Trúc Giang vốn là kiến trúc sư có 3 năm gắn bó với lĩnh vực quy hoạch vùng và đô thị cho đến khi chuyển qua làm việc ở mảng công nghệ 5 năm qua.
Khát khao làm điều có ích
Sắc vóc tươi tắn, khỏe khoắn và nụ cười luôn nở trên môi là ấn tượng của nhiều người về Giang. Cô gái 9x giàu bản lĩnh, nỗ lực phát triển và gặt hái thành quả nhất định. Cột mốc khiến Giang từ một người nghiện việc thay đổi suy nghĩ, biết cách chăm sóc bản thân hơn, là sau lần cô bệnh nặng, phải nghỉ ở nhà hơn 3 tháng. Những ngày ốm đau, không thể di chuyển, trải nghiệm nằm viện và đi về thăm khám… rất khó khăn. 'Ký ức về khoảng thời gian chăm sóc ba tôi ở Bệnh viện Ung bướu - nơi bao bệnh nhân ra đi mỗi ngày cùng sự bất lực, buồn khổ của thân nhân… cứ in sâu tâm trí' - Giang kể. Cô nhận ra rằng khi mắc bệnh thì các giá trị mà con người theo đuổi như sự nghiệp, tiền bạc, chức vụ lẫn sự công nhận của xã hội… trở nên vô nghĩa. Giang muốn làm một điều gì đó thật ý nghĩa để dẫu có ra đi vẫn không hối tiếc.
Nguyện vọng ấy ngày càng được củng cố khi cô biết đến thông tin về chương trình hiến và ghép mô, tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy. Rất nhiều bệnh nhân lay lắt chờ đợi một bộ phận cơ thể cần được thay thế trong khi có người mất đi với những thứ có thể đem sự sống cho người khác. Không một chút đắn đo, Giang quyết định gửi hồ sơ. Trong đơn đăng ký có 12 ô khác nhau tương ứng 12 bộ phận sẽ hiến tặng sau khi qua đời như xương, tủy, da, thận, gan, giác mạc... Giang lựa chọn đánh dấu đủ vì 'Khi tới thế giới, mình không có gì cả thì khi từ giã cõi đời, mình sẽ gửi lại tất cả của mình'. Lúc ấy (tháng 8-2020) thì dịch COVID-19 bùng phát nên quy trình này thực hiện trực tuyến. 25 ngày sau khi gửi email, Giang cảm động khi nhận thẻ đăng ký hiến tạng: 'Việc này tác động tới bản thân tôi lẫn người xung quanh, những ai được chia sẻ đều ít nhiều hiểu được ý nghĩa của việc hiến tạng. Qua đó, tôi càng kết nối tốt với các bạn chung chí hướng phụng sự cộng đồng'.
Trước đó, khi tâm sự với gia đình về ý định này, mẹ cô phản ứng. Tuy nhiên, sau cùng, cả nhà đều không phản đối. Mặt khác, từ nhỏ Giang đã có nền tảng nhận thức về đời sống rất sâu sắc nhờ gia đình định hướng, cô được dạy dỗ rằng việc giúp đỡ người khác trong các hoàn cảnh đặc biệt luôn là nên làm. Cha mẹ cô luôn sẵn lòng tham gia các hoạt động xã hội một cách nhiệt tình và chân thành, đó là nguồn cảm hứng sinh động và mạnh mẽ cho cô. Việc thông báo với gia đình là cách cô nhận được ủng hộ cũng như không tạo ngăn cản về y tế trong trường hợp mất đi. Giang không gặp nhiều ý kiến trái ngược từ bạn bè và đồng nghiệp thân thiết, có lẽ do sự tương đồng về môi trường và nhận thức. Hiện nay, Giang vui vì được giúp nhiều người cải thiện sức khỏe một cách an toàn. Và cô vẫn đang trên con đường đó, khi có thêm công việc tay trái là huấn luyện viên môn Pilates và Aerial Hammock (Yoga dây).
Trúc Giang dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động xã hội. Cô vừa trở về từ chương trình tình nguyện viên bảo vệ rùa biển. Ảnh: BÙI NAM
Trao yêu thương, gặt hạnh phúc
Ở tuổi 22, Dương Sỉ Ðan (quê Sóc Trăng) nặng vỏn vẹn 39 kg. Thể hình, thể lực hạn chế, thường bị chế giễu, từng chiến đấu với trầm cảm nhưng Ðan không để ước mơ của mình thui chột. Thay vì thu mình lại, anh hăng hái làm thiện nguyện.
Mong muốn tạo nên những giá trị tốt đẹp đã hình thành khi Ðan còn là một cậu bé nơi miền quê nghèo. Ðan học từ gia đình tinh thần 'nhường cơm sẻ áo'. Dẫu vất vả nhưng gia đình anh luôn dành một phần lúa thu hoạch được để giúp bà con khó khăn trong vùng. 'Tôi chọn ngành học Công tác xã hội để biến đam mê thành sự nghiệp và biết cách cống hiến lâu dài hơn cho xã hội. Mục tiêu của tôi sau khi ra trường là về quê thực hiện các dự án cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân' - Ðan cho biết.
Không chỉ là thành viên tích cực của Ðội Công tác xã hội Thanh niên TP HCM, Ðội Tình nguyện Mầm Xanh - Hội Sinh viên Trường ÐH Ngân hàng TP HCM và sứ giả nhân ái Dự án Cho Em (Project For Children), Đan còn là tình nguyện viên ở nhiều dự án phi lợi nhuận khác. Trưởng thành từ nghèo khó nên Ðan luôn đồng cảm với người yếu thế. Theo anh, điều quan trọng không chỉ là cho đi mà phải biết trao đúng lúc, đúng người, đúng thứ họ cần thì sự giúp đỡ mới thực sự giá trị.
Sức khỏe không cho phép đảm đương các phần việc đòi hỏi quá nhiều thể lực, song Ðan vẫn có nhiều đóng góp hiệu quả, từ việc nấu ăn, làm đồ thủ công, phụ trách truyền thông và viết thư ngỏ vận động tài trợ cho dự án. Mỗi tối, anh dạy học tại các mái ấm, học một số ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với các em nhỏ khiếm thính. Phần lớn học bổng Ðan nhận được đều để dành làm từ thiện. Chàng trai gen Z đã hoàn thành thủ tục đăng ký hiến tặng mô, tạng và kế đó là đăng ký hiến thi hài sau khi qua đời. Đan bộc bạch: 'Nếu một ngày không còn trên cõi đời, tôi nguyện hiến dâng cơ thể cho y học nước nhà, để các y - bác sĩ, các sinh viên có thể nghiên cứu tìm ra phương pháp chữa bệnh cho mọi người và nối dài sự sống cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo'. Ðan không ngại định kiến bởi anh cảm thấy hạnh phúc khi được cống hiến cho cộng đồng.
Sự ủng hộ từ gia đình, người thân thương, những gương sáng thầm lặng trong xã hội đã truyền cảm hứng, tiếp thêm động lực cho Sỉ Đan (bìa phải) vững vàng trên con đường phụng sự cộng đồng đầy ý nghĩa.