Để gỡ khó cho các em, năm nay công tác tư vấn chọn môn được các trường triển khai cẩn trọng và phụ huynh cũng chủ động hơn trong việc hỗ trợ con lựa chọn tổ hợp môn phù hợp với thiên hướng và mục tiêu của mình.
Chọn môn học phù hợp sẽ giúp học sinh phát huy được thế mạnh và có động lực học tập tốt. Ảnh minh hoạ.
Năm học 2023-2024 là năm thứ hai ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình GDPT mới ở bậc THPT. Đây cũng là năm thứ hai học sinh được chọn môn học ngay từ khi bắt đầu vào học lớp 10 thay vì phải học tất cả các môn như trước đây.
Cụ thể, ngoài 8 môn học bắt buộc là Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn, Lịch sử và các chương trình Giáo dục Quốc phòng, Giáo dục địa phương, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, học sinh sẽ được chọn 4 môn trong số 9 môn học còn lại (gồm Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế pháp luật, Mỹ thuật, Âm nhạc). Các tổ hợp môn được xây dựng dựa trên tình hình thực tế của nhà trường cũng như nhân sự hiện có. Học sinh sẽ phải theo môn học đã chọn suốt ba năm cấp ba. Trong trường hợp học sinh muốn thay đổi môn học, việc đổi môn chỉ được thực hiện ở cuối năm học và học sinh sẽ phải tự học bù kiến thức của môn học mới ở các lớp trước. Do vậy, việc lựa chọn môn học với học sinh lớp 10 rất quan trọng vì điều này sẽ liên quan trực tiếp đến các tổ hợp môn xét tuyển đại học sau khi tốt nghiệp THPT.
Trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Hà Đông (Hà Nội) em Nguyễn Duy Bình cho biết: Em và các bạn “cân não” trong lựa chọn tổ hợp môn học. Theo Bình, nhà trường xây dựng các nhóm lựa chọn gồm các môn học theo định hướng năng lực, sở trường của học sinh và dựa trên đội ngũ giáo viên hiện có của nhà trường. Tuy nhiên, do thiên về các môn khoa học tự nhiên nên sau nhiều ngày cân nhắc, Bình đã quyết định chọn tổ hợp môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học. Lựa chọn tổ hợp đã khó nhưng có được vào lớp theo đúng nguyện vọng đã đăng ký hay không cũng đang là bài toán khiến phụ huynh, học sinh lo lắng. Chị Trần Thị Hạnh, phụ huynh có con vào lớp 10 tại quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết: “Sau khi xem xét khả năng, sở thích của con, gia đình đã quyết định chọn tổ hợp gồm các môn thiên về xã hội như Địa lý, Giáo dục Kinh tế và pháp luật… Tuy nhiên, do các tổ hợp đều giới hạn về số lớp nên không biết con có đạt được nguyện vọng hay không?”.
Theo nhiều chuyên gia, để chọn môn học phù hợp khi bước vào lớp 10 cần xuất phát từ năng lực của người học, sở trường bản thân, định hướng nghề nghiệp sau 3 năm học ở cấp THPT. Trong khoảng thời gian học cấp THCS, học sinh có tư duy tốt về lĩnh vực Khoa học Tự nhiên hay Khoa học Xã hội đều được hiện rõ. Học sinh và phụ huynh cũng nên tham khảo ý kiến từ các thầy cô chủ nhiệm và bộ môn để có thêm những thông tin chuẩn xác về năng lực của con. Nếu lựa chọn những môn học phù hợp sẽ giúp cho học sinh phát huy được thế mạnh của mình. Ngược lại, nếu đã lựa chọn nhưng sau này khả năng không theo được hoặc vì một lý do nào khác mà bắt buộc phải chuyển tổ hợp thì sẽ khiến con mất thời gian, ảnh hưởng tâm lý.
Thầy Vũ Đình Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: Ngay sau khi công tác tuyển sinh được hoàn thành nhà trường đã triển khai phổ biến và tư vấn chọn tổ hợp môn cho phụ huynh và học sinh. Theo lời khuyên của thầy Hà, bố mẹ và học sinh nên dựa vào khả năng của con, đặc biệt là mong muốn đầu ra sau này, nguyện vọng xét tuyển đại học ở những khối ngành nào để lựa chọn những môn phù hợp. Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cũng cho rằng, học sinh không nên chỉ chọn những môn dễ học. Thực tế những môn dễ lại không phục vụ cho các khối thi của các em sau này. Do vậy, học sinh lựa chọn những môn định hướng nghề nghiệp của mình nên là tổ hợp môn vừa phù hợp với năng lực và vừa phù hợp với xu hướng xét tuyển đại học.
Cô Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho biết: Hệ thống dân lập được học trước 1 tháng. Đây là khoảng thời gian 'co giãn' để học sinh lớp 10 làm quen với các tổ hợp môn, chuyên đề học tập trước khi chính thức quyết định chốt môn học lựa chọn. Nếu trường cấp 3 làm tốt công tác tư vấn thì phụ huynh và học sinh thuận lợi, còn nếu “ào ào xếp lớp thì sẽ xảy ra chuyện “bước chân đi cấm kỳ trở lại” hoặc thay đổi tổ hợp môn sau một năm học”. Cũng theo cô Vũ Phương Anh, tư vấn là nhiệm vụ của các trường nhưng lựa chọn cuối cùng là do phụ huynh và học sinh. Do vậy, cha mẹ và học sinh nên căn cứ vào năng lực, ý thích của con, căn cứ vào nhu cầu của xã hội, truyền thống của gia đình... để chọn môn học phù hợp.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng nêu quan điểm: Cha mẹ cần lắng nghe ý kiến chính con mình vì các em là người biết rõ về mình nhất. Nếu cha mẹ áp đặt những điều kiện vượt quá năng lực của con thì không những không giúp các con chọn môn phù hợp mà còn khiến con khó hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập. Bên cạnh đó, thầy Bình cũng đề xuất các trường THCS kết hợp với trường THPT tổ chức những buổi trải nghiệm “một ngày là học sinh THPT”, để học sinh lớp 9 được “học thử” các tổ hợp môn tự chọn.