Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm vừa được Bộ GD&ĐT ban hành tiếp tục gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư đã ngăn chặn được việc dạy thêm, học thêm tràn lan gây bức xúc trong thời gian qua. Tuy nhiên, cũng không ít quan điểm phản đối, cho rằng, thông tư có nhiều bất cập. Trong đó, học thêm là nhu cầu thật, giáo viên cũng có quyền làm thêm như bao ngành nghề khác… Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Mai Loan.
Nguyên nhân dẫn tới dạy thêm, học thêm vẫn còn đó
Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT vẫn đang tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều ý kiến khác nhau. Quan điểm của ông thế nào, thưa TS Nguyễn Tùng Lâm?
Phải thừa nhận, thực tế, việc dạy thêm học thêm đã có những biến tướng, gây không ít bức xúc cho xã hội. Việc hướng tới một nền giáo dục không có dạy thêm, học thêm là mục tiêu rất nhân văn. Thông tư 29 cũng đã đưa ra những nguyên tắc đúng đắn. Đó là, việc dạy thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu và tự nguyện; hoạt động này phải góp phần phát triển phẩm chất, năng lực và phù hợp với khả năng của mỗi học sinh. Thời lượng dạy thêm cần phù hợp với tâm lý lứa tuổi, đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Mục tiêu là giúp học sinh yêu thích việc học, biết cách tự học và tiến bộ so với chính bản thân.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng quy định ba đối tượng được dạy thêm trong nhà trường mà không thu phí, bao gồm: Học sinh có kết quả học tập chưa đạt yêu cầu ở môn học nào đó; Học sinh được chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh hoặc thi tốt nghiệp theo kế hoạch của nhà trường. Tuy nhiên, Thông tư 29 chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay.
Vậy gốc vấn đề của dạy thêm, học thêm là gì, thưa ông?
Có thể thấy, hệ thống giáo dục hiện tại vẫn chú trọng vào thi cử và điểm số, chưa thực sự tập trung vào việc phát triển phẩm chất, năng lực và khả năng sáng tạo của từng học sinh. Mặc dù chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai với mục tiêu giảm truyền thụ kiến thức một chiều và thay đổi phương pháp giảng dạy, nhưng thực tế cho thấy nhiều trường học, phụ huynh và học sinh vẫn chạy đua theo điểm số, thi cử và các chứng chỉ.
Đặc biệt, chất lượng giữa các trường học hiện nay không đồng đều, từ cơ sở vật chất đến chất lượng giảng dạy. Điều này dẫn đến việc phụ huynh có xu hướng chọn trường tốt cho con, tạo ra áp lực cho học sinh trong việc đạt điểm cao để đáp ứng yêu cầu tuyển sinh. Từ đó, dẫn đến việc học sinh phải chạy đua đi học thêm.
Ngoài ra, nhiều trường học hiện nay 'sính' thành tích từ các cuộc thi do các đơn vị bên ngoài tổ chức mang danh quốc gia, quốc tế, kêu gọi học sinh tham gia. Từ đó, phụ huynh phải chạy đua, phải cho con học, đi thi thố. Cùng với đó, việc Bộ GD&ĐT vừa 'cấm' thi tuyển để tuyển sinh lớp 6 cho các trường THCS chất lượng cao, trường tư nhưng tiêu chí xét tuyển đối với học sinh tiểu học không có gì khác ngoài điểm số trong học bạ, các kỳ thi, giải thưởng, chứng chỉ. Điều này cũng khiến phụ huynh và học sinh muốn đi học thêm để tăng thành tích, có thêm cơ hội vào trường điểm, trường tốp.
Cần giải quyết được 'gốc' của dạy thêm, học thêm
Vậy để giải quyết được gốc của việc dạy thêm, học thêm, theo ông cần làm gì?
Tôi cho rằng, đầu tiên các trường phải thể hiện rõ vai trò của mình trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, giảm nhẹ truyền thụ kiến thức một chiều, thay đổi phương pháp để hình thành, phát triển năng lực học sinh, không đánh đố học sinh trong kiểm tra, đánh giá…
Bộ GD&ĐT cùng các địa phương cần có chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục đồng đều giữa các trường trên cơ sở đảm bảo tự chủ, nhân văn và sáng tạo. Cần đảm bảo xây đủ trường học, để học sinh ở phường, xã nào sẽ học đúng tuyến ở đó, phụ huynh, học sinh không phải lo đi học thêm khắp nơi để thi vào trường tốt, trường công lập. Các trường cần được trao quyền tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, từ đó thúc đẩy sự sáng tạo và hướng tới hội nhập giáo dục.
Bộ GD&ĐT nên hạn chế các kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa, vì chúng không thực sự giúp học sinh sáng tạo hay có những ý tưởng thiết thực trong cuộc sống. Thay vào đó, nên tập trung vào việc giáo dục giúp học sinh phát triển kỹ năng và tư duy sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội. Khi học sinh chưa thực sự được tập trung vào việc phát triển phẩm chất, năng lực và khả năng sáng tạo của mình, vẫn phải chạy theo thành tích, điểm số, thì vẫn phải đi học thêm.
Cuối cùng là vấn đề thu nhập giáo viên. Khi thu nhập giáo viên đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống, dạy thêm sẽ không còn là nhu cầu bức thiết nữa. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và đánh giá việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đảm bảo thực sự phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh.
Theo tôi, cần giải quyết được tận gốc những vấn đề trên, chứ không phải cấm giáo viên dạy thêm học sinh của chính mình, nhưng lại vẫn cho phép học thêm, dạy thêm ờ ngoài nhà trường, thì dạy thêm, học thêm vẫn tồn tại. Trong khi đó, khi học sinh phải ra các trung tâm, nhưng phụ huynh cũng rất khó để kiểm soát chất lượng. Và chất lượng dạy học ở các trung tâm không có ai chịu trách nhiệm cũng là một vấn đề.
Việc bồi dưỡng học sinh giỏi hay học sinh yếu kém, theo tôi, nhà trường cũng cần có quỹ trả cho giáo viên, chứ không thể dạy miễn phí, để tăng thêm thu nhập cho giáo viên.
Trân trọng cảm ơn ông!
TS Nguyễn Tùng Lâm cho hay, một đứa trẻ phát triển tốt cần 3 yếu tố: Cơ thể khoẻ mạnh, tinh thần sống thoải mái, học tập kiến thức - kỹ năng để phát huy hết năng lực của bản thân. Hiện nay, nhiều trường đã dạy học 2 buổi/ngày, theo mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới là đủ, không cần phải đi học thêm. Em nào có nhu cầu có thể tự học, tự đọc sách vở, nghiên cứu kiến thức, trừ các trường hợp học sinh giỏi cần bồi dưỡng, học sinh cần bổ túc vì yếu kém (cũng không nên kéo dài, mà chủ yếu hướng dẫn các em tự học). Ngoài giờ học, các em cần được tham gia các hoạt động giáo dục khác để rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống. để phát triển năng lực bản thân.
Mời quý độc giả xem video: TS. Nguyễn Tùng Lâm trao đổi với PV Tri thức & Cuộc sống về sứ mệnh của người thầy, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. Giữa thầy và trò không có thua và thắng, chỉ có ân hận hay tự hào: