Một cô giáo tại Việt Nam đã được vinh danh trong danh sách 50 giáo viên toàn cầu, khi liên tục kết nối các em học sinh của mình, với nhiều bạn bè quốc tế, để học ngôn ngữ tiếng Anh và văn hóa các châu lục. Hay nhiều những câu chuyện khác về những nỗ lực và cống hiến của các thầy cô giáo để ươm mầm những ước mơ xanh.
Cô giáo Trần Thị Thúy – giáo viên tiếng Anh Trường THPT Đức Hợp, Kim Động (Hưng Yên) (Ảnh: FBNV)
30 năm trước, năm 1994, UNESCO đã chọn ngày 5/10 hàng năm là Ngày Nhà giáo Thế giới, nhằm tôn vinh và ghi nhận công lao to lớn của các thầy cô giáo trong sự nghiệp giáo dục, đồng thời nâng cao nhận thức về vai trò của nhà giáo đối với công cuộc xây dựng tương lai toàn cầu.
Trong khi thế giới đang chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm ngày Nhà giáo, tại Việt Nam, ngành Giáo dục cùng với nhiều ngành khác đang nỗ lực tập trung vào việc khắc phục hậu quả nặng nề do bão lũ gây ra. Mặc cho khó khăn chồng chất, hình ảnh những thầy cô giáo kiên cường, bền bỉ đứng vững giữa thử thách.
Gần đây nhất, chắc hẳn độc giả có thể thấy hình ảnh một ngôi trường chìm trong bùn đất sau trận lũ ống ở Nghệ An. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, mưa lớn vẫn tiếp diễn, và lũ trên các con sông vẫn tiếp tục đe dọa đến sự an toàn của người dân cũng như các trường học.
NGÀNH GIÁO DỤC THIỆT HẠI NẶNG NỀ SAU BÃO SỐ 3 VÀ HOÀN LƯU BÃO
Sau cơn bão số 3, tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, có 52 học sinh và trẻ em bị tử vong. Cùng với đó là 3 học sinh mất tích, 8 học sinh bị thương, 3 giáo viên tử vong, 1 giáo viên mất tích. Do mưa to và gió lớn, nhiều cơ sở giáo dục ở các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Đông Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ; bị ngập nước sâu, phòng học bị tốc mái; nhiều công trình bị sập, đổ, vỡ kính; thiết bị dạy học, đồ dùng học tập của học sinh bị nước cuốn trôi, ướt hỏng. Sau cơn bão số 3, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ước tính là 1.260 tỷ đồng; hư hỏng 41.564 bộ sách giáo khoa.
Những con số thiệt hại về cả người và của thực sự quá lớn. Nén lại nỗi đau mất mát, các thầy cô không ngừng khắc phục hậu quả, khôi phục lại những điểm trường để đưa các em học sinh trở về với cuộc sống thường nhật.
NỖ LỰC VƯỢT KHÓ CỦA NHỮNG GIÁO VIÊN VÀ ĐIỂM TRƯỜNG VÙNG CAO SAU MƯA LŨ
Sau khi cơn lũ đi qua, đường vào trường của những cô giáo tại điểm trường Shan Lùng, Lào Cai vẫn đầy nguy hiểm. Nhưng các cô vào trường không phải để dạy học mà là để dọn dẹp đống đổ nát sau trận mưa lũ lịch sử vừa qua.
Nhặt từng món đồ chơi dưới lớp bùn đất, rồi rửa sạch, tất cả những gì các cô mong muốn chỉ là các con sớm được đi học trở lại.
Những khó khăn chưa khi nào cản được bước chân của các cô giáo và cả các trò nơi rẻo cao. Điểm trường mầm non Lũng Súng, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, tiếng cười, tiếng hát đã trở lại, mặc cho đã có những mất mát không thể lấy lại khi điểm trường 24 em sau cơn lũ, giờ chỉ còn 23 em.
