Nước Mỹ lại vừa xảy ra chuyện tày đình chưa từng thấy trong lịch sử khi tư dinh của một cựu tổng thống bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) lục soát và lấy đi tài liệu. Vụ việc càng thêm nhạy cảm và tế nhị về đối nội khi vị chủ tư dinh này là cựu Tổng thống Donald Trump.
Tuy đã hết nắm quyền, ông Trump cho đến nay vẫn không chịu công nhận là đã thất cử và hiện vẫn rất có uy tín trong Đảng Cộng hòa Mỹ, lại còn ấp ủ tham vọng trở lại cầm quyền sau cuộc bầu cử tổng thống lần tới ở nước Mỹ vào năm 2024.
Giám đốc hiện tại của FBI là người được chính ông Trump chọn lựa khi còn tại vị. FBI không hề manh động mà đích thân bộ trưởng Tư pháp Mỹ ký lệnh lục soát nhà riêng của ông Trump và lệnh này còn được một vị thẩm phán liên bang phê chuẩn. Vị bộ trưởng kia còn đề nghị tòa án cho phép công khai hóa lệnh khám xét và danh mục tài liệu mà FBI đã lấy đi.
Nói theo cách khác, phải tồn tại nguyên do rất xác đáng thì FBI mới làm chuyện chấn động nước Mỹ như thế. Cho dù ông Trump có phản ứng như thế nào thì cũng không thể xua tan được cảm nhận chung ở nước Mỹ là 'không có lửa thì làm sao có khói'.
Vụ lục soát không liên quan gì đến những vướng mắc hiện tại của ông Trump, con cái và tập đoàn của ông Trump với tòa án ở Mỹ về kê khai thuế má và thủ thuật kinh doanh của cựu tổng thống này. Nó liên quan đến việc ông Trump khi rời Nhà Trắng đem theo nhiều tài liệu mật mà luật pháp Mỹ quy định phải giao nộp cho cơ quan lưu trữ quốc gia. Cơ quan lưu trữ này đã buộc ông Trump phải giao trả 25 thùng tài liệu và vật phẩm. Truyền thông ở Mỹ loan tin FBI hành động vì nghi ngờ người tiền nhiệm của ông Joe Biden không tuân thủ nghiêm chỉnh quy định trong luật tình báo và phản gián.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại TP New York hôm 10-8 Ảnh: REUTERS
Ông Donald Trump được 2 cái lợi chính từ vụ việc trên.
Thứ nhất, bằng cách gây dựng hình ảnh bản thân là nạn nhân của vụ tấn công chính trị từ phía hành pháp và tư pháp, ông có thể củng cố và tăng cường sự hậu thuẫn của phe cánh và lực lượng cử tri Mỹ hiện vẫn trung thành với mình, thúc đẩy họ biểu lộ thái độ phản đối phía hành pháp và tư pháp, gia tăng mức độ ủng hộ có phần cực đoan trong cách thức giúp thần tượng của họ giành lại quyền lực. Sự kiện ngày 6-1-2021 ở Đồi Capitol (tòa nhà Quốc hội Mỹ) đã cho thấy phe cánh và lực lượng này có thể đi xa tới mức nào vì ông Trump.
Cái lợi thứ hai là vụ việc giúp ông Trump thắt chặt sự kiểm soát Đảng Cộng hòa. Tất cả những lãnh đạo quyền thế nhất trong Đảng Cộng hòa đều công khai đứng về phía ông Trump để tránh sự công kích của ông và sự không hài lòng của những lực lượng ủng hộ cựu tổng thống. Vì thế, ông Trump nắm chắc được vai trò chỉ đạo trong chuyện chuẩn bị nhân sự cho cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới và cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024.
Tuy nhiên, cái hại đối với ông Trump cũng không hề nhỏ. Chỉ cần bị Bộ Tư pháp kiến nghị khởi tố với cáo buộc vi phạm luật pháp nói trên, khả năng ông Trump bị tòa án đưa ra xét xử là nhãn tiền và khung hình phạt sẽ là tù 3 năm cộng với cấm đảm trách bất kỳ cương vị quyền lực nào.
Khi ấy, mộng ước của ông Trump vinh quang trở lại Nhà Trắng tan tành theo mây khói. Đảng Cộng hòa không tránh khỏi bị vạ lây trong các cuộc bầu cử sắp tới và sự phân hóa trong nội bộ đảng này vì ông Trump sẽ gia tăng. Tổng thống đương nhiệm Joe Biden lại vừa đạt được một số thành tựu cầm quyền rất quan trọng. Cho nên chưa biết lợi lắm hay hại nhiều đối với ông Donald Trump đây!
FBI thu nhiều tài liệu mật
Tờ The Washington Post hôm 12-8 dẫn một số nguồn thạo tin cho biết các tài liệu mật liên quan đến vũ khí hạt nhân nằm trong số những tài liệu được các nhân viên FBI tìm kiếm tại tư dinh của cựu Tổng thống Donald Trump ở bang Florida hôm 8-8.
Một số chuyên gia cho biết cuộc tìm kiếm trên nêu bật mối bận tâm sâu sắc của giới chức chính phủ Mỹ về những loại thông tin được cho là nằm ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago nói trên và có nguy cơ rơi vào tay kẻ xấu.
Tài liệu về vũ khí hạt nhân đặc biệt nhạy cảm và việc chúng bị công khai có thể giúp các đối thủ của Mỹ tìm kiếm phương thức chống lại những hệ thống đó.
Theo một cựu quan chức Bộ Tư pháp Mỹ, loại thông tin tuyệt mật và có nguy cơ gây hại đến an ninh quốc gia như thế có thể là lý do buộc nhà chức trách vào cuộc nhanh nhất có thể để thu hồi chúng.
Theo lệnh khám xét và biên nhận tịch thu tài sản được công bố cùng ngày, FBI đã thu hồi 11 bộ tài liệu mật từ cuộc khám xét tư dinh ông Trump.
Trong số đó, một số tài liệu được đánh dấu là 'tuyệt mật/SCI'. Lệnh khám xét cũng đề cập 3 tội danh liên bang mà Bộ Tư pháp đang xem xét như một phần cuộc điều tra, gồm cản trở công lý, vi phạm Đạo luật Tình báo và việc xử lý hồ sơ chính phủ.
Trong khi đó, tờ biên nhận tài sản cho thấy các nhân viên FBI thu giữ hơn 30 vật phẩm, gồm 20 thùng đồ, bìa đựng ảnh, một bức thư viết tay, lệnh ân xá cho đồng minh lâu năm của ông Trump là Roger Stone, cũng như thông tin liên quan tới 'tổng thống Pháp'.
Xuân Mai