Ngày 23-10, Đoàn giám sát số 3 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong làm Trưởng đoàn, đã triển khai giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về 'Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh' (Chương trình 06) và Nghị quyết số 09-NQ/TU về 'Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045' (Nghị quyết 09) tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo.
Đẩy mạnh tuyển sinh, giải quyết việc làm
Thực hiện Chương trình 06 và Nghị quyết 09, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động, kịp thời chỉ đạo các chi bộ trực thuộc, các tổ chức đoàn thể quán triệt hiệu quả nội dung 2 văn bản trên. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực bằng nhiều hình thức.
Điều này đã góp phần đổi mới tư duy, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và công nghiệp văn hóa; cũng như giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với thông tin về các ngành nghề, cơ sở đào tạo; các hoạt động tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.
Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tập trung mọi nguồn lực tìm kiếm giải pháp không ngừng đổi mới, bắt kịp xu thế, sự thay đổi của xã hội cho mục tiêu đẩy mạnh tuyển sinh, giải quyết việc làm, gắn đào tạo nghề với hợp tác doanh nghiệp - coi đây là một trong những giải pháp quan trọng về thu hút tuyển sinh, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
'Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI, trong đó có chỉ số thành phần là 'Chỉ số đào tạo lao động' của Hà Nội liên tục tăng hạng những năm gần đây, cho thấy chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tay nghề của người lao động đã được doanh nghiệp đón nhận và đánh giá cao, khẳng định nỗ lực của thành phố trong thúc đẩy đào tạo nghề, phát triển kỹ năng, giải quyết việc làm cho người lao động và hỗ trợ cho doanh nghiệp chủ động nhân lực, phát triển các ngành công nghiệp tại địa phương', đồng chí Bạch Liên Hương thông tin.
Cùng với đó, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng được chú trọng cải thiện và nâng cao.
Về thực hiện các chỉ tiêu tại Chương trình 06 và Nghị quyết 09, hiện đơn vị có 2 chỉ tiêu, gồm: Tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có bằng cấp chứng chỉ lần lượt từ 75-80% và 55-60%; số lao động được đào tạo nghề hằng năm là 230 nghìn lượt, hiện đều đạt và vượt so với chỉ tiêu đặt ra.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác triển khai, thực hiện Chương trình 06, Nghị quyết 09 của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội Thủ đô còn một số tồn tại, hạn chế, như: Kết quả công tác tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đạt như mong muốn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của không ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập còn nhiều hạn chế. Việc triển khai đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị sử dụng nguồn ngân sách từ Trung ương còn gặp nhiều vướng mắc...
Cần làm rõ 6 yêu cầu của thị trường lao động
Tại buổi giám sát, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá cao nỗ lực của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội Thủ đô trong việc triển khai thực hiện Chương trình 06, Nghị quyết 09 của Thành ủy, trong bối cảnh 2 năm chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 dẫn đến khủng hoảng kinh tế, tác động trực tiếp đến môi trường lao động, nhiệm vụ an sinh xã hội. Các hoạt động của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã mang lại những kết quả cụ thể, nổi bật trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thời gian qua.
Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng chỉ ra, hiện còn rất nhiều việc cần triển khai, thực hiện để làm tốt hơn nữa các nhiệm vụ tại Chương trình 06 và Nghị quyết 09. Trong đó nổi bật là nhận thức về thị trường lao động vẫn chưa toàn diện, 'cái nhìn' còn rời rạc, thiếu tổng thể, do chưa có phương thức tổng hợp thông tin hiệu quả về bức tranh của thị trường lao động trên địa bàn.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: 'Lĩnh vực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không đơn thuần chỉ là lĩnh vực lao động, mà gắn chặt với việc thu hút đầu tư của địa phương và bảo đảm các chính sách an sinh xã hội, không chỉ để giải quyết việc làm mà thực sự còn là một ngành kinh tế, nếu biết đầu tư hiệu quả, gắn với phát triển bền vững. Chính vì vậy, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội Thủ đô cần rà soát lại các nhiệm vụ được giao trong Chương trình 06, Nghị quyết 09 của Thành ủy, từ đó đánh giá kỹ hơn về những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, rồi đề xuất kiến nghị cụ thể, theo nhóm; trong đó nêu rõ trách nhiệm của lãnh đạo ngành, cụ thể là người đứng đầu'.
Trên cơ sở đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội Thủ đô tập trung xây dựng, hoàn thiện đề án phát triển thị trường lao động trên địa bàn thành phố, làm rõ 6 yêu cầu của thị trường lao động; đề án phát triển hệ thống trường nghề trên địa bàn, trong đó không chỉ có các trường công lập, mà cần bao gồm cả các trường ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài…; nghiên cứu kỹ định hướng quy hoạch, phát triển trên 3 trụ cột: Nguồn lực văn hiến văn hóa, khoa học công nghệ và chuyển đổi số; nguồn nhân lực chất lượng cao; từ đó xem lại thực tế đang có gì, cần như thế nào để phát triển hiệu quả và bền vững.
'Cùng với đó, cần tổ chức nghiên cứu kỹ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về những vấn đề liên quan đến ngành, như: Dạy nghề, an sinh xã hội, thị trường lao động…, để có những đóng góp, bổ sung phù hợp; quan tâm đầu tư, phối hợp trong việc nghiên cứu và dự báo thị trường lao động trên địa bàn trong thời gian tới một cách bài bản, khoa học; nghiên cứu, xây dựng một đề án về hợp tác quốc tế, tập trung các nội dung, như: Dạy nghề, hướng nghiệp…', Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chỉ đạo.