Ngày 13-9, UBND TP HCM làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT về công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại TP HCM.
Theo kết quả kiểm tra của Bộ GD-ĐT về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại TP HCM, thời điểm tháng 12-2023, đối với bậc tiểu học, thành phố huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 (94.711 trẻ); 98,41% trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học (số lượng 116.417/118.294); 1.877/118.294 trẻ đang học tiểu học, tỉ lệ 1,59%. Trẻ em đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học là 393.155/395.389, đạt 99,43%; đang học tiểu học là 2.234/395.389, tỉ lệ 0,57%. Trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục là 1.837, đạt 100%.
Đối với phổ cập giáo dục THCS, năm học 2023-2024, TP HCM đạt 99,97% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 (117.896/117.937); 99,84% học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS, giáo dục thường xuyên (89.997/90.144).
Tỉ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15-18 tốt nghiệp THCS đạt 98,37% (337.272/342.847); tỉ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15-18 đang học chương trình GDPT hoặc giáo dục thường xuyên đạt số lượng 331.421/342.847, ti lệ 96,67%; tổng số thanh thiếu niên khuyết tật từ 11-18 tuổi được tiếp cận giáo dục là 1.498, đạt 100%.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Thị Diệu Thúy phát biểu tại buổi làm việc
Đối với công tác xóa mù chữ, TP HCM đạt 99,68% tổng số người từ 15-60 tuổi biết chữ. Ở từng quận, huyện, toàn thành phố có 22/22 quận, huyện, TP Thủ Đức đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt 100%.
Toàn thành phố có 312/312 phường/xã/thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, tỉ lệ 100%.
Về điện kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, Bộ GD-ĐT đánh giá các trường học trên địa bàn TP HCM có đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo quy định để tổ chức các hoạt động giáo dục theo chương trình của Bộ GD-ĐT.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT đánh giá cao những kết quả của TP HCM
PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học-Bộ GD-ĐT, nhìn nhận những kết quả cho thấy sự quan tâm, nỗ lực rất lớn của thành phố, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể. Chỉ riêng điều kiện về mạng lưới cơ sở vật chất cũng là câu chuyện rất khó của TP HCM do biến động gia tăng không ngừng về dân số…
'TP HCM đã xây dựng mạng lưới trường, lớp rộng khắp tạo điều kiện cho học sinh được học tập thường xuyên, góp phần thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học luôn được ưu tiên đầu tư, bảo đảm những yêu cầu cần thiết nhất để tổ chức dạy học' - ông Thành đánh giá.
Bộ GD-ĐT công nhận TP HCM đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Thị Diệu Thúy yêu cầu Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các cấp phải thường xuyên tái kiểm tra; nắm chắc số liệu, địa bàn và đối tượng để đầu tư đúng trọng điểm; phân tích số liệu rõ ràng để đánh giá đúng lý do, tìm nguyên nhân giải quyết…