Khủng long hóa thạch không chỉ là bảo vật được nhiều nhà cổ sinh vật học nghiên cứu mà còn đang dần thống trị sàn đấu giá nghệ thuật thế giới. Tuy nhiên, liệu việc mang hóa thạch khủng long giao bán có ảnh hưởng tới nền nghiên cứu khoa học?
Nhà đấu giá Sotheby’s đang đưa hộp sọ khủng long có tên Maximus (trong ảnh) ra đấu giá vào tháng 12. Nó dự kiến sẽ được bán với giá ít nhất 15 triệu đô la (Ảnh: TED)
Hóa thạch khủng long giá trị như thế nào trên sàn đấu giá?
Một bộ xương gần như hoàn chỉnh có tên Stan the T. rex đã phá kỷ lục vào tháng 10 năm 2020 khi một cuộc chiến đấu giá đẩy giá của nó lên 31,8 triệu đô la, mức cao nhất từng được trả cho bất kỳ hóa thạch nào. Trước đó, một bộ hóa thạch khác mang tên Sue the T. rex giữ vị trí đầu bảng; với giá 8,3 triệu đô la vào năm 1997.
Vào năm 2022, một bộ hàm răng khủng long bạo chúa được đem ra giao bán với giá cao ngất ngưởng. Tháng 12 này, một hộp sọ của khủng long bạo chúa hóa thạch sẽ là trung tâm của một cuộc đấu giá Sotheby's ở thành phố New York. Nó dự kiến sẽ được bán với giá khoảng 15 triệu đô la.
Cũng vào tháng 11 vừa qua, một hóa thạch khác có tên Shen được dự bán với giá khoảng trên dưới 25 triệu USD tại một cuộc đấu giá của Christie ở Hồng Kông. Tuy nhiên, sau đó nhà đấu giá đã cho ra khỏi danh sách vì lo ngại về số lượng xương giả trong hóa thạch.
Shen (trong ảnh) được cho là hóa thạch khủng long đầu tiên từng được bán đấu giá ở Hồng Kông, với mức giá dự kiến từ 15 triệu đến 25 triệu USD (Ảnh: M.A)
Đấu giá hóa thạch khủng long – tổn thất lớn cho nền khoa học
Donna Yates, một nhà tội phạm học tại Đại học Maastricht ở Hà Lan, người nghiên cứu về những món đồ sưu tầm có giá trị cao, cho biết: “Đây là những khoản tiền khổng lồ, những khoản tiền thực sự đáng ngạc nhiên”.
Nhưng số tiền đáng kinh ngạc mà hóa thạch khủng long bạo chúa hiện được bán đấu giá có thể đồng nghĩa với một tổn thất lớn cho khoa học. Các nhà nghiên cứu cho biết với mức giá đó, các tổ chức công khó thể cạnh tranh với những tư nhân nhiều tiền để mua chúng về nghiên cứu.
Yates cũng cho biết, một lý do khiến giá hóa thạch khủng long cao ngất trời là bởi vì chúng ngày càng được coi như những tác phẩm nghệ thuật quý hiếm hơn là những bằng chứng khoa học. Xương có thể đã từng được mua và bán tại các đại lý 'hóa thạch cao bồi' bụi bặm. Nhưng ngày nay những hóa thạch này đang được trưng bày trong các phòng trưng bày sáng bóng và đang được đánh giá và bán trên thị trường như những vật phẩm nghệ thuật quý hiếm. Điều đó hấp dẫn các nhà sưu tập, cô ấy nói thêm: “Nếu bạn là người chuyên săn đồ quý hiếm, bạn là người muốn những thứ tốt nhất.”
Nhưng một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Carthage ở Kenosha, Wis, cho biết giá trị thực sự của hóa thạch là thông tin mà chúng nắm giữ. “Chúng là phương tiện duy nhất để chúng ta hiểu về sinh học và sự tiến hóa của các loài động vật đã tuyệt chủng”.
Việc lưu giữ hóa thạch của T. rex cũng như các loài khủng long và động vật khác trong các kho lưu trữ công cộng, chẳng hạn như bảo tàng, đảm bảo rằng các nhà khoa học có quyền tiếp cận nhất quán để nghiên cứu các vật thể, bao gồm khả năng sao chép hoặc đánh giá lại những phát hiện trước đó. Nhưng một hóa thạch được bán cho tư nhân hoặc thương mại chỉ để phục vụ mục đích yêu thích và sưu tầm sẽ là tổn thất lớn của nền khoa học hiện nay.
Hóa thạch được trưng bày tại nhà đấu giá Christie vào tháng 9 năm 2020. Giá trị ước tính của nó là từ 6 triệu đến 8 triệu đô la, cuối cùng được bán với giá 31,8 triệu đô la, mức giá cao nhất từng có đối với một hóa thạch (Ảnh: M.A)
Các bảo tàng và tổ chức học thuật thường không có đủ số tiền cần thiết để cạnh tranh với các nhà thầu tư nhân trong các cuộc đấu giá hoặc bất kỳ cuộc mua bán cạnh tranh nào như vậy. Đó là lý do tại sao, vào tháng trước khi Stan được bán đấu giá vào năm 2020, Hiệp hội Cổ sinh vật học có xương sống, hay SVP, đã viết một lá thư cho Christie's yêu cầu nhà đấu giá xem xét hạn chế đấu thầu cho các tổ chức công. Hy vọng rằng điều này sẽ mang lại cho các nhà khoa học cơ hội để lấy được các mẫu vật.
Biện pháp bảo vệ hóa thạch khủng long cho nền khoa học
Hoa Kỳ là nơi có gần như mọi bộ xương khủng long từng được tìm thấy. Tuy nhiên hiện nay, tại đây chưa có một biện pháp bảo vệ nào đối với các hóa thạch được khai quật từ đất tư nhân
Kể từ năm 2009, luật pháp Hoa Kỳ cấm thu thập các hóa thạch có giá trị khoa học, đặc biệt là hóa thạch của các loài có xương sống như khủng long bạo chúa, từ các vùng đất công cộng mà không có giấy phép. Nhưng hóa thạch được tìm thấy trên đất tư nhân vẫn được coi là tài sản cá nhân của chủ đất. Và chủ đất có thể bán cho bất kỳ ai họ muốn.
Phần đông những nhà nghiên cứu khoa học cổ đại đề xuất nước này cần có những luật nghiêm ngặt về việc giao nộp hóa thạch được tìm thấy cho tổ chức công. Tất nhiên là những người này cũng sẽ được trả một khoản tiền xứng đáng để bảo vệ nền khoa học nước nhà.