Bà Trương Mỹ Lan trước khi bị bắt. Ảnh: VTP
Theo Kết luận điều tra của CQCA, về thực trạng Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Sài Gòn (SCB), trên hệ thống sổ sách kế toán của SCB thể hiện, tổng số tiền ngân hàng huy động của người dân và vay của các cơ quan tổ chức khác tại thời điểm ngày 17/10/2022 là 673.586 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của ngân hàng tại thời điểm ngày 17/10/2022 được ghi nhận là 21.036 tỷ đồng.
Liên quan đến các khoản vay của nhóm bà Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), trong giai đoạn từ ngày 1/1/2012 – 7/10/2022 có 1.166 mã tài sản đảm bảo cho 1.284 khoản vay, có tổng dư nợ tại thời điểm ngày 17/10/2022 là 677.286 đồng.
Thủ đoạn thâu tóm, chi phối hoạt động ngân hàng SCB: bà Trương Mỹ Lan là Chủ của Tập đoàn VTP, bao gồm một tập hợp các Cty con, Cty liên kết: Cty CP Tập đoàn VTP, Cty CP Tập đoàn Đầu tư VTP, Công ty cổ phần (Cty CP) Tập đoàn Đầu tư An Đông, Cty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, Cty CP Tập đoàn Quản lý bất động Windsor, Cty CP Đầu tư Times Square…
Với chủ trương lợi dụng hoạt động của Ngân hàng trong việc huy động vốn đáp ứng nhu cầu kinh doanh của Tập đoàn và các Cty kể trên, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân bằng việc mua, sở hữu phần lớn số lượng cổ phần của các ngân hàng này để thao túng hoạt động của các ngân hàng phục vụ cho mục đích cá nhân.
Trong đó, từ tháng 12/2011, bằng hình thức nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần, Trương Mỹ Lan đã nắm giữa 81,43% cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ) dưới tên của 32 cổ đông; 98,74% của ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa dưới tên của 36 cổ đông và 80,46% cổ phần của ngân hàng TMCP Đệ Nhất dưới tên của 24 cổ đông.
Sau khi 3 ngân hàng này được hợp nhất vào ngày 1/1/2012 với tên gọi là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), bà Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,606% cổ phần của Ngân hàng SCB, đồng thời tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên cổ phần Ngân hàng SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên 91,545% vào ngày 1/1/2018.
Tính đến tháng 10/2022, SCB có vốn điều lệ 15.231.688.100.000 đồng (tương ứng 1.523.168.810 cổ phần) với tổng số 4.129 cổ đông, được Ngân hàng Nhà nước công nhận, trong đó, bà Trương Mỹ Lan sở hữu, chi phối 1.394.253.392 cổ phần Ngân hàng SCB, chiếm 91,536% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên giúp, trong đó Trương Mỹ Lan trực tiếp đứng tên sở hữu 75.888.800 cổ phần, chiếm 4,982% vốn điều lệ.
CQĐT xác định, các cá nhân và đại diện tổ chức này đều khai đứng tên cổ phần cho bà Trương Mỹ Lan.Với việc sở hữu/nắm quyền chi phối cổ phần Ngân hàng SCB nêu trên, bà Trương Mỹ Lan đã đưa người của mình hoặc sử dụng các cá nhân Lan tin tưởng, thân tín, đều là những người có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo chỉ đạo của bà Lan vào các vị trí chủ chốt tại SCB, trả mức lương cao cho họ từ 200-500 triệu đồng/tháng, như: Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, Giám đốc các chi nhánh lớn, Trưởng ban kiểm soát để sử dụng những người này điều hành toàn bộ hoạt động của ngân hàng. Thực tế, các lãnh đạo chủ chốt của SCB đều do bà Trương Mỹ Lan tuyển chọn và giao nhiệm vụ.
Trong đó có, bị can Nguyễn Thị Thu Sương, trước khi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB, từ ngày 23/12/2011 đến ngày 16/3/2014, là trợ lý Ban Tổng Giám đốc Cty Đầu tư VTP (2008-2009), Phó Tổng Giám đốc, Tổng Giám đốc Cty Đại Trường Sơn (2009-3/2011) - sau đổi thành Cty Sài Gòn Penisula.
Bị can Đinh Văn Thành, trước khi làm Chủ tịch HĐQT SCB (từ ngày 17/2/2014 – 6/12/2020) là Phó Tổng Giám đốc ngân hàng TMCP Đệ Nhất, Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đệ Nhất, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng SCB rồi Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng SCB (từ ngày 20/12/2023-tháng 3/2014)…
Theo lời khai của các bị can, bà Lan chi phối mọi hoạt động của Ngân hàng SCB kể cả vấn đề nhân sự, hoạt động tín dụng thông qua các thân tín, giữ vai trò chủ chốt tại SCB. Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần chi phối, điều hành hoạt động ngân hàng thông qua các đối tượng chủ chốt tại ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng SCB với chức năng của một ngân hàng thương mại cổ phần như một công cụ tài chính để huy động tiền gửi của người dân, các tổ chức, huy động vốn từ các nguồn khác quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong hoạt động cho vay, ngân hàng SCB lại chủ yếu phục vụ cho mục đích cá nhân của Lan.
Hành vi nêu trên của bà Lan đã vi phạm khoản 1 Điều 7 khoản 2 Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017.