Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết các đơn vị nghiệp vụ của đơn vị này vừa phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm mua bán người (Bộ Công an), Công an Lào và các đơn vị liên quan bắt giữ 155 nghi phạm người Việt Nam đang hoạt động tại khu Tam giác vàng (Lào) để điều tra các hành vi liên quan đến lừa đảo trên không gian mạng. Qua khai thác ban đầu, một trong những nghi phạm bị bắt bước đầu khai nhận, bản thân đã lừa đảo 200 người Việt Nam, trong đó có nạn nhân bị lừa đến 5 tỷ đồng. Khi lừa đảo thành công, các nghi phạm sẽ nhận được 7 - 11% số tiền chiếm đoạt.
Các nghi phạm trong đường dây lừa đảo bị bắt giữ.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sử dụng công nghệ cao, thực hiện trên mạng internet là vấn đề đang rất nhức nhối trong thời gian qua. Các đối tượng liên tục thay đổi phương thức thủ đoạn phạm tội, thường là ở nước ngoài nên gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện xử lý. Việc xử lý đối với nhóm đối tượng này là rất cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của công dân.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)
Điều đáng chú ý là những năm gần đây thì các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet thường là hoạt động có tổ chức, xuyên biên giới, xuyên quốc gia và có sự tham gia lãnh đạo điều hành của người nước ngoài. Các đối tượng lừa đảo có kịch bản, thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp. Các đối tượng còn lừa gạt, ép buộc nhiều người trở thành công cụ để thực hiện hành vi lừa đảo cho bọn chúng; không biết người trẻ nhẹ dạ cả tin đã trở thành nô lệ để các đối tượng hô biến thành công cụ thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, trên không gian mạng có liên quan đến người Việt Nam, tài sản bị mất có nguồn gốc ở Việt Nam, nạn nhân là người Việt Nam thì đều thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam.
Dù các đối tượng ở nước ngoài, là người nước ngoài nhưng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, nạn nhân là người Việt Nam, tiền của người bị hại chuyển đi từ Việt Nam thì sẽ áp dụng quy định của bộ luật hình sự Việt Nam để xử lý. Theo đó hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 500.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Luật sư Cường phân tích thêm, với các đối tượng chủ mưu cầm đầu, thực hành tích cực, có vai trò chỉ đạo sai khiến, ép buộc các đối tượng khác phạm tội, thu lợi bất chính lớn chỉ cần phải có hình phạt nghiêm khắc, có thể là 20 năm tù hoặc tù chung thân. Toàn bộ các tài sản do phạm tội mà có, có nguồn gốc từ tội phạm đều phải được tịch thu để xử lý theo quy định của pháp luật, trả lại tiền cho người bị hại. Do vậy, những ai bị các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng, có liên quan đối với các đối tượng này cần trình báo sự việc với cơ quan điều tra, cung cấp thông tin để được xác định là người bị hại trong vụ án này. Người bị hại có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, có quyền đề nghị mức hình phạt đối với các đối tượng gây án, đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, các biện pháp ngăn chặn để tránh việc tẩu tán tài sản.
Khi bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì điều đầu tiên là cần lưu lại các tài liệu chứng cứ rồi trực tiếp trình báo với cơ quan điều tra. Tuyệt đối không liên hệ với các cơ quan tổ chức qua mạng internet rồi chuyển tiền giờ đòi hộ. Thời gian qua rất nhiều đối tượng giả mạo cục phòng chống tội phạm công nghệ cao, giả mạo luật sư để lấy lại “tiền treo” bị lừa đảo. thực tế không có tiền nào treo cả. Các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường đưa ra lý do là tiền của nạn nhân đang bị “treo trên hệ thống”, muốn lấy lại tiền thì phải nộp thêm tiền.
Nạn nhân khi bị mất tiền vẫn nhẹ dạ cả tin tin rằng tiền nó đang bị “treo” trên hệ thống. Thực tế thì khi chiếm đoạt được tiền của nạn nhân thì trong vòng vài giây, các đối tượng đã chuyển thành tiền ảo để chiếm đoạt hoặc chuyển tiền đi nơi khác rồi rút tiền ra chiếm đoạt. Sau khi đã lừa được tiền, nạn nhân không chuyển tiền nữa thì các đối tượng tiếp tục giả mạo các cơ quan bảo vệ pháp luật, giả mạo các luật sư có uy tín để tiếp tục lừa những đồng tiền cuối cùng của nạn nhân… phương thức thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này là rất tinh vi, nhẫn tâm khi lừa đến những đồng tiền cuối cùng khiến nạn nhân lâm vào tình trạng cùng quẫn và mất niềm tin vào công lý.
Khi nghi ngờ các đối tượng mạo danh, thông tin giả mạo thì cần xác minh thông tin, chỉ chuyển tiền để thực hiện các giao dịch khi đã biết rõ người mà mình giao dịch là chính danh, không bị giả mạo. Nếu không may bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, cần phải trực tiếp liên hệ với cơ quan điều tra phải cung cấp chứng cứ để được xác minh làm rõ. Nếu tìm đến luật sư để tư vấn, cung cấp dịch vụ pháp lý thì cần phải gặp luật sư trực tiếp, ký hợp đồng dịch vụ pháp lý thì mới thanh toán vào tài khoản của văn phòng luật sư, tránh việc bị các đối tượng lừa đảo tiếp tục mạo danh luật sư để thực hiện các hành vi lừa đảo đối với nạn nhân.
>>> Xem thêm video: Bị bắt vì lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Hòa thượng “dởm” khai gì?