Căn nhà lụp xụp của người dân bên cạnh chuồng bò hạng sang. Ảnh: CTV Nhật Minh/VOV
Ông Vi Văn Đậu, Bí Thư Đảng ủy xã Nga My thừa nhận trên Vietnamnet, xã có 103 hộ gia đình với 450 nhân khẩu là người dân tộc Ơ Đu. Cuộc sống người dân toàn xã và người Ơ Đu còn khó khăn. Một số người Ơ Đu đã có nhà xây, số còn lại chủ yếu ở nhà sàn nhỏ bằng gỗ lợp tranh tre.
Sau khi thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2025, 67 chuồng bò 'hạng sang' đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng hơn một tháng nay tại bản Văng Môn (xã Nga My). Tổng cộng có 280 con bò được cấp về cho các hộ gia đình.
Theo chia sẻ của ông Đậu với PV Vietnamnet thì, cũng có một số dư luận xôn xao là xây biệt thự cho bò này nọ. Nhưng thực hiện đề án này xã chỉ là đơn vị hưởng lợi, họ xây dựng, xã không được tham gia gì.
Theo ghi nhận của Zing.vn, 2 năm nay, vợ chồng anh Lo Văn Bạch (xã Nga My) vẫn sống trong ngôi nhà tranh. Chính anh Bạch cũng bất ngờ với việc được đầu tư xây chuồng bò khang trang với máy cắt cỏ.
Anh nói với Zing.vn: 'Chuồng thì xây đẹp, to nhưng nhà cửa còn khó khăn quá. Cỏ được cấp cho trồng trên đất mới nên không thể phát triển được, muốn dùng máy nghiền cỏ cũng chịu'.
Nguồn trên cũng ghi nhận hình ảnh đối lập giữa những căn nhà tre nứa xuống cấp của một số hộ dân ở bản Văng Môn với chuồng bò hàng trăm triệu, lợp kín mái tôn, bạt cuốn che lạnh vào mùa đông.
Ảnh: CTV Nhật Minh/VOV
Ghi nhận của Tuổi trẻ online cho biết, trong quyết định về việc phân khai nguồn kinh phí thực hiện đề án này của UBND tỉnh Nghệ An, hạng mục hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài với số tiền hơn 12,6 tỷ đồng, tại bản Văng Môn, xã Nga My. Theo đó, có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng; 53 chuồng loại 3, tổng giá xây dựng hơn 7,24 tỉ đồng; Có 10 chuồng loại 2 với kinh phí lên tới hơn 2,36 tỉ đồng, tức là một chuồng bò được đầu tư kinh phí xây dựng khoảng 236 triệu đồng.
Về chi tiết từng hạng mục của chuồng bò, PV Quốc Huy – Phạm Tâm/báo Vietnamnet dẫn nội dung thẩm định thiết kế của Sở NN&PTNT Nghệ An cho hay, chuồng loại 1 có kích thước 4,5x6,69m, chiều cao mái nhà 3,7m, phía trước có đường dốc rộng 0,8m. Tường xây bằng gạch bê tông không nung, trát và quét xi măng 2 nước.
Trước và sau chuồng có hệ thống bạt cuốn để che lạnh vào mùa đông. Phía trước là hành lang và máng đựng thức ăn, nước uống... Cửa chuồng làm bằng thép ống mạ kẽm, phía trên làm giá đựng thức ăn khô và dụng cụ bằng khung thép B40, trên mái lợp tôn chống nóng dày 0,4mm.
Chuồng loại 2 là chuồng đôi cho 2 hộ gia đình, nuôi được 8 con bò, có chi phí đắt nhất, khoảng ng 236 triệu đồng/chuồng. Kích thước gấp đôi chuồng loại 1, ở giữa 2 nhà bố trí máng tôn thu nước và ống thoát.
Chuồng loại 3 có kích thước 6x5,6m, chiều cao mái 3,7m.
Hệ thống bạt cuốn che lạnh vào mùa đông. Ảnh: Hồ Phương/Gia đình&Xã hội
Chuồng bò đôi. Ảnh: Hồ Phương/Gia đình&Xã hội
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp bày tỏ trên báo Kiến thức, việc bỏ ra hơn 200 triệu đồng để xây dựng một chuồng bò/một gia đình thì rất lãng phí. Theo ông, nhà ở của người dân còn ọp ẹp, đời sống còn nhiều khó khăn, việc đầu tư xây dựng chuồng bò sang trọng hơn nhà ở là không hợp lý, thậm chí phản cảm.
'Chi phí hỗ trợ con giống gia súc có hiệu quả kinh tế cao chỉ với số tiến dự kiến rất ít nhưng lại xây dựng chuồng bò với số tiền từ 190 đến 236 triệu đồng/chuồng. Do đó, không thể không khiến người dân hoài nghi có lợi ích nhóm gì trong đó.
Cần kiểm tra, kiểm toán vào cuộc để xem dự án này thực hiện ra sao mà xây dựng chuồng bò với kinh phí như vậy với thực tế có hợp lý hay không. Không ai bỏ ra số tiền lớn xây dựng chuồng bò trong khi con giống lại ít như vậy', nguồn trên dẫn lời ĐB Hòa.
Trước đó, theo VOV, trong đề án được UBND tỉnh Nghệ An duyệt ngày 22/8/2017 nêu rõ phạm vi đề án được thực hiện tại hai bản Văng Môn và bản Đửa, nơi sinh sống tập trung dân tộc Ơ Đu thuộc hai xã Lượng Minh và Nga My của huyện Tương Dương. Tại bản Đửa, xã Lượng Minh có 45 hộ với 231 nhân khẩu là người Ơ Đu.
Thế nhưng, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An phát hiện ở bản Đửa không có người Ơ Đu nên đề nghị UBND tỉnh Nghệ An rút bản Đửa ra khỏi danh sách được hỗ trợ phát triển.
Bí thư Huyện ủy Tương Dương Nguyễn Văn Hải trả lời Vietnamnet, nguồn gốc người Ơ Đu rất khó xác định, việc đưa người Ơ Đu ở bản Đửa vào đề án là sự nhầm lẫn đáng tiếc.
Liên quan đề án, tin từ Tuổi trẻ cho biết, tối qua (23/7), Phòng cảnh sát kinh tế (PC03) Công an tỉnh Nghệ An đang khám xét phòng làm việc của ông Nguyễn Tâm Long (46 tuổi) - quyền trưởng phòng chính sách thuộc Ban dân tộc tỉnh Nghệ An - vì liên quan đến sai phạm trong quá trình thực hiện đề án hỗ trợ và phát triển người dân tộc Ơ Đu.
Bước đầu, cơ quan điều tra làm rõ ông Long liên quan đến vụ 'đưa nhầm' 231 người dân tộc Thái và Khơ Mú thành người Ơ Đu ở bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương để hưởng chế độ chính sách của dự án 'Hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người, giai đoạn 2016-2025' theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tối 21/7, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An khởi tố vụ án, bắt tạm giam 4 tháng ông Kim Văn Bốn (SN 1982), cán bộ phòng chính sách Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An để điều tra hành vi tham ô tài sản.
(Tổng hợp)