Cần xây dựng các kịch bản với các tình huống có thể xảy ra khi học sinh đến trường học tập trung trở lại; không để bị động, lúng túng, bất ngờ và nhất là không để các thầy cô giáo và cha mẹ học sinh phải thấp thỏm đóng - mở cửa trường học.
Gần 1 tuần qua, các trường học trên cả nước đón học sinh trở lại trường học tập trung sau thời gian dài phải học trực tuyến để phòng dịch COVID 19. Trường học đang dần được mở cửa trở lại trên khắp cả nước. Lo lắng, hồi hộp trong ngày đầu tựu trường, vì những học sinh lớp 1 hay đầu cấp từ năm ngoái tới giờ mới được đến trường, gặp trực tiếp thầy, cô và bạn bè. Và dĩ nhiên, sự mong mỏi nhất lúc này của cả cô thầy, trò và cả các phụ huynh lúc này là dịch bệnh không lây lan trong các lớp học, đến mức độ phải dừng học trực tiếp. Vì ngay trong tuần đầu tiên này, nhiều lớp học đã ghi nhận có học sinh mắc COVID-19, có lớp cho các học sinh học trực tuyến trở lại, có lớp cho các em tiếp xúc gần học trực tuyến, còn không tiếp xúc gần thì học trực tiếp. Nói chung, mỗi trường, mỗi lớp ứng biến rất linh hoạt, vì thế nhiều học sinh và cha mẹ các em khá băn khoăn và lo lắng.
Các trường xử lý ra sao khi xuất hiện ca F0?
Tại trường tiểu học Hồng Kỳ, nhà trường xác định khi lớp có F0 sẽ cho toàn bộ lớp học đó nghỉ ngày hôm đó, phun khử khuẩn. Những em được xác định là F1 sẽ ở nhà học online.
Thầy Chu Văn Kiểm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Kỳ, Sóc Sơn, Hà Nội cho hay: 'Những em F1 là tiếp xúc gần, không đeo khẩu trang. Các em ở nhà 7 ngày, xét nghiệm âm tính đi học lại. Các giáo viên sẽ kết hợp vừa dạy online vừa học trực tiếp chứ không nghỉ học'.
Trường THCS Hồng Kỳ cũng sẵn sàng cơ sở vật chất nếu chẳng may có giáo viên hoặc học sinh mắc COVID-19. Trường hợp F0 thì đương nhiên sẽ điều trị tại nhà hoặc cơ sở y tế. Còn với F1, nhà trường xác định đó phải là những em tiếp xúc gần với F0 dưới 2m, trò chuyện quá 15 phút.
Cô Nguyễn Thị Hồng Minh - Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Kỳ, Sóc Sơn, Hà Nội chia sẻ: 'Ví dụ như bàn này, 4 em này sẽ là F1. Những em còn lại di chuyển sang phòng chờ. Phòng này khử khuẩn. Ngày mai các em đi học tiếp, không nghỉ học. Tuy vậy, có nhiều phụ huynh vì lo lắng cho con, nên dù có được đi học thì vẫn cho nghỉ, khi lớp có F0. Các trường cũng tính đến phương án này'.
Trong công điện của Bộ giáo dục và Đào tạo gửi các trường, Bộ cũng khẳng định: không chủ quan xem nhẹ việc phòng dịch nhưng không thực hiện căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới học tập và sinh hoạt của học sinh; tuyệt đối, không kỳ thị với các trường hợp F0.
Ảnh minh họa.
Trong khi các hoạt động kinh tế, giao tiếp xã hội đã gần như hoàn toàn bình thường, nhiều học sinh đã theo bố mẹ đi chơi, đi ăn ngoài hàng quán; thì không có lý do gì để các em phải học trực tuyến nữa. Lợi ích của việc trẻ được đến trường lớn hơn nhiều so với cho trẻ học trực tuyến ở nhà. Lúc này nhiều phụ huynh ủng hộ việc đưa con đến trường học trở lại. Tuy nhiên vẫn còn đó những băn khoăn sau 1 tuần đi học.
