Những ngày gần đây, bài thơ ‘Tiếng hạt nảy mầm’ của nhà thơ Tô Hà, in trong sách Tiếng Việt lớp 5 thuộc bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” đã thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Bài đăng về 'Tiếng hạt nảy mầm' trên trang fanpage đã nhận được cả ngàn tương tác. Ảnh chụp màn hình.
Trên một trang fanpage có gần 300 ngàn lượt theo dõi, bài đăng “Ối giời ơi, cứu tôi! Thơ thế này cũng đưa vào sách giáo khoa cho học sinh là sao?
Cánh sẻ vụt qua song
Hót nắng vàng ánh ỏi…” đã nhận được lượng tương tác lớn với hơn 8 ngàn lượt bình luận.
Nhiều ý kiến cho rằng, “Tiếng hạt nảy mầm” là bài thơ khó hiểu với cách diễn đạt lủng củng, rắc rối đối với học sinh lớp 5. Đặc biệt, từ “ánh ỏi”, tại sao lại không thay bằng những từ dễ hiểu hơn như “óng ả”…
Từ ngữ trong văn bản nghệ thuật hay không phải ở nghĩa từ điển
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Đỗ Hải Phong, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định, “Tiếng hạt nảy mầm' của tác giả Tô Hà là một bài thơ hay. Hay không phải bởi có thể đọc ngược từng câu thơ từ cuối lên đầu vẫn thấy bài thơ có nghĩa. Nếu chỉ là trò chơi đánh đố, nó có nguy cơ đánh mất xúc cảm chân thành cần được khơi dậy trong tâm trí người tiếp nhận.
PGS.TS Đỗ Hải Phong, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: HNUE.
Tầm vóc của bài thơ hiện lên tuần tự qua từng dòng thơ một cách hồn nhiên, chân thực, mà cũng sâu sắc nhất. Qua từng câu thơ, người đọc cảm nhận được sự chuyển đổi từng hình ảnh thành âm thanh 'nhìn-nghe thấy được'. Hình ảnh và âm thanh không chỉ kết nối mà còn hợp nhất với nhau thành tiếng lòng ân nghĩa của tình người khai sáng.
“Người đọc được hòa vào cảm nhận 'rưng rưng' về ý nghĩa của từng âm thanh qua hình ảnh của cô trò trong bài thơ. Xúc cảm được cô đúc lại trong 'tiếng hạt nảy mầm' được nhìn-nghe thấy từ cuộc đời sống động và cả từ 'nét tay người gieo hạt' (tín hiệu gợi liên tưởng đến tứ thơ lãng mạn của V. Hugo)”, PGS.TS Đỗ Hải Phong nhấn mạnh.
Về từ 'ánh ỏi' (Cánh sẻ vụt qua song/ Hót nắng vàng ánh ỏi') làm nhiều người băn khoăn, PGS.TS Đỗ Hải Phong cho hay, đây là từ dùng rất chân xác theo tinh thần chung của chỉnh thể. Nó biểu hiện khát khao hình dung ra âm thanh qua hình ảnh của những đứa trẻ khiếm thính. Nó đồng nhất với cảm nhận về từng động tác 'mấp máy' môi, từng dáng tay, cử chỉ 'cụp mở' của cô giáo với 'cánh sẻ vụt qua song', với 'nắng vàng' ngoài khung cửa làm bừng lên âm thanh 'nhìn-nghe thấy được' trong tâm trí các em.
“Từ ngữ trong văn bản nghệ thuật hay không phải ở nghĩa từ điển, từ địa phương độc đáo, cũng không phải ở 'tính chất thi ca' do có nhà thơ, nhà văn nào đã từng dùng đắc địa trong một ngữ cảnh khác, mà ở chỗ nó biểu đạt chân xác cái được biểu đạt trong chỉnh thể văn bản nghệ thuật đang được tiếp nhận. Tình huống thơ từ cuộc sống tự nó đã làm bừng lên xúc cảm nhân văn. Chính xúc cảm nhân văn này đã cấu thành nên tứ thơ giản dị, chân thành, mà sâu sắc để đến với người đọc”, PGS.TS Đỗ Hải Phong phân tích.
Xin đừng tiếp tay cho sự “đẽo cày” trên cõi mạng
PGS.TS Đỗ Hải Phong cho hay, bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” không có gì khó hiểu. Những học sinh lớp 5, được gợi ý bởi những câu hỏi thích đáng sau bài học, hoàn toàn có thể cảm hiểu được tinh thần nhân văn mà thấy bài thơ thật có ý nghĩa. Tâm hồn trong sáng của các em học sinh không hề vướng bận bởi định kiến, rộng mở với cái hay cái đẹp đích thực.
