Sáng 3-8, UBND TP HCM tổ chức phiên họp lần thứ 5 của Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan; Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 Trần Du Lịch; Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Trương Minh Huy Vũ chủ trì phiên họp.
Phiên họp nhìn lại một năm thực hiện Nghị quyết 98 của TP HCM; đồng thời gợi mở giải pháp, cách làm cho những cơ chế, chính sách chưa thực hiện được.
Tạo khung pháp lý
TS Trần Du Lịch đánh giá một năm qua, TP HCM đã rất nỗ lực, chuẩn bị kỹ lưỡng về khung pháp lý, các quy định thuộc thẩm quyền địa phương. Từ đó, thành phố không còn phải thực hiện cơ chế xin - cho.
'Với Nghị quyết 98, lần đầu tiên thành phố được cho một hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù trong việc phân cấp, phân quyền, huy động nguồn lực tài chính và thu hút nhân lực'- TS Trần Du Lịch nhìn nhận.
TS Trần Du Lịch đánh giá một năm qua, TP HCM đã rất nỗ lực, chuẩn bị kỹ lưỡng về khung pháp lý
Theo ông, thời gian qua, những việc cần làm để thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98, thành phố đã làm. Tuy nhiên, thời gian chưa đủ để các dự án có thể hấp thụ nguồn vốn đầu tư lớn.
Tại phiên họp, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Thành ủy viên, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP HCM, đã chuyển lời Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đến đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đã đồng hành cùng thành phố suốt thời gian qua.
Theo đó, Bí thư Thành ủy TP HCM đánh giá trong năm vừa qua, thành phố đạt được rất nhiều kết quả. Những kết quả đó có sự đóng góp rất lớn từ các thành viên Hội đồng Tư vấn.
'Bí thư Thành ủy TP HCM cảm ơn Hội đồng Tư vấn đã luôn đồng hành với thành phố; những đóng góp của anh, chị không chỉ cho Nghị quyết 98 mà còn lan tỏa trong các hành động, trong công tác quản trị, điều hành của TP HCM trên tất cả các lĩnh vực. Bí thư Thành ủy TP HCM mong muốn tiếp tục được lắng nghe ý kiến, đóng góp của Hội đồng Tư vấn nói riêng và đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học nói chung'- PGS-TS Trần Hoàng Ngân chuyển lời Bí thư Thành ủy TP HCM.
TS Trần Du Lịch cũng chuyển lời của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cảm ơn đến tất cả thành viên Hội đồng Tư vấn và mong các thành viên tiếp tục đóng góp cho TP HCM.
'Kỳ vọng lớn nhất của chúng ta là chuẩn bị tất cả tiền đề, hệ thống thể chế để các dự án, công trình đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển của TP HCM'- TS Trần Du Lịch bày tỏ.
Một vấn đề mà TS Trần Du Lịch lưu ý là thành phố cần đánh giá lại việc phân cấp, phân quyền vừa qua đã rút ngắn được thủ tục từng công trình, dự án chưa.
UBND TP HCM cần giao các sở, ngành tích hợp lại các quy định trong Nghị quyết 98, các nghị định của Chính phủ về phân cấp, phân quyền, các quyết định, nghị quyết của thành phố về trên các lĩnh vực. 'Từ đó, làm rõ các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của thành phố có thể làm, phải làm mà không cần xin ai'- TS Trần Du Lịch gợi mở.
Nghị quyết 98 đã lan tỏa trong thành phố
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Thành ủy viên, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP HCM, cho rằng sau một năm thực hiện Nghị quyết 98, thành phố đã đạt được rất nhiều.
'Nghị quyết 98 đã lan tỏa trong TP HCM. Thành phố đã vực dậy và phát triển'- PGS-TS Trần Hoàng Ngân nói.
Dẫn chứng, ông cho biết sự đóng GDP cho cả nước của TP HCM, năm 2021 thành phố đóng góp 15,8%, sáu tháng năm 2024 là 16,4%. Đây là con số lớn, cho thấy đóng góp của TP HCM tiếp tục đi lên.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng thực hiện Nghị quyết 98, TP HCM đã làm được rất nhiều
Tiếp đến là đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước với 21,7% - rất cao vào tăng trưởng chung. TP HCM vẫn duy trì được 'phong độ' khi đóng góp 26% vào tổng thu ngân sách cả nước. TP HCM vẫn là địa phương đầu tàu cả nước, động lực cả nước.
'Trong một năm qua, thành phố đã cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù bằng 30 nghị quyết của HĐND TP HCM. Để có 30 nghị quyết đó thì phải chuẩn bị biết bao tờ trình, đề án từ các sở, ngành, quận huyện, chuyển đến UBND TP HCM, Thành ủy TP HCM'- PGS-TS Trần Hoàng Ngân nói.
Ông khẳng định TP HCM đã có được nền móng để kêu gọi đầu tư, có những nghị quyết đã đi vào cuộc sống. Thực tế thành phố đạt được rất nhiều kết quả.
Còn vướng cái khó, cái mới
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết trong năm qua, thành phố đã làm tích cực, nỗ lực nhiều việc. Thành phố đã làm hết những gì có thể nhưng vẫn còn vướng những cái khó, cái mới, nhiều việc chưa triển khai được, còn nhiều việc chờ chừng nào có mới bắt đầu nghiên cứu.
Có thể kể đến như mô hình TOD (phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở). Mô hình này xác định rõ được áp dụng với các tuyến đường sắt đô thị và Vành đai 3 nhưng đến giờ thành phố vẫn chưa có TOD đường sắt đô thị và Vành đai 3.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều đầu việc từ Nghị quyết 98 mà thành phố chưa triển khai được
Hay như tín chỉ carbon, cứ nghĩ chưa có gì nên chưa làm, trong khi lẽ ra cần có cơ chế, chính sách để phát triển ngay từ bây giờ.
Rồi mô hình PPP (đối tác công tư) cho các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, TP HCM đã có danh mục, tổng mức đầu tư nhưng vẫn chưa thực hiện được vấn đề xã hội hóa, thu hút nguồn lực.
'Rõ ràng, đây đều là những cơ hội để huy động nguồn lực nhưng chúng ta chưa tạo cơ hội để người dân bỏ nguồn lực vào. Chúng ta chưa hình thành cơ chế, chính sách cho vấn đề này. Trước tiên, thành phố cần nhìn nhận, hình thành cơ chế, chính sách và trình HĐND TP HCM, sau đó tới các dự án. Từ những cơ chế, chính sách rõ ràng, các công ty, doanh nghiệp sẽ nghiên cứu và xin làm'- Phó Chủ tịch UBND TP HCM nói.
Một vấn đề khác được lãnh đạo UBND TP HCM nhắc đến là việc điều chỉnh tầng cao quy hoạch, chỉnh trang đô thị, giải quyết bài toán nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại. Thành phố có 20% quỹ nhà và 10% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại nhưng chưa thu được. Theo ông Võ Văn Hoan, đây là những việc đã bàn, đã nghĩ đến nhưng trong quá trình thực hiện làm chưa tới.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng mục tiêu xây dựng 180km đường sắt đô thị vào năm 2035 là điều không dễ dàng đối với TP HCM. Để làm được điều đó, thành phố phải làm được 3 điều: đổi mới tư duy, đổi mới cách thức tổ chức và đổi mới về vấn đề pháp lý.
Theo ông, mô hình TOD sẽ tạo thêm nguồn thu ngân sách từ bản thân dự án, giảm lệ thuộc vào ngân sách Trung ương.
Đối với dự án này, tư duy kinh tế thị trường là điều cốt lõi, tạo ra được nguồn tài chính. Thành phố cần tính toán để đảm bảo lợi ích của tất cả người liên quan từ chính quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp cho tới người dân.
Về mặt đổi mới phương pháp tổ chức, mỗi sở, ngành của thành phố đều phải xắn tay vào làm và cam kết tiến độ. Từng sở, ngành sẽ phụ trách từng phần việc khác nhau để đạt được mục tiêu chung của toàn thành phố.
'Người xưa có câu nói nếu có 6 giờ để chặt cây thì hãy bỏ ra 4 giờ để mài rìu. Nếu chúng ta có 11 năm để làm 180km metro thì nên mạnh dạn bỏ ra 3-4 năm để làm tốt việc kết nối xe buýt, thu hút người dân sử dụng hàng ngày, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội. Từ đó, nhân rộng sang các tuyến còn lại'- KTS Ngô Viết Nam Sơn góp ý.
Theo TS Trần Du Lịch, thành phố cần thực hiện đấu giá tiền sử dụng đất và dùng tiền thu được để thực hiện dự án, không hòa ngân sách chung. Thành phố có thể sử dụng trái phiếu để thanh toán cho khâu đền bù và khi thực hiện xong dự án TOD thì hoàn trả.