Học sinh có được sử dụng điện thoại trong trường học hay không luôn là vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận trong nhiều năm qua. Từ năm 2020, Thông tư số 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp, không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên chủ nhiệm cho phép. Nghĩa là việc học sinh được sử dụng điện thoại hay không, thuộc quyền hạn của giáo viên và mỗi trường. Mỗi giáo viên lại có những quy định riêng, chưa thống nhất. Từ năm học 2024 – 2025, nhiều trường học đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt hơn, đó là hoàn toàn không sử dụng điện thoại trong trường học.
'Tôi cho rằng, các trường học đang ý thức được nguy cơ, hệ lụy của việc học sinh sử dụng điện thoại quá mức cho phép. Việc sử dụng điện thoại không kiểm soát trong trường học có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề học tập của các em học sinh. Đó cũng chính là lý do Ban giám hiệu, các thầy cô và phụ huynh bắt đầu quan tâm sát sao tới việc làm thế nào để có thể giới hạn việc sử dụng điện thoại của các con trong trường học', Thạc sĩ Vũ Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo và Can thiệp tâm lý Việt Nam, Chuyên gia về tâm lý học đường đánh giá.
Thạc sĩ Vũ Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo và Can thiệp tâm lý Việt Nam, Chuyên gia về tâm lý học đường chia sẻ về việc có hay không nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường học
Theo bà Vũ Thu Hà, việc sử dụng điện thoại tác động lớn đến khả năng tập trung của trẻ em. Bởi khác với người lớn, trẻ em thiếu sự tập trung và rất dễ bị xao nhãng. Đây là đặc trưng tâm lý của lứa tuổi này. Điện thoại chứa nhiều ứng dụng, công nghệ hấp dẫn, khiến trẻ dễ dàng bị cuốn hút cả ngày, làm mất đi khả năng tương tác của trẻ với nhau và mất đi sự chú tâm cho học tập. Đặc biệt, khi lạm dụng điện thoại sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, khiến trẻ trở nên thu mình, thụ động. Đáng chú ý, thời gian gần đây, có nhiều trường hợp trẻ lo lắng, trầm cảm dẫn đến sự việc đáng tiếc do người lớn không có sự giám sát chặt chẽ trong việc sử dụng điện thoại của trẻ.
'Hiện nay, nhiều trường học không chỉ cấm các em học sinh không được sử dụng trong giờ học mà cả trong giờ ra chơi. Một bạn học sinh chia sẻ rằng em muốn nói chuyện với bạn nhưng không thể nói được, nên cả hai đã nhắn tin qua điện thoại dù ngồi cạnh nhau. Điều này cho thấy sự tương tác, đối mặt trực tiếp của các con trở thành điều khó khăn, bởi giờ ra chơi chỉ có 5 – 10 phút thôi. Việc các con chuẩn bị bài vở, trao đổi với nhau một vài câu hoặc chơi cùng nhau, hỏi han nhau là điều cần thiết, nhưng nếu cha mẹ cho các con sử dụng điện thoại, ngay lập tức các con sẽ chỉ quan tâm tới điện thoại', bà Vũ Thu Hà chia sẻ.
Cùng với Thông tư số 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để hướng dẫn cho giáo viên và nhà trường quản lý, khai thác, sử dụng thiết bị dạy học, trong đó có điện thoại di động, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công văn số năm 512 vào cuối năm 2020, hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp để hỗ trợ hoạt động do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định. Giáo viên hướng dẫn cụ thể cho học sinh các hoạt động đã thiết kế trong kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại để sử dụng và đảm bảo yêu cầu phù hợp với nội dung học tập. Giáo viên thông báo cho học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như một thiết bị hỗ trợ hoạt động học tập và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp và trong giờ học.
Một số trường học cấm học sinh sử dụng điện thoại di động ở trường, kể cả trong giờ ra chơi
'Không phải trường học nào cũng có thể cung cấp hết được cho học sinh về chuyển đổi số trong giáo dục. Bởi có nhiều trường học không đủ điều kiện về thiết bị công nghệ, không có những tiết học liên quan tới việc sử dụng công nghệ. Nếu trường học nào sử dụng công nghệ trong học tập, phải có sự hướng dẫn rõ ràng đối với học sinh. Các con được sử dụng trong giờ học nào, được thực hiện bao nhiêu thời gian và làm với những nội dung gì. Giáo viên cần giám sát để biết được các con có quá trình học tập hiệu quả hay không', bà Vũ Thu Hà cho biết thêm.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, có tới gần 90% trẻ em Việt Nam truy cập internet hàng ngày, nhưng chỉ có khoảng 35% các em được học về cách bảo vệ mình trên môi trường mạng. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh vấn đề chất lượng học tập, còn có nhiều vấn đề khác phải tính đến như: vấn đề bạo lực, bắt nạt cũng có thể nảy sinh.
