Chỉ trong thời gian ngắn, có trường đã thu hút được gần 50 tiến sĩ, phó giáo sư đang công tác ở trong và ngoài nước về làm giảng viên và quản lý các khoa, ngành, tăng gấp 5 lần số giảng viên cơ hữu có trình độ từ tiến sĩ trở lên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
Gần đây, nhiều trường đại học công lập trên lộ trình thực hiện tự chủ tài chính đã đầu tư thu hút nhân lực chất lượng cao, các chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút giảng viên chất lượng, có uy tín. Nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút nhân lực “đầu quân” về làm việc. Ngoài khoản thu nhập hấp dẫn, nhiều chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút và giữ chân lực lượng này. Chiến lược “chiêu hiền, đãi sĩ” để thu hút nhân sự giữa các trường đại học đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới. Một số trường đại học như: Công thương, các trường trong khối Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, Học viện hàng không Việt Nam...
Tiến sĩ Trần Thị Thái Bình (bìa trái), sau khi tu học tại Pháp về làm trưởng bộ môn Kinh tế hàng không, Học viện Hàng không Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải
Thu hút, giữ chân nhân lực chất lượng cao
Tiến sĩ Trần Thị Thái Bình, phụ trách môn Kinh tế Hàng không, kiêm Phó trưởng ban chương trình đào tạo hàng không toàn cầu của Học viện Hàng không Việt Nam cho biết, quyết định gắn bó ở đây vì yêu ngành hàng không và đam mê truyền đạt kiến thức kinh nghiệm cho thế hệ trẻ trong tương lai. Đồng thời bà được Học viện tạo môi trường làm việc cởi mở để yên tâm phát huy hết với năng lực và kinh nghiệm của mình cho sự phát triển của trường. 'Ngoài ra, chính sách tạo nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống cũng giúp mình yên tâm làm việc và cống hiến”, Tiến sĩ Bình chia sẻ.
Không chỉ bà Bình, tại học viện hàng không, trong 2 năm gần đây đã thu hút và giữ chân được gần 50 giảng viên là tiến sĩ, phó giáo sư có kinh nghiệm lâu năm tại các trường đại học, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước về làm việc. Như Tiến sĩ Nguyễn Thị Như Điệp là trