại TP HCM thích ứng với bối cảnh dịch bệnh phát sinh và chuyển đổi số nền kinh tế', nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Luật TP HCM phối hợp với Sở Công Thương sẽ phân tích hoạt động của chợ dân sinh trên địa bàn, bao gồm đánh giá thực trạng quản lý, pháp lý, quy hoạch, hạ tầng, công nghệ, mô hình kinh doanh... Từ đó, đề xuất chiến lược phát triển và mô hình thí điểm chợ truyền thống trong thời gian tới.