Số liệu của UNICEF và UNESCO cho thấy, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có 26 nước thì 65% mở cửa hoàn toàn; 35% còn lại mở cửa một phần (trong đó có Việt Nam). Qua kinh nghiệm các nước cho thấy, trước khi có vaccine thì việc học trực tuyến là một giải pháp hoàn toàn đúng để giảm lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, khi tỷ lệ phủ vaccine của quốc gia đạt yêu cầu, việc đưa học sinh quay lại học trực tiếp là tất yếu để đảm bảo chất lượng giáo dục và sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em. Theo khảo sát của UNICEF, tại Ấn Độ, tỷ lệ trẻ em có thể đọc hiểu văn bản cấp 1 giảm từ 42% trong năm 2018 xuống 24% trong năm 2020. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã gỡ bỏ hết các biện pháp phòng dịch COVID-19 và việc mở cửa lại trường học đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới.
Các quốc gia mở cửa trường học như thế nào?
Mỹ đã thực hiện việc mở cửa trường học trở lại từ đầu năm học này và vẫn được duy trì trong thời gian dài tới nay
Tại các trường tiểu học, phụ huynh phải điền vào phiếu, nộp cho giáo viên nhằm đảm bảo học sinh không bị nhiễm trước khi đến trường.
Thỉnh thoảng, bộ phận y tế sẽ chọn ngẫu nhiên một vài học sinh để xét nghiệm. Những em bị nhiễm bệnh và các em có tiếp xúc gần, sẽ phải nghỉ học từ 5 ngày đến 1 tuần, khi có kết quả âm tính sau 2 lần kiểm tra, sẽ được đến trường trở lại.
Học sinh khi đến trường cũng được phân luồng, không đến cùng một thời điểm, không vào cùng một cổng. Giờ ăn trưa, cũng được phân luồng để không ăn ở cùng một chỗ, cùng một giờ, nói tóm lại là tránh tập trung đông người.
Sau mỗi kỳ nghỉ dài, tất cả các học sinh trước khi trở lại trường, đều phải được xét nghiệm và gửi kết quả lên mạng của thành phố
Ấn Độ quyết định mở cửa trở lại trường học ở hầu hết các bang từ ngày 7/2 khi số ca mắc mới trên cả nước có xu hướng giảm. Học sinh đến trường buộc phải kiểm tra thân nhiệt, rửa tay và đeo khẩu trang.
Tại Đông Nam Á, các trường học tại Thái Lan đã mở cửa trở lại từ đầu tháng 11 năm ngoái. Bộ Giáo dục và Bộ Y tế nước này đã nhất trí về bộ quy định và hướng dẫn để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại các trường học, theo đó, các trường học phải đảm bảo ít nhất 85% học sinh và nhân viên được tiêm chủng. Ở những khu vực có tốc độ lây truyền và các ca bệnh đặc biệt cao, số lượng học sinh trong lớp được giới hạn ở mức 25 học sinh. Ngoài ra, các trường học cần lập khu vực cách ly để ngăn chặn lây lan nếu phát hiện ra các ca nhiễm bệnh.
Ảnh minh họa.
Trong lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Bộ Y tế chưa có một hướng dẫn hay các kịch bản để hướng dẫn các trường học thích ứng an toàn với dịch bệnh thì, mỗi trường ứng phó linh hoạt với dịch bệnh theo các cách khác nhau là điều dễ hiểu.
Trong hai năm vừa qua, các quốc gia đã thực hiện các quan điểm và phương pháp chống dịch bệnh khác nhau, lộ trình mở cửa trở lại cũng khác nhau và hiệu quả cũng rất khác nhau. Nhưng thước đo quan trọng nhất về kết quả chống dịch đó là số người mắc COVID-19 và số người tử vong. Ai cũng biết, trẻ em và sức khỏe trẻ em là quan trọng nhất, không gì so sánh được, nhưng việc học hành của trẻ cũng quan trọng không kém. Vì thế, cùng với việc cho học sinh đi học trở lại và tuần tới là các sinh viên cũng trở lại trường thì cần phải có các kịch bản với các tình huống có thể xảy ra, không để bị động, lúng túng, bất ngờ và nhất là không để các thầy cô giáo và cha mẹ học sinh phải thấp thỏm, lo lắng nhiều hơn nữa.
Ông Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế và ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo là hai khách mời trong chương trình Sự kiện bình luận ngày 12/2 sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.
>> Xem thêm: F0 điều trị tại nhà nếu xuất hiện những dấu hiệu sau đây cần được cấp cứu và chuyển viện