Thiếu hụt nguồn nhân lực đang là thách thức với ngành lập trình game Việt.
Đề cập đến tiềm năng phát triển cho game Việt, bà Lê Hữu Trâm Anh - đại diện Tập đoàn Aptech toàn cầu tại Việt Nam cho biết, game Việt đang tỏa sáng trên bản đồ quốc tế. Cứ 25 game tải lên các kho ứng dụng thì 1 game là của Việt Nam; cứ 10 game mobile được chơi nhiều nhất thì con số của Việt Nam là 5-6; 5 trong 10 games studio hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương và Úc là của Việt Nam.
'Trong năm 2021, một loạt tựa game 'máu đỏ - da vàng' như My DeFi Pet, Theta Arena, Mytheria… cũng thay nhau 'hô mưa gọi gió' trên thị trường game thế giới ứng dụng những công nghệ thời thượng như blockchain, đó là những minh chứng cho tiềm lực của game Việt' - bà Trâm Anh dẫn chứng.
Tuy nhiên, theo bà Trâm Anh có một nghịch lý đó là hiện nay những game chiếm thị phần phần lớn trên thị trường là game nước ngoài. 'Chúng ta cần có nhiều người làm game hơn, nhiều game nội địa hơn vì chúng sẽ góp phần tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam. Không những vậy, những tựa game do chính người Việt sản xuất sẽ giúp quảng bá những yếu tố văn hóa, lịch sử và niềm tự hào dân tộc của người Việt tới quốc tế, củng cố nền văn minh quốc gia' - bà Trâm Anh nhấn mạnh.
Thống kê của ứng dụng App Anie (công cụ nghiên cứu thị trường ứng dụng chuyên nghiệp dành cho các nhà phát triển) cũng cho thấy, Việt Nam chiếm tới 5 trong 10 games studio hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương và Úc, doanh thu mang về tính bằng con số hàng tỷ USD. Tuy nhiên, doanh thu này chủ yếu đến từ quảng cáo game và tiền nạp game và rơi vào túi của nhà sản xuất và túi của nhà phân phối game. Trong khi đó tại Việt Nam, thị trường phát hành game có phần sôi động hơn thị trường sản xuất (các nhà sản xuất game lớn thường đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc).
Theo báo cáo thị trường game toàn cầu 2020 từ NewZoo, thị trường game ở Việt Nam có tiềm năng lớn và đã có nhiều đột phá trên thị trường thế giới. Từ cú hích Flappy Bird năm 2015 đến nay, danh sách các công ty game đứng đầu khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương về lượng tải game 2021 trên toàn cầu do App Annie công bố đã có 5 công ty đến từ Việt Nam (gồm các công ty Amanotes, OneSoft, Gamejam, VNG, Arrasol). Số liệu trên được dẫn ra cho thấy ngành game Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành ngành xuất khẩu mới, giá trị cao. Song theo ông Nguyễn Huy Dũng - Giám đốc Sản xuất tập đoàn Gameloft, nguồn nhân lực cho ngành này đang thiếu hụt trầm trọng để có thể tiến xa và phát triển bền vững.
'Việt Nam đang thiếu vắng các đơn vị đào tạo chuyên môn theo chuẩn quốc tế về lập trình game, trong khi người trẻ luôn thừa tố chất, cũng thừa đam mê để đưa game Việt ra thế giới, doanh nghiệp phần mềm cũng sẵn sàng chi ra bội tiền để trải thảm đỏ chào đón nhân tài' - ông Dũng cho biết.
Từ thực tế trên ông Dũng cho rằng, ngay lập tức cần có những chương trình đào tạo nhân sự game chuẩn quốc tế nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp đà thăng hoa cho game Việt tỏa sáng xứng tầm với tiềm năng vốn có, thậm chí vượt xa những chiến tích đã đạt được, để thực sự vươn ra 'biển lớn', chứ không chỉ dừng lại ở 'lóe sáng rồi vụt tắt' trong nuối tiếc như bao tiền lệ.
Chia sẻ trong một tọa đàm mới đây, ông Kallol Mukherjee - Phó Chủ tịch Tập đoàn Aptech Ấn Độ cho biết, số lượng lập trình viên game mà thị trường Việt Nam cần đang vượt xa số lượng người thiết kế game.
Cũng theo ông Kallol Mukherjee, Việt Nam hiện có rất ít môi trường đào tạo chuyên sâu bài bản, nhanh chóng về lập trình game. Các chương trình hiện tại chỉ dừng lại ở các khóa đào tạo ngắn hạn, hoặc của những đơn vị cung cấp nhỏ lẻ. Việc thiếu hụt nhân lực ở thời điểm hiện tại khiến các nhà sản xuất game trong nước buộc phải tuyển dụng nhân sự tại các thị trường nước ngoài hoặc thuê gia công game từ các thị trường khác.
Đây là một sự lãng phí lớn trong khi người Việt được đánh giá sở hữu nhiều đức tính phù hợp cho việc phát triển game. Hơn nữa, Việt Nam cũng được xem là mảnh đất dồi dào về nguồn nhân lực con người, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin.