PGS. TS Trần Đình Thiên
Bổ sung ngay vào quy hoạch chung TPHCM, thậm chí là đặt vấn đề ưu tiên
Vừa qua, góp ý với quy hoạch TPHCM, Sun Group đã đề xuất làm tuyến đại lộ 8-10 làn xe hiện đại, trong đó có tuyến đường sắt nhẹ dài gần 100km kết nối TPHCM - Tây Ninh và bám theo sông Sài Gòn. Ông đánh giá ra sao về ý tưởng này?
Tôi cho rằng đây là một ý tưởng tích cực, phù hợp với cách tiếp cận, phát triển TPHCM và có tác động tới cả vùng Đông Nam Bộ. Đại lộ 8 - 10 làn xe, chạy dọc sông Sài Gòn nối Bình Dương, nối Tây Ninh sẽ giúp nâng tầm phát triển của TPHCM cũng như các tỉnh mà tuyến đường đi qua. Tuyến đường sẽ hoàn thiện thêm quy hoạch giao thông – lĩnh vực mà lâu nay vẫn rất nhiều ách tắc, và phải nói là nhiều bức xúc. Chính Phủ cũng như TPHCM và toàn vùng Đông Nam Bộ đang dốc sức để khai thông những ách tắc này.
Từ việc mở ra các tuyến đường vành đai, rồi các tuyến đường kiểu hình nan quạt và bây giờ là đề xuất của Sun Group, tôi cho rằng là một đề xuất thực sự có giá trị, nâng tầm phát triển của cả Vùng cũng như của TPHCM.
Thực tế, TPHCM đã có ý tưởng phát triển đại lộ ven sông. Nhưng một đại lộ kết nối tới thẳng Tây Ninh, Bình Dương còn có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều. Với quy mô đại lộ 8-10 làn xe và có cả làn đường sắt nhẹ (LRT) thì sẽ giải quyết vấn đề lưu thông rất tốt. Loại hình này có thể đáp ứng không chỉ về tốc độ mà nhiều yêu cầu hiện đại khác nên đây quả thực là ý tưởng đáng cân nhắc, bổ sung ngay vào quy hoạch chung TPHCM, thậm chí là đặt vấn đề ưu tiên.
Trên thế giới vốn đã phát triển mạnh đường sắt nhẹ LRT. Vậy theo ông, Việt Nam, mà đi đầu là đô thị lớn nhất cả nước như TPHCM cần tính toán ra sao trong việc phát triển hệ thống LRT để kết nối liên vùng?
Tôi nghĩ rằng thế giới đã làm nhiều rồi, những thành phố bậc trung và hiện đại hóa nhanh đều có những tuyến giao thông kết nối, đặc biệt là giao thông đường sắt nhẹ. TPHCM có thể gọi là siêu đô thị, mười mấy triệu dân mà đến bây giờ đường sắt hạng nặng (MRT) cũng còn chưa xong. Đường sắt nhẹ với những lợi thế, tính ưu việt đã được chứng minh nhưng chưa làm. Như vậy, chúng ta đang đi sau, đi chậm. Do đó, phải đặt ý tưởng này vào sự ưu tiên. Đặt trong tương quan là nhiều thành phố trên thế giới và trong khu vực, ngay cả Đông Nam Á đi sau thế giới rất nhiều đã có đường sắt nhẹ từ hàng chục năm trước.
Bên cạnh đó, cần đánh giá hiệu quả nhiều chiều. Ở đây không chỉ đơn thuần là tác động liên quan đến giao thông như giảm ách tắc đi lại, chi phí thời gian mà đường sắt nhẹ còn hỗ trợ cho mục tiêu phát triển xanh của TP, giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm, năng lượng,...
Một tuyến đường sắt nhẹ tại Đài Loan (Trung Quốc)
Tất nhiên những ý đồ, khát vọng phát triển cho vùng Đông Nam Bộ, cho TPHCM đều phải nằm trong một tổng thể. Nhưng với những dự án như đường sắt nhẹ TPHCM – Tây Ninh, đặc biệt thích hợp ở giai đoạn hiện nay, thì chúng ta nên triển khai sớm để tối ưu từ chi phí vốn cho đến thời gian, hiệu quả về mặt KTXH, cho người dân và cho thành phố. Đặc biệt, một yếu tố cần phải rất chú ý là chúng ta nên đặt vấn đề về việc doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đảm đương được những dự án quy mô, hiện đại này.
Đối với những dự án lớn, những dự án nền tảng nhưng lại có tính chất tiên phong, nếu doanh nghiệp Việt làm sẽ mang lại lợi ích rất nhiều cho mạch phát triển. Chúng ta đi sau thì lại có thể tận dụng được lợi thế đi sau, có thể vượt lên về cả về công nghệ, cả về thiết kế, hay tính toán kết nối hợp lý hơn.
Kết nối thẳng tới cửa khẩu Mộc Bài, tạo xung lực phát triển mạnh cho cả vùng
Nếu hiện thực hóa được hệ thống đại lộ 8 - 10 làn xe, bao gồm LRT kết nối từ TPHCM qua Củ Chi đến Tây Ninh, ông kỳ vọng các khu vực sẽ được đánh thức tiềm năng ra sao để tạo nên sự phát triển chung cho TPHCM và cả vùng Đông Nam Bộ?