Song định kiến đã thành nếp mòn về 'ngôn ngữ thơ lẽ ra phải thế này, thế kia' lại có thể nảy sinh trong tâm trí một số thầy cô băn khoăn, một số phụ huynh hoang mang, một số 'thợ thơ' tầm thường tự mãn.
Một số thầy cô 'hiểu chưa tới' bài thơ lẽ ra chỉ nên đem ra trao đổi trong giới chuyên môn, tham khảo ý kiến từ những người có tấm lòng rộng mở, có khả năng vượt ra khỏi định kiến, đánh giá được giá trị đích thực của bài thơ. Nhưng thầy cô đã vội chia sẻ lên mạng' làm đồng nghiệp, phụ huynh hoang mang, đồng thời kích động tâm thế đám đông 'anh hùng bàn phím' luôn phản ứng tiêu cực với bất cứ thứ gì sách giáo khoa mới đưa ra.
Cả ngàn ý kiến dâng lên như sóng chê bai, dập vùi một bài thơ hay xuất phát từ sự thiếu suy nghĩ của một vài người như vậy. 'Tiếng hạt nảy mầm' không vì thế mà mất đi ý nghĩa trong tâm trí những người đọc chân chính, những cô trò chân chính. Những ý kiến tích cực phản đối lại sự chê bai tiêu cực đang nổi lên, lấy lại vị thế cho bài thơ, thật là điều đáng mừng.
PGS.TS Đỗ Hải Phong mong các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, những người đọc có suy nghĩ hãy cảnh giác. “Xin đừng tiếp tay cho sự “vô minh” theo kiểu 'đẽo cày” trên cõi mạng như vậy nữa”, PGS.TS Đỗ Hải Phong nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, cô giáo Lê Huyền (giáo viên Tiểu học tại Hà Nội) đánh giá, “Tiếng hạt nảy mầm” là một bài thơ hay.
Trong bài thơ, có một số từ khiến giáo viên tranh luận về cách hiểu, vì nó có vẻ hơi “lạ”. Tuy nhiên, trong quá trình dạy bất kì tác phẩm nào với phần đọc của Tiếng Việt, các giáo viên đều thực hiện việc giải nghĩa từ cho học sinh, nhất là với những từ các em chưa hiểu hoặc hiểu chưa tới. Với “Tiếng hạt nảy mầm”, qua quá trình thực dạy thấy rằng, học sinh hoàn toàn có thể tiếp nhận và hiểu ra ý nghĩa muốn truyền tải của bài thơ. Vấn đề ở đây là giáo viên truyền tải thế nào.
“Đây là một bài thơ hay, giàu tính nhân văn, không hiểu sao một số người lại phản đối dữ dội như vậy”, cô Huyền nói.
Cùng quan điểm, cô giáo Đoàn Thị Phương Anh, Trường Tiểu học công nghệ giáo dục Hà Nội cho rằng “Tiếng hạt nảy mầm” là bài thơ rất hay, xúc động và nhân văn. Khi học bài thơ, các em cảm nhận được tình yêu thương của cô giáo và khát khao học tập của các bạn học sinh đặc biệt.
“Học sinh của tôi còn chia sẻ rằng, chúng con thật may mắn khi được nghe những âm thanh yêu thương xung quanh mình và con biết trân trọng những gì mình đang có. Và các bạn ấy cực kì thấy thích thú khi đọc ngược bài thơ từ dưới lên mà câu từ vẫn ý nghĩa liên kết, bài thơ cho các bạn học sinh khám phá mới về Tiếng Việt thật lí thú”, cô Đoàn Thị Phương Anh chia sẻ.
Nhà thơ Tô Hà tên thật là Lê Duy Chiểu, sinh ngày 10/11/1939 tại Thường Tín, Hà Tây, mất ngày 15/1/1991. Từng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã xuất bản các tập thơ: “Hương cỏ mặt trời” (1978), “Thành phố có ngôi nhà của mình” (1988), “Sóng giữa lòng tay” (1990).
Ông được cho là một người cực kỳ khó tính trong việc tạo nên những câu thơ. Để làm nên một câu, một bài thơ, ông mất rất nhiều công sức, sẵn sàng đẽo gọt, mài giũa cho đến khi vừa ý hoặc không tìm được sự thay thế tốt hơn mới đành chịu.
‘Tiếng hạt nảy mầm’ thuộc tập “Hương cỏ mặt trời”. Bài thơ mô tả một lớp học của trẻ khiếm thính, trong đó âm thanh mà các em có thể 'nghe' chỉ là ký hiệu từ bàn tay cô giáo: 'Đôi tay cô cụp mở/ Báo tưng bừng thanh âm'.
Mời quý độc giải xem video: Thầy Trần Phú Thế Cường nói về hoàn cảnh sáng tác bài hát Cô giáo Bản Mèo.. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.