UBND TP HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Tài chính về đánh giá tác động nợ công của các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn.
Tách bạch nguồn vốn
Trong báo cáo, UBND TP HCM cho biết nhu cầu vốn thực hiện Đề án Phát triển đường sắt đô thị đến năm 2035 là khoảng 37,45 tỉ USD nhằm hoàn thiện 6 tuyến với tổng chiều dài 183 km. Cụ thể, giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 22,3 tỉ USD, giai đoạn 2030 - 2035 cần 15,15 tỉ USD.
UBND TP HCM nhìn nhận số vốn làm đường sắt đô thị rất lớn, chiếm tỉ trọng cao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương.
Để đánh giá đúng về hiệu quả thực hiện đề án cũng như tránh trường hợp kết quả thực hiện đề án gần như là kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, cần có cơ chế đánh giá riêng.
Dẫn một số thông tin khác, UBND TP HCM cho rằng thành phố cần được giữ lại số tăng thu ngân sách trung ương được hưởng từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu vốn thực hiện đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị.
Việc giữ lại số tăng thu ngân sách trung ương nêu trên vẫn bảo đảm phần thu 79% của ngân sách trung ương theo dự toán thu được Quốc hội giao. Toàn bộ nguồn tăng thu chỉ được sử dụng cho mục đích thực hiện Kết luận 49/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đáp ứng quá trình phát triển
Liên quan đề xuất của TP HCM, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng cần làm rõ đây là khoản thu vượt ổn định hằng năm hay thu bất thường. Bởi khái niệm thu vượt của ngân sách không hiểu như doanh nghiệp thông thường là giao chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận hằng năm vượt và được thưởng.
Cũng theo TS Đinh Thế Hiển, nếu 20 - 30 năm trước, việc xây dựng dự toán ngân sách cho dự án đầu tư công có thể sai lệch và điều chỉnh tăng vốn nhưng những năm trở lại đây, nền kinh tế ngày càng hoàn thiện hơn về khung pháp lý, khả năng lập dự án cũng chính xác hơn nên không thể đội vốn quá nhiều.
'Để tránh tình trạng dự án cứ đội vốn là xin điều chỉnh tăng thêm, cần tính toán rõ xem việc đội vốn ở hiện tại do nguyên nhân nào rồi rút ra bài học kinh nghiệm. Tránh chỉ giải quyết sự vụ mà không xử lý gốc vấn đề, các tuyến metro tiếp theo sẽ rơi vào tình trạng tương tự' - TS Đinh Thế Hiển nói thêm.
Tuyến metro số 1 dự kiến khai thác thương mại trong năm nay. Ảnh: BAN QUẢN LÝ ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ TP HCM
TS Dương Như Hùng - Trưởng Khoa Nghiên cứu hạ tầng giao thông Trường Đại học Bách khoa TP HCM - nêu dẫn chứng ở các nước nói chung, nguồn thu ngân sách được tái sử dụng một phần để phát triển cho địa phương, ví dụ đầu tư hạ tầng giao thông, giáo dục… Điều này nhằm tạo tính hấp dẫn cho địa phương và tạo nguồn thu cho tương lai hay nói cách khác là nuôi dưỡng nguồn thu.
Do đó, theo TS Hùng, UBND TP HCM được giữ lại số tăng thu ngân sách trung ương được hưởng để thực hiện đề án phát triển đường sắt đô thị là điều cần thiết nhằm góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, tạo cơ hội nuôi dưỡng nguồn thu.
Tuy nhiên, khi thực hiện cần cân nhắc và không phụ thuộc nhiều vào nguồn thu vượt này. Lý do là vì số vốn đầu tư hệ thống đường sắt đô thị rất lớn, nếu nguồn thu không ổn thì thặng dư lúc ít, lúc nhiều, thành phố phụ thuộc vào nguồn thu này sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình xây dựng các tuyến đường sắt. Vì thế, cần linh hoạt áp dụng nhiều nguồn lực khác bên cạnh nguồn thu vượt như phát hành trái phiếu, đấu giá các khu đất xung quanh nhà ga thuộc các tuyến metro số 1, 2, 3, 4, 5…
Trong việc huy động nguồn lực từ trái phiếu, đấu giá đất, TS Dương Như Hùng lưu ý để tránh ảnh hưởng việc trả lãi trái phiếu kéo dài tạo gánh nặng cho ngân sách, thành phố cần kiểm soát tốt tiến độ cũng như chất lượng đầu tư, quyết tâm không kéo dài thời gian đầu tư như tuyến metro số 1.
Bảo đảm phần lớn nhu cầu
Liên quan tiến trình triển khai hệ thống đường sắt đô thị, Sở Giao thông Vận tải TP HCM thông tin mới bắt đầu xây dựng từ năm 2007 và tiến độ chưa như mong đợi. Với hiện trạng kinh tế - xã hội hiện nay, TP HCM phù hợp để tập trung đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị nhằm đáp ứng tốc độ đô thị hóa và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ.
TP HCM đặt mục tiêu hoàn thành 510 km đường sắt đô thị, trong đó đến năm 2035 phấn đấu đưa vào khai thác khoảng 183 km, đến năm 2045 thêm 168,3 km và tới năm 2060 hoàn thành 158,6 km còn lại. Tương ứng những mốc thời gian trên là đáp ứng 30%-40%, 40%-50%, 50%-60% thị phần vận tải hành khách công cộng.
Nhiều nguồn quan trọng khác
Theo UBND TP HCM, ngoài nguồn tăng thu ngân sách trung ương, thành phố còn huy động nguồn vốn từ đấu giá tạo nguồn thu cho ngân sách trên cơ sở các khu đất dự kiến phát triển TOD để làm đường sắt. Nguồn thứ 3 là nguồn từ ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu.
Bên cạnh đó, TP HCM dự kiến sử dụng từ 10%-40%/năm (tùy theo tiến độ dự án) nguồn vốn đầu tư công hằng năm của thành phố để ưu tiên đầu tư Đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM. Đồng thời, thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại.