Phạm tội không đợi tuổi
Khuya ngày 2/12, nhóm thanh, thiếu niên gồm Nguyễn Văn Thạch (sinh năm 2007), Đậu Mạnh Dũng (sinh năm 2007), Nguyễn Kim Đạt (sinh năm 2005), Nguyễn Tiến Đông Đô (sinh năm 2007), Lưu Văn Bảo (sinh năm 2005), Nguyễn Bá Sơn (2007) và Nguyễn Quốc Vương (sinh năm 2007, cùng trú tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), chở nhau trên 3 xe máy đi vào TP Hà Tĩnh chơi. Quá trình lưu thông, nhóm này xảy ra mâu thuẫn với Ngô Huy Tình (sinh năm 2009, trú tại huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) điều khiển xe máy chở Nguyễn Thị Thanh Trúc (sinh năm 2009) và Nguyễn Viết Bảo (sinh năm 2007), cùng trú tại huyện Thạch Hà. Cho rằng, Tình điều khiển xe máy vượt lên, lạng lách đánh võng trước đầu xe nên nhóm thanh, thiếu niên đã rượt đuổi vào đến trung tâm thành phố thì mất dấu.
Xử lý nghiêm tình trạng học sinh đi xe mô tô, xe máy điện đến trường.
Sau khi tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy, cả nhóm về nhà lấy 2 thanh kiếm, tháo biển số xe máy và dùng khẩu trang che biển số rồi tiếp tục đi vào TP Hà Tĩnh, dàn hàng ba, chạy với tốc độ cao lạng lách khắp các tuyến phố để truy tìm. Trong lúc dừng tại một quán nhậu để nhặt vỏ chai bia làm hung khí thì cả hai nhóm bất ngờ chạm mặt nên vừa rượt đuổi bằng xe máy, vừa dùng chai bia ném nhau làm náo loạn cả một tuyến đường.
Khi chạy ra đến quốc lộ 1A, đoạn qua xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh thì nhóm Thạch Hà đuổi kịp, ép xe máy Ngô Huy Tình nên vỉa hè khiến Tình hoảng loạn, rồ ra để thoát ra khiến Nguyễn Thị Thanh Trúc và Nguyễn Viết Bảo ngồi sau bị ngã, rơi xuống nền đường. Hậu quả, Nguyễn Thị Thanh Trúc tử vong tại chỗ, Nguyễn Viết Bảo bị thương nặng đang được cấp cứu, điều trị tại bệnh viện. Sau khi sự việc xảy ra, Công an Hà Tĩnh đã nhanh chóng vào cuộc và triệu tập, tạm giữ hình sự đối với 6 đối tượng liên quan. Trong số đó có 4 người dưới 18 tuổi, có 2 học sinh cấp THPT, lực lượng chức năng thu giữ 4 xe máy, 2 cây kiếm và một số tang vật, phương tiện có liên quan.
Trước đó, vào ngày 17/9/2024, TAND TP Hà Tĩnh đã đưa vụ án 'Gây rối trật tự công cộng' và 'Vô ý làm chết người' ra xét xử, tuyên phạt tổng cộng 259 tháng tù đối với các bị cáo, trong đó 8 đối tượng nhận mức án tù giam, 4 đối tượng được hưởng án treo và 6 đối tượng cải tạo không giam giữ. Trong số này có tới 14 người chưa thành niên, hiện đang là học sinh THPT tại các trường học trên địa bàn thành phố và các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên.
Theo hồ sơ vụ án, đêm 28/12/2023, do mâu thuẫn trong lúc lưu thông trên đường, hai nhóm thanh niên sử dụng xe gắn máy, mang theo gậy baton, gạch đá, điếu hút thuốc lào, ống sắt bằng kim loại và kiếm rượt đuổi nhau với vận tốc cao trên nhiều tuyến đường, gây mất trật tự trị an, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh ở nhiều khu phố của TP Hà Tĩnh.
Trẻ vị thành niên sử dụng xe mô tô bốc đầu trên Quốc lộ 1A đoạn qua Hà Tĩnh.
Trong quá trình đó, em Trần Quốc Thái (sinh năm 2006, trú tại xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà), là học sinh lớp 11 của một trường THPT trên địa bàn bị nhóm của Nguyễn Đức Dũng (sinh năm 2007, trú tại TP Hà Tĩnh) gọi thêm nhiều thanh niên khác, trong đó có người đã có tiền án, tiền sự mang theo dao, kiếm cùng tham gia truy đuổi. Hậu quả là em Thái quá hoảng sợ nên đã bỏ xe, chạy bộ rồi lao xuống hồ Bảy Mẫu ở TP Hà Tĩnh để thoát thân. Tuy nhiên, do không biết bơi, lại bị nhóm của Dũng chạy quanh hồ vây ráp nên Thái đã tử vong trong đêm dưới hồ nước.
Liên tiếp những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trong thời gian vừa qua liên quan đến người chưa thành niên trong cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói riêng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với không chỉ gia đình mà cả toàn xã hội. Tính chất, mức độ của vụ việc ngày càng phức tạp, manh động, lôi kéo theo nhiều đối tượng, thành phần trong độ tuổi tham gia. Tại Hà Tĩnh, người chưa thành niên phạm tội đang có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ nguy hiểm. Nhiều trường hợp còn tái phạm nhiều lần với tính chất manh động, liều lĩnh, tập trung vào các hành vi như giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí, gây rối trật tự công cộng; trộm cắp, cướp giật tài sản... ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn và là nguyên nhân dẫn tới những hành vi phạm pháp khác.
Lời cảnh tỉnh
Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2023, tội phạm trong độ tuổi vị thành niên xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là 133 vụ với 171 đối tượng, chiếm 6,6% số vụ trong tổng số tội phạm hình sự. Riêng năm 2024 xảy ra 245 vụ, với hơn 400 đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật là người dưới 18 tuổi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng tội phạm ở tuổi vị thành niên, song một phần có sự tiếp tay của người lớn là các bậc phụ huynh, khi vẫn vô tư giao xe máy điện, xe mô tô, thậm chí xe phân khối lớn cho con điều khiển khi chưa đủ điều kiện. Ở độ tuổi này, với sự bốc đồng, thích thể hiện, không ít em đã kẹp 3, kẹp 4, lạng lách đánh võng, khi xảy ra mâu thuẫn trong lúc lưu thông thường chọn cách xử lý bằng bạo lực.
Công an Hà Tĩnh đến trường học tuyên truyền pháp luật cho học sinh.
Một số trường hợp khác, biết mình chưa đủ điều kiện tham gia giao thông nhưng vẫn phớt lờ, đến lúc gặp chốt CSGT thì hoảng loạn, thay vì chấp hành tín hiệu của người thực thi nhiệm vụ lại tìm cách trốn tránh, bỏ chạy gây ra hậu quả đau lòng. Tháng 1/2024, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đặng Đình Việt (sinh năm 2006, trú tại xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) về hành vi 'Chống người thi hành công vụ'. Thời điểm bị khởi tố, Việt đang là học sinh của trường THPT trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Hồ sơ cho thấy, tối 17/1/2024, nam sinh này điều khiển mô tô BKS 38N3-6826 di chuyển tốc độ cao trên tuyến đường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) thì gặp chốt CSGT đang làm nhiệm vụ. Mặc dù đã được các cán bộ ra tín hiệu để phương tiện giảm tốc độ nhưng Việt vẫn không chấp hành hiệu lệnh, tiếp tục điều khiển xe với tốc độ cao, vượt qua 2 đồng chí CSGT đang làm nhiệm vụ ra tín hiệu rồi đâm vào Thiếu tá Hồ Sỹ Tích, cán bộ Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh đang làm nhiệm vụ. Hậu quả, Thiếu tá Tích bị giập phổi, phải nhập viện cấp cứu.
Có thể nhận thấy, các vụ án nghiêm trọng trên đều xảy ra vào ban đêm và thủ phạm, nạn nhân nhiều người ở tuổi thanh, thiếu niên. Cùng đó, các vụ án mạng đều có liên quan đến một số cá nhân điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Theo các chuyên gia, tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội và gần đây là phạm tội nghiêm trọng liên quan đến việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện có chiều hướng gia tăng, gây ra những hệ lụy dai dẳng cho gia đình và xã hội, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, vấn đề phối hợp của ngành chức năng, nhà trường và gia đình trong công tác quản lý, theo dõi hành vi của trẻ vị thành niên đã được đề cập nhiều, song vẫn còn lỏng lẻo. Nhiều gia đình vẫn giao xe cho con điều khiển, vô hình trung tiếp tay cho quá trình phạm tội. Cùng với đó, phần lớn các trường học đều phớt lờ việc cho học sinh đi xe máy đến trường. Gần đây, Công an TP Hà Tĩnh đến tận các trường học, kiểm tra các nhà để xe phát hiện và lập biên bản hàng trăm xe mô tô, xe máy điện được học sinh đưa đến trường.
Nhóm thanh, thiếu niên hầu tòa vì gây ra cái chết cho một nam sinh trong quá trình rượt đuổi bằng xe gắn máy.
Cần nhìn nhận một thực tế hiện nay, việc quản lý thanh, thiếu niên là việc không dễ, đó là chưa nói đến việc nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, việc giáo dục các em lại càng gặp khó do tác động của bối cảnh xã hội, các tiến bộ của công nghệ số. Sự phát triển xã hội ngày nay đã dẫn đến thực trạng xảy ra tại nhiều gia đình bố mẹ bất lực nhìn con lớn lên và tự do đi lại, tự do hành động theo ý thích dù các em trong độ tuổi học sinh. Tỷ lệ người phạm tội dưới 18 tuổi có dấu hiệu gia tăng phần nào cho thấy sự suy giảm mối liên kết giữa các thành viên trong một số gia đình và sự sa sút đạo đức, lối sống của một bộ phận người trẻ.
Con cái hư hỏng, thường xuyên tụ tập chơi bời nhưng thiếu sự quản lý của gia đình. Chỉ đến khi sự việc xảy ra và phải nhận những bản án nghiêm minh từ pháp luật, các em và gia đình mới thực sự thức tỉnh. Đây không chỉ là bài học đắt giá cho các em mà còn là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh trong việc giáo dục, quản lý con trẻ.