Ngày 1/10, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã có thông báo về việc xem xét xử lý đối với cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh này.
Theo thông báo, tổng số cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm là 151 trường hợp (bao gồm cả 2 trường hợp là ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Vũ Văn Sử - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang).
Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cho hay, có 46 trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, gồm 3 trường hợp khai trừ ra khỏi Đảng, 1 trường hợp cảnh cáo, 42 trường hợp khiển trách.
Cụ thể, 3 trường hợp khai trừ Đảng gồm: Lê Thị Dung, nguyên Phó đội trưởng, Phòng Bảo vệ Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang (nhờ nâng điểm cho 20 thí sinh, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm; đã bị khởi tố, truy tố, cấm đi khỏi nơi cư trú);
Ông Nguyễn Thanh Hoài, nguyên Trưởng phòng Khảo thí - Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Giang (chỉ đạo nâng điểm cho các thí sinh trái quy định, vi phạm quy chế thi, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm; đã bị khởi tố, truy tố, bắt tạm giam);
Ông Vũ Trọng Lương, nguyên Phó trưởng phòng Khảo thí - Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Giang (trực tiếp nâng điểm cho các thí sinh trái quy định, vi phạm quy chế thi, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm; đã bị khởi tố, truy tố, bắt tạm giam).
Trường hợp bị cảnh cáo là bà Hoàng Thị Trịnh, cán bộ Phòng PC06, Công an tỉnh Hà Giang. Bà Trịnh đã nhờ người khác tác động nâng điểm cho con, cháu và con của người thân quen; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm.
Ngoài ra, có 29 trường hợp cán bộ, đảng viên có vi phạm khuyết điểm nhưng chưa đến mức bị xử lý kỷ luật, phải kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm; 1 trường hợp được kiểm tra nhưng không có khuyết điểm, vi phạm.
Cùng với đó, có 57 trường hợp khác vẫn đang kiểm tra, xem xét; 4 trường hợp đang tạm dừng kiểm tra, xem xét do mắc bệnh hiểm nghèo và chờ kết quả xét xử của tòa án; 12 trường hợp là cán bộ, đảng viên không do Đảng bộ tỉnh Hà Giang quản lý nên sẽ báo cáo Ủy ban Kiểm tra T.Ư xem xét, xử lý.
Đáng chú ý, trong số 29 cán bộ, đảng viên bị yêu cầu rút kinh nghiệm có bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc sở NN&PTNT, là vợ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh (ông Vinh hiện là Phó trưởng Ban Kinh tế TƯ).
Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang, bà Hà đã để 'em chồng tác động cho con được nâng điểm thi'. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm tại Chi bộ và Đảng ủy Sở NN&PTNT.
Bên cạnh đó, thông báo nêu rõ, đối với bà Vương Ngọc Hà (Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Hà Giang), Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xác định, bà Hà đã để mẹ đẻ tác động cho con bà và con được nâng điểm thi, nên yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm tại Chi bộ và Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh..
Bà Chúng Thị Chiên, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng bị yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm do nhờ xem điểm thi cho con nhưng con không được nâng điểm.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang cũng bị yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm do để chồng tác động với người khác giúp nâng điểm thi cho con.
Tronng kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Hà Giang là 1 trong 3 địa phương xảy ra gian lận thi cử.
Theo xác định, Hà Giang có 107 thí sinh được nâng điểm, trong đó có nhiều thí sinh là con các quan chức, lãnh đạo của tỉnh này, bao gồm cả con gái của ông Triệu Tài Vinh.
Công an tỉnh Hà Giang sau đó đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can để điều tra hành vi nâng, sửa điểm cho hàng trăm thí sinh của tỉnh này.
Ngày 18/9 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang đã đưa vụ án ra xét xử với 5 bị cáo. Trong đó, 2 bị cáo Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương (cựu trưởng và phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang) bị xét xử về tội danh 'lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ' theo điều 356 Bộ luật hình sự.
Bị cáo Triệu Thị Chính (cựu phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang) bị xét xử về tội danh 'lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi' theo điều 358 Bộ luật hình sự.
Hai bị cáo Phạm Văn Khuông (cựu phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang) và Lê Thị Dung (cựu phó đội trưởng đội giáo dục Phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang) bị xét xử về tội danh 'lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi' theo điều 366 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, phiên tòa đã bị hoãn do nhiều người làm chứng không có mặt tại tòa.Tro