'Trước khi các con sử dụng điện thoại hay cập nhật thông tin trên mạng xã hội, chúng ta phải cho các con biết những nguyên tắc sử dụng mạng xã hội. Nhiều nhà trường, phụ huynh chưa hướng dẫn hay cung cấp những kỹ năng xã hội tốt cho các con, để các con ứng xử một cách lịch sử, văn minh trên mạng xã hội', bà Vũ Thu Hà chia sẻ thêm.
Việc cho hay không cho trẻ mang điện thoại thông minh đến trường không phải chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn là vấn đề của toàn cầu. Tháng 7 năm 2023, UNESCO đã đề xuất cấm điện thoại thông minh tại các trường học trên toàn thế giới. Chưa có năm học nào ghi nhận một làn sóng cấm học sinh dùng điện thoại trong giờ học bùng nổ như năm học 2024 – 2025, với mục tiêu giảm thiểu sự phân tâm và cải thiện khả năng tập trung của học sinh trong trường học.
Trong báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu năm 2023, UNESCO đánh giá, việc sử dụng điện thoại di động quá mức làm giảm hiệu xuất học tập và mất ổn định cảm xúc ở trẻ em
Cũng theo Bà Vũ Thu Hà, nên cấm sử dụng điện thoại với học sinh cấp một, cấp hai, đối với cấp ba có thể nới lỏng hơn. Tuy nhiên, phải có trao đổi trước với học sinh và bản thân các em cũng phải xác định được những nguyên tắc khi sử dụng điện thoại. Nếu nhà trường, gia đình cho học sinh sử dụng điện thoại, chưa chắc các em đã có thể tập trung vào việc khám phá bản thân, tìm hiểu các môn học mình thích để theo đuổi. Việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến sự trưởng thành, xác định nghề nghiệp của học sinh.
Nhiều nước tại châu Âu siết chặt việc sử dụng điện thoại trong trường học
'Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quyền quyết định sử dụng điện thoại đang do giáo viên quyết định, nhưng để thực hiện hiệu quả, phải phụ thuộc vào quy tắc của Ban giám hiệu và quy tắc của nhà trường. Bởi nhiều giáo viên có những quy tắc thực hiện rất tốt nhưng cũng có giáo viên chưa cảm thấy điều này quan trọng, do đó, trường học phải có những quy định rõ ràng mới có thể thực hiện triệt để được', bà Vũ Thu Hà nhấn mạnh.
Tuổi trung bình sử dụng internet của học sinh Việt Nam là 9 tuổi, sớm hơn so với ước tính chung của thế giới là 13 tuổi
Theo số liệu của UNESCO, hiện nay, trên thế giới, cứ 4 quốc gia lại có 1 quốc gia cấm điện thoại thông minh ở trường học. Bill Gates - nhà sáng lập Microsoft, cũng từng chia sẻ rằng ông cấm con mình sử dụng điện thoại di động cho đến khi chúng 14 tuổi. Bởi ông muốn con mình có thời gian để đọc sách, để chơi các trò chơi ngoài trời và phát triển kỹ năng sống. Có thể thấy rằng việc sử dụng công nghệ là không thể tránh khỏi. Thế nhưng, điều quan trọng là cân bằng được giữa việc sử dụng thiết bị điện tử với thời gian học tập, giải trí và nghỉ ngơi. Trên thực tế, tuổi trung bình sử dụng internet của học sinh Việt Nam là 9 tuổi, sớm hơn so với ước tính chung của thế giới là 13 tuổi. Việc quản lý điện thoại trong trường lại càng đặt ra bức thiết. Hơn nữa, với lời kêu gọi của UNESCO, đã đến lúc chúng ta cần phải có những quy định đồng bộ và rõ ràng hơn từ phía cơ quan quản lý vì một môi trường học đường lành mạnh, hiệu quả và có chất lượng.