Trong vụ án 'Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh' tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Amtex Pharma (Công ty Amtex Pharma), đa số các bị cáo đều chấp nhận án sơ thẩm, chỉ có Nguyễn Vương Vy Quý kháng cáo và cũng bị Viện kiểm sát kháng nghị tăng hình phạt để răn đe phòng ngừa chung.
Các bị cáo trong vụ án là chị em Phạm Ngọc Bích (SN 1973) và Phạm Bích Ngọc (SN 1975), Nguyễn Hoàng Minh, Diệp Bảo Phước (SN 1971), Nguyễn Vương Vũ Quý (tự Quý râu, SN 1989, quê Lâm Đồng). Quý là một dược sỹ trẻ nhưng đi chệch hướng rất đáng tiếc.
Thẩm phán chủ tọa công bố bản án (Ảnh minh họa)
Lời khai và các tài liệu thể hiện chiều 09/6/2022, Cơ quan điều tra kiểm tra và phát hiện xe ô tô biển số 51D 49925 đi từ hướng Long An về TP. Hồ Chí Minh chở Phạm Bích Ngọc và 12 thùng carton chứa 20.000 vỉ tân dược (thuốc) ghi tên nhãn hiệu Neo-Codion.
Ngọc khai số hàng này là của Ngọc sản xuất nhưng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, do vậy Cơ quan điều tra lập biên bản phạm tội quả tang về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Kể từ đó, lộ ra một đường dây sản xuất thuốc giả quy mô lớn, khiến dư luận choáng váng.
Công ty Công ty Amtex Pharma do Phạm Ngọc Bích làm Chủ tịch hội đồng quản trị, quản lý và điều hành. Sau dịch bệnh Covid-19, nhu cầu về thuốc trị ho, đặc biệt là tân dược nhãn hiệu Neo-Codion rất lớn, Bích cùng Ngọc 'năng động' hiểu rõ điều đó nảy lòng tham, lên kế hoạch sử dụng viên thực phẩm chức năng nhãn hiệu Neo Terpodin do Công ty Amtex Pharma sản xuất để 'hô biến' thành thuốc tân dược giả nhãn hiệu Neo- Codion nhằm mục đích bán kiếm lời.
Thực hiện ý định, Bích chỉ đạo các bộ phận sản xuất 986.000 viên thực phẩm chức năng Neo Terpodin, giao cho Ngọc 'bùa phép' thành tân dược mang nhãn hiệu Neo-C. Để hợp thức hóa việc xuất kho 986.000 viên thực phẩm chức năng Neo Terpodin, hai chị em Bích chỉ đạo bộ phận kế toán lập khống các phiếu xuất kho, hóa đơn giá trị gia tăng bán hàng cho nhiều người.
Ngọc thuê Nguyễn Hoàng Minh (nhân viên công ty) cùng Ngọc vận hành máy ép vỉ sản xuất thuốc tân dược Neo-Codion giả. Đồng thời, gửi mẫu vỏ hộp, nhãn phụ, hướng dẫn sử dụng cho Diệp Bảo Phước để in giả theo mẫu và mua trên mạng các vỉ nhựa, màng nhôm đã in sẵn chữ N2-C để sản xuất.
Kết quả khám xét khẩn cấp nơi sản xuất thuốc tân dược giả, Cơ quan điều tra phát hiện và tạm giữ 2.700 vỉ thuốc; 679 lọ đựng 679.000 viên thuốc nguyên liệu, 06 cuộn màng nhôm đà in sẵn tên thuốc Neo- Codion, 01 máy ép vỉ. Tất cả được sử dụng để sản xuất thuốc Neo-Codion giả. Rất may mắn là chúng chưa được tung ra thị trường.
Qua điều tra, Ngọc bán nhiều thuốc giả cho Nguyễn Vương Vy Quý theo đặt hàng của Quý. Thuốc Quý mua là loại chưa đóng vỉ thuốc thành phẩm vào hộp mà giao riêng vỏ hộp, nhãn phụ, hướng dẫn sử dụng trước, sau đó giao các vỉ thuốc sau để Quý tự đóng hộp. Ngày 09/06/2022, sau khi sản xuất được hơn 20.000 vỉ thuốc tân dược giả nhãn hiệu Neo-C, Ngọc đem giao cho Nguyễn Vương Vy Quý, trên đường đi thì bị lực lượng Công an kiểm tra, bắt giữ.
Bị cáo Nguyễn Vương Vy Quý khai nhận: Ngày 09/06/2022, Quý đặt mua của Ngọc 30.000 hộp thuốc tân dược giả nhàn hiệu Neo-Codion, đơn giá 27.000đ/hộp. Quý chào bán thuốc trên mạng internet, Quý cũng bán riêng vỏ hộp và vỉ thuốc, Quý khai người mua cũng biết thuốc giả nên không yêu cầu Quý đóng vỉ thuốc vào hộp. Số hàng mua của Ngọc, nếu bán hết Quý sẽ thu lợi đến 400 triệu đồng
Theo kết luận của Viện kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh, hàm lượng, thành phần hóa học của mẫu thuốc cần giám định không đúng với tiêu chuẩn cơ sở đã được Cục Quản lý dược phê duyệt của sản phẩm Viên bao đường Neo-Codion.
Từ đó, cấp sơ thẩm tuyên các bị cáo Phạm Ngọc Bích, Phạm Bích Ngọc, Nguyễn Vương Vy Quý phạm tội 'Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh'; các bị cáo Nguyễn Hoàng Minh, Diệp Bảo Phước phạm tội 'Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh'. Trong đó, bị cáo Quý lãnh 06 năm tù. Ngày 18/3/2024, VKSND TP. Hồ Chí Minh kháng nghị yêu cầu TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh tăng nặng hình phạt đối với Quý. Bản thân bị cáo Quý cũng làm đơn kháng cáo để xin giảm nhẹ một phần hình phạt.
Dường như đối diện với tòa án lương tâm, nhận thức được lỗi lầm của bản thân, tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, bị cáo Nguyễn Vương Vy Quý bất ngờ bày tỏ nguyện vọng xin được rút lại kháng cáo.
Theo vị đại diện Viện kiểm sát, bản thân Quý là dược sĩ, biết rõ hậu quả của thuốc giả. Việc Tòa án sơ thẩm xử phạt tuyên phạt bị cáo 6 năm tù là có phần nhẹ. Do đó, đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị, sửa bản án sơ thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo từ 8-9 năm tù.
Vị Thẩm phán chủ tọa phân tích, chỉ rõ hành vi của bị cáo Quý xâm phạm đến công tác quản lý của nhà nước về thuốc chữa bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe và mất cơ hội được tiếp cận với thuốc chữa bệnh thật của người bệnh, gây phản ứng bất bình cho xã hội. Cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 06 năm tù chưa tương xứng với hành vi phạm tội Quý gây ra, do đó kháng nghị tăng hình phạt đối với bị cáo là có căn cứ. Từ đó, HĐXX tuyên phạt Quý 7 năm tù tội 'Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh'.
Niềm tin người bệnh gửi gắm trọn vẹn cho bác sỹ, dược sỹ trong quá trình chăm sóc sức khỏe. Việc lợi dụng niềm tin để trục lợi thật nhẫn tâm, chẳng những đi ngược y đức, còn vi phạm pháp luật. Quý cùng đồng phạm sa ngã thật đáng tiếc nhưng là lời cảnh tỉnh sâu sắc cho xã hội: Cần quyết liệt chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm để khôi phục lòng tin, sự kính trọng vào y đức các 'thiên sứ khoác áo blouse trắng'…