Không chỉ tại điểm trường Lũng Súng, ngay khi các tuyến đường có thể di chuyển, thầy và trò tại nhiều trường học tại tỉnh Cao Bằng đã ngay lập tức đã trở lại lớp học.
Các cô giáo đến trường không phải để dạy học mà là để dọn dẹp đống đổ nát sau trận mưa lũ lịch sử vừa qua.
Những mất mát có thể chẳng lấy lại được, nhưng hy vọng thì vẫn còn ở đó, thậm chí là mạnh mẽ hơn sau những khó khăn, đặc biệt khi ở những mái trường đó vẫn còn đó những cô giáo hết lòng vì học sinh.
TRƯỜNG SỐ 1 PHÚC KHÁNH VÀ NHỮNG EM HỌC SINH LÀNG NỦ
Khi cơn lũ dữ ập xuống thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai; 13 học sinh của Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở số 1 Phúc Khánh đã mãi mãi không còn cơ hội quay trở lại lớp học, rời xa bạn bè và thầy cô. Để đảm bảo an toàn cho việc học tập, Ban Giám hiệu nhà trường đã khẩn trương cải tạo các phòng chức năng và phòng ít sử dụng, để đón 117 học sinh từ thôn Làng Nủ, về học tập và ở nội trú, tại điểm trường chính.
Trường Tiểu học và Trung học số 1 Phúc Khánh những ngày này, đã rộn rã tiếng học sinh nói cười và vui đùa nơi sân trường, gần 1 tháng đón học sinh trở lại trường sau những ngày tạm nghỉ vì mưa lũ. Đặc biệt, 117 học sinh từ thôn Làng Nủ, nơi vừa hứng chịu trận lũ quét nghiêm trọng, cũng đã được chuyển về đây để tiếp tục học tập và sinh hoạt. Như vậy tổng số học sinh bán trú tại trường là 190 em. Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng Ban Giám hiệu nhà trường cam kết sẽ tiếp tục đảm bảo việc dạy và học cho các em.
Những chuyến xe nghĩa tình, chở đầy yêu thương và sẻ chia, đã kịp thời đến với các điểm trường bị thiệt hại, góp phần hỗ trợ, san sẻ những khó khăn mà các thầy cô và học sinh đang đối mặt. Nhưng trên hết, chính các thầy cô giáo - những người cầm đèn tri thức - vẫn là điểm tựa vững vàng nhất, gieo mầm cho thế hệ tương lai.
Có những người giáo viên luôn nỗ lực không ngừng vươn lên, tìm mọi cách hỗ trợ cho học sinh trở thành những công dân toàn cầu. Có những người giáo viên đã dành trọn cuộc đời để truyền dạy kiến thức, ngay cả khi đã nghỉ hưu, họ vẫn tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp giáo dục bằng nhiều cách khác nhau. Họ chính là những tấm gương sáng về lòng yêu nghề và sự cống hiến không ngừng nghỉ, là nguồn cảm hứng to lớn cho các thế hệ giáo viên kế tiếp.
NHỮNG GIÁO VIÊN KHÔNG CÓ 'GIỚI HẠN'
Sinh ra từ một làng quê nghèo khó, nhưng với ý chí học tập mạnh mẽ và khao khát mang những học trò của mình đến khắp nơi trên thế giới, những lớp học không biên giới đã được cô Thuý thực hiện, xuất hiện trong danh sách 50 giáo viên toàn cầu là thành quả của hành trình này.
Hơn 1 triệu KM, đó là quãng đường mà học sinh của cô đã đi qua khi tham gia những lớp học đặc biệt này.
Vượt qua mọi giới hạn từ địa lý, tuổi tác đến cả những khiếm khuyết, những giáo viên đặc biệt này đã và đang gieo thêm thật nhiều những hạt mầm tri thức góp phần đưa giáo dục nước nhà đến những tầm cao mới.