Tính đến thời điểm này, Bộ Y tế đã phê duyệt giá khám chữa bệnh cho khoảng 20 bệnh viện, gồm 5 bệnh viện hạng đặc biệt và nhiều bệnh viện hạng 1. Các địa phương cũng đang triển khai điều chỉnh giá khám chữa bệnh.
Quỹ BHYT đủ khả năng cân đối
Việc điều chỉnh giá khám chữa bệnh này theo phương án giữ nguyên cơ cấu giá và định mức đã ban hành; chỉ điều chỉnh yếu tố tiền lương, từ mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng và phải hoàn tất trong năm 2024.
Viện phí được điều chỉnh theo lương mới, tăng từ 10%-20% tùy dịch vụ
Giá dịch vụ khám chữa bệnh điều chỉnh lần này thuộc danh mục do quỹ BHYT thanh toán, gồm: giá dịch vụ khám bệnh, hội chẩn; dịch vụ ngày giường bệnh; dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm; dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng phương pháp vô cảm gây tê chưa bao gồm chi phí thuốc và ôxy sử dụng cho dịch vụ; chi phí thuốc và ôxy thanh toán với cơ quan BHXH và người bệnh theo thực tế sử dụng và kết quả mua sắm của cơ sở khám chữa bệnh.
Với việc điều chỉnh viện phí theo lương cơ sở mới, khám bệnh BHYT tại bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 tăng từ 42.100 đồng lên là 50.600 đồng. Giá ngày giường điều trị hồi sức tích cực/ghép tạng hoặc ghép tủy hoặc ghép tế bào gốc tại bệnh viện hạng đặc biệt từ 867.500 đồng lên 1.017.300 đồng; giường bệnh hồi sức cấp cứu từ 509.400 đồng lên 599.400 đồng/ngày...
Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), giá dịch vụ khám bệnh, giá ngày giường bệnh, giá gần 9.300 dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm và 765 dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng phương pháp vô cảm gây tê chưa bao gồm chi phí thuốc chính thức được điều chỉnh từ ngày 1-11 vừa qua. Tương tự, giá khám chữa bệnh cũng được đồng loạt tăng tại các bệnh viện: Việt Đức, K, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, E, Bệnh nhiệt đới trung ương, Đa khoa Nông nghiệp, Da liễu, Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện C Đà Nẵng...
Như vậy, trong 2 năm qua, giá dịch vụ y tế liên tục được điều chỉnh. Ở lần tăng trước đó vào tháng 11-2023, giá dịch vụ khám bệnh, giá ngày giường, dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm BHYT tăng khoảng 10%. Với việc áp mức lương cơ sở năm 2024, giá khám chữa bệnh tăng 10%-20%, tùy dịch vụ.
Bộ Y tế cho biết với việc điều chỉnh giá lần này, quỹ BHYT đủ khả năng cân đối. 'Nhận định này được đưa ra khi so chênh lệch thu chi của quỹ BHYT hằng năm và số thu quỹ BHYT tăng do điều chỉnh mức lương cơ sở sớm hơn việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh' - lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá.
Tính đúng, tính đủ
Theo ghi nhận tại một số cơ sở y tế, nhiều bệnh nhân cho biết khá bất ngờ vì việc điều chỉnh viện phí lần này.
Bà Trần Thu H. (ở Thanh Hóa) cho biết Bộ Y tế có trấn an người bệnh là 'không ảnh hưởng nhiều' nhưng thực tế ảnh hưởng không ít. 'Gia đình tôi có người thân phải phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) nhưng vào đây mới biết là bệnh viện cái gì cũng thiếu. Bệnh nhân có BHYT nhưng người nhà phải ra ngoài hiệu thuốc mua từ cái bông gạc đến từng viên thuốc. Tôi có nghe người nhà bệnh nhân khác phàn nàn rằng người bị gẫy chân mà đến nẹp cũng không có để mổ. Rõ ràng, người bệnh đang thiệt đủ đường' - bà H. nói.
Lãnh đạo nhiều bệnh viện cho rằng khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế và tiến đến tính đúng, tính đủ viện phí, các bệnh viện sẽ có thêm nguồn lực để nâng cao dịch vụ khám chữa bệnh, từng bước giảm chi từ tiền túi của người dân. Theo PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, về nguyên tắc, bệnh viện phải được tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế nhưng do khả năng cân đối quỹ BHYT và chi trả của người dân, việc điều chỉnh này sẽ theo lộ trình.
Trong bối cảnh giá dịch vụ hướng tới việc tính đủ, các bệnh viện đã và đang nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ. Từ tháng 11-2024, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai hệ thống bệnh án điện tử để nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh.
Theo một chuyên gia y tế, việc tính đúng, tính đủ viện phí để nâng chất lượng dịch vụ y tế là cần thiết. Bởi hiện nay có sự chênh lệch lớn về thu viện phí giữa bệnh viện tư nhân và bệnh viện công lập, trong khi chất lượng chuyên môn giữa hai bên tương đồng nhau.
Hiện nay, giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm hai yếu tố chính: chi phí trực tiếp (điện, nước, duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất và trang thiết bị) và chi phí nhân công (tiền lương cơ sở). Mức giá này chưa tính đến chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, dù đây cũng là các khoản chi cần thiết.
Thời gian tới, khi tính đủ các yếu tố, viện phí có thể sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, tăng viện phí phải phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT và mức đóng BHYT của người dân. Theo đại diện BHXH Việt Nam, hết năm 2023, tổng quỹ BHYT kết dư 40.000 tỉ đồng, trong đó 33.000 tỉ đồng kết dư trong dịch COVID-19, còn các năm khác và những năm qua chi đều nhiều hơn thu.
Đề xuất mở rộng quyền lợi bệnh nhân BHYT
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện tỉ lệ chi tiền của người bệnh tại Việt Nam vẫn tương đối cao, chiếm khoảng 45% chi phí y tế. Một nguyên nhân khiến người bệnh giảm niềm tin vào chính sách BHYT là vẫn có tình trạng phải tự bỏ tiền mua thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi quyền lợi được hưởng, do cơ sở khám chữa bệnh không cung ứng được vì các lý do khác nhau.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, cho biết tại dự thảo Luật BHYT (sửa đổi), Bộ Y tế cũng đề xuất điều chỉnh quyền lợi BHYT theo hướng sửa đổi, bổ sung một số quy định về phạm vi quyền lợi BHYT, mở rộng trường hợp được lên thẳng cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên sâu.