Nhiều người dân phản ứng trước quy định xử phạt từ 1- 3 triệu đồng với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng
Phạt từ 1- 3 triệu có quá cao?
Nghị định 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 trong đó quy định những trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng.
Tại TP Hồ Chí Minh, sau sự cố nam tiếp viên hàng không không tuân thủ việc cách ly tại nơi cư trú khiến dịch lây ra cộng đồng, chiều 4/12, tổ liên ngành phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành đeo khẩu trang của người dân ở những khu vực công cộng, nơi tập trung đông người.
Trên góc đường Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thị Nghĩa, lực lượng chức năng đã lập biên bản 3 trong 4 người ngồi uống bia trên vỉa hè cố tình không đeo khẩu trang dù đã được nhắc nhở trước đó. Mỗi trường hợp vi phạm bị phạt 2 triệu đồng.
Theo báo chí phản ánh, cơ quan chức năng đã rất vất vả khi tiến hành lập biên bản từ người vi phạm. Hầu hết người không đeo khẩu trang khi bị phạt đều cự cãi, không xuất trình giấy tờ và kêu ca mức phạt quá nặng…
Theo số liệu từ UBND phường Phạm Ngũ Lão, trong 3 ngày thực hiện cao điểm kiểm tra việc chấp hành đeo khẩu trang của người dân, phường này đã lập biên bản 9 trường hợp vi phạm.
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Thế Công, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, UBND huyện này đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, tại mỗi xã, thị trấn cũng thành lập 1 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 trong đó có việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Tuy nhiên, theo ông Công với đặc thù văn hoá nông thôn nên việc đeo khẩu trang chưa thực hiện nghiêm túc. Trong khi đó, với mức phạt từ 1 đến 3 triệu đồng so với đời sống chủ yếu làm nông nghiệp của người dân là quá cao.
Do đó, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, việc xử phạt gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này huyện mới chỉ xử lý được 165 trường hợp nhưng với mức phạt 100-300.000 đồng, chưa phạt được ai mức 1-3 triệu đồng.
Mục tiêu không phải để tìm người không đeo khẩu trang để xử phạt
Đem những băn khoăn, những phản ứng từ phía người dân và lực lượng thực thi quy định này tới Bộ Y tế - cơ quan chủ trì soạn thảo NĐ 117, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã có những giải thích cụ thể.
Bà Trang cho biết, một trong những yêu cầu đặt ra cho ban soạn thảo xây dựng NĐ 117 thay thế NĐ 116 là tăng tính răn đe đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế.
'Trên thực tế, sau khi triển khai NĐ 176 với những mức phạt thấp, một số quy định chưa được chi tiết cụ thể do đó mức độ răn đe không cao nên tính nhờn luật là có xảy ra.
Phạt 1- 3 triệu đồng không đeo khẩu trang nơi công cộng: Quy định có để 'cho vui'?
Cụ thể như hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng, theo NĐ 176 quy định phạt từ 100- 300 nghìn đồng. Với mức phạt này, trong thời gian vừa qua tại các địa phương cho thấy, phạt được rất nhiều.
'Nhưng điều đấy không có nghĩa mang tính răn đe', bà Trang khẳng định. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế lý giải, với mức phạt ấy trong hầu hết khả năng của tất cả mọi người nên người vi phạm rất dễ dàng rút tiền túi ra để nộp mà không bị ảnh hưởng về mặt kinh tế .
Do đó, mức độ nhận thức và mức độ cảnh báo nguy cơ không cao- không mang tính răn đe và không làm cho người ta nhớ để thay đổi hành vi. Việc mức phạt thấp sẽ và đã xảy ra tình huống người ta sẵn sàng rút tiền nộp phạt để …tiếp tục vi phạm. Thực tế ở nhiều địa phương trong đó có Hà Nội phạt được rất nhiều và không có ai không nộp. Khi bị phạt họ sẵn sàng nộp.
Trong khi đó, với công tác phòng chống dịch, chỉ một hành động nhỏ nhưng sơ sểnh là có thể gây ra hậu quả khôn lường.
'Chỉ với hành vi không tuân thủ nghiêm quy định tự cách ly tại gia đình mà nam tiếp viên hãng hàng không VietNam Airline đã khiến bao nhiêu quán xá phải đóng cửa, TP Hồ Chí Minh phải cho hàng ngàn học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn phải nghỉ học chuyển sang hình thức học trực tuyến, số lượng lớn người phải đi cách ly, hàng ngàn mẫu xét nghiệm được tiến hành…
Đình đốn nhiều hoạt động kinh tế- xã hội khác trong đó có việc tạm dừng các chuyến bay thương mại. Rõ ràng chúng ta thấy từ một hành vi rất nhỏ nhưng để lại hậu quả vô cùng lớn. Do đó, việc phạt 1- 3 triệu đồng cứ nghĩ là cao nhưng thực ra so với tổn thất về mặt KT- XH và nhiều thứ khác đem lại thì hậu quả lớn hơn rất nhiều. Do đó, vấn đề đang nằm ở nhận thức của cả người thực thi NĐ 117 lẫn người dân', bà Trang phân tích.
Bởi theo bà Trang phạt từ 100- 300 ngàn đồng 'không thấm vào đâu', trong khi 1 đến 3 triệu là mức phạt mà nếu như bị phạt người ta sẽ nhớ và không vi phạm nữa.
Một lần nữa, vị đại diện Bộ Y tế cho rằng, mục tiêu của phòng chống dịch là để phòng chứ không phải chống. Chúng ta không mong muốn là phải chống dịch mà mong muốn phòng để cho dịch không xảy ra hoặc là để cho những nguy cơ của dịch không bùng phát.
'Do đó, mục tiêu NĐ 117 không phải là tìm người dân không đeo khẩu trang để xử phạt mà là trong trường hợp thật cần thiết còn dự phòng là chính.
Với những trường hợp cố tình không đeo khẩu trang sau khi đã có tuyên truyền, nhắc nhở rồi thì phạt 1 triệu đến 3 triệu cũng là thoả đáng.
Bởi vì, phạt để người ta nhớ, người ta ngấm, người ta thấm, người ta không tái phạm và để người khác sợ. Phạt 1- 3 triệu đồng thì chắc chắn người ta trước khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, sẽ hiệu quả như việc nâng mức xử phạt với hành vi uống rượu bia lái xe. Rõ ràng có sự thay đổi rõ rệt', bà Trang nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo bà Trang, khung hình phạt từ 1- 3 triệu đồng được quy định trong khoản 1 điều 12 của nghị định được áp dụng cho rất nhiều các biện pháp trang bị phòng hộ để phòng dịch khác chứ không phải chỉ đeo khẩu trang do đó người thực thi cần thực hiện làm sao cho phù hợp. Nghĩa là không phải trường hợp nào cũng áp dụng mức phạt kịch khung 3 triệu hay sử dụng mức phạt trung bình 2 triệu.
Với công tác phòng chống dịch, chỉ một hành động nhỏ nhưng sơ sểnh giống như hành vi không tuân thủ quy định cách ly của nam tiếp viên hàng không đã gây ra hậu quả khôn lường.
Vì thế phạt hành vi không đeo khẩu trang 1- 3 triệu đồng tại nơi công cộng không cao so với hậu quả mà hành vi này mang lại.