Điều này là chắc chắn. Chẳng hạn nói Củ Chi là của TPHCM nhưng xét trong tương quan so sánh, như với Bình Dương - một đô thị hiện đại kề cận thì vẫn là vùng thưa thớt, tương đối kém phát triển, chưa phải là nơi rực rỡ ánh đèn.
Đại lộ ven sông sẽ mở ra một hành lang phát triển giúp đánh thức tiềm năng cả Củ Chi và vùng Đông Nam Bộ. Nếu tạo ra hành lang như vậy dọc sông Sài Gòn thì tài nguyên du lịch, tài nguyên của Vùng sẽ được khai thác xứng tầm.
Theo logic đó, tuyến đại lộ 8-10 làn xe, tuyến LRT được kéo lên đến Tây Ninh, kết nối Bình Dương thì giá trị phát triển cộng hưởng sẽ lan tỏa rất mạnh. Chúng ta thử hình dung lưu chuyển hiện nay từ Tây Ninh lên xuống TPHCM mất hơn hai tiếng đồng hồ với nhiều điểm tắc nghẽn gây mệt mỏi bức xúc cho người dân. Nếu có đại lộ ven sông, rồi đường sắt nhẹ kết nối thì Tây Ninh giống như ngoại ô của TPHCM. Như vậy cùng lúc rất nhiều vấn đề được giải quyết, đời sống sôi động, kinh tế Tây Ninh trỗi dậy, TPHCM lại được tăng thêm những động lực phát triển.
Giao thông càng kết nối thì tính lan tỏa phát triển càng mạnh. Tôi cho rằng đã làm tuyến này lên đến Tây Ninh, thì hãy nối luôn đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, vì chỉ còn 20-30 km nữa thôi. Một đoạn 20-30km nhưng có giá trị cực lớn, tạo xung lực phát triển mạnh cho cả vùng.
Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh)
Thực tế, cửa khẩu Mộc Bài là cửa khẩu quốc gia từng được định hình như một khu kinh tế. Tây Ninh đã có nhiều thảo luận để phát triển khu vực này tuy nhiên hiện nay có phần nào đó bị lắng xuống. Như vậy, với tuyến đường này nếu có thể triển khai thông suốt sẽ trở thành điều kiện rất tốt cho sự phát triển của Tây Ninh cũng như của cả vùng. Nếu tuyến đường được mở rộng thì đây là một cách tiếp cận, có thể gọi là hạ tầng đi trước đúng với cách đặt vấn đề của Trung ương, của Chính phủ.
Mặt khác, tuyến đường thông được sang với Campuchia, sự kết nối thông thương còn có thể kéo tới tận Myanmar, đến Thái Lan, thì lợi ích theo nghĩa giao lưu hàng hóa và phát triển tầm khu vực ASEAN sẽ mạnh hơn, tính liên quốc gia còn tốt hơn nữa.
Chúng ta biết rằng, tuyến đường tới Tây Ninh về tính kết nối còn thông suốt tới Bà Rịa Vũng Tàu, tới Đồng Nai. Từ đó khái niệm là trung chuyển quốc tế của sân bay Long Thành cũng như cảng biển lập tức tăng vượt lên.
Về phía người dân, nếu có tuyến đường đại lộ 8-10 làn xe với đa phương thức vận tải hiện đại như vậy, sẽ mang lại giá trị thế nào cho người dân, thưa ông?
Giao thông TPHCM đặc biệt là hạ tầng kết nối liên vùng hiện tồn tại nhiều điểm nghẽn. Việc gỡ bỏ điểm nghẽn nên ở mức ưu tiên quốc gia bởi ách tắc giao thông là một trong những lý do cản trở kinh khủng sự phát triển kinh tế, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, đời sống, tiêu tốn chi phí của người dân…
Đại lộ 8-10 làn xe ven sông, bao gồm LRT kết nối TPHCM – Tây Ninh kỳ vọng gỡ điểm nghẽn giao thông, kích thích phát triển kinh tế, du lịch Đông Nam Bộ
Về du lịch, chúng ta nhận thấy nguy cơ ách tắc giao thông ngày càng tăng khi đi tới Bà Đen (Tây Ninh) – tọa độ du lịch ấn tượng, có sức ảnh hưởng lớn nhiều năm qua. Dòng lưu chuyển từ TPHCM tới Tây Ninh ngày một tăng cao khi núi Bà Đen có thêm các công trình tâm linh mang tính biểu tượng, lễ hội sự kiện đặc sắc.
Nếu phát triển đại lộ ven sông, tuyến LRT hiện đại kết nối TPHCM – Tây Ninh, sẽ góp phần giải quyết vấn đề lưu thông cho cả khu vực phía Nam. Bởi Núi Bà Đen ngày nay không chỉ là 'nóc nhà' mà dần trở thành tọa độ du lịch oai hùng của cả Nam Bộ. Tuyến đường sẽ có tác dụng rất tốt kích thích du lịch Tây Ninh, từ đó cộng hưởng tạo sức lan tỏa cho phát triển du lịch cả vùng Đông Nam Bộ.
Xin cảm ơn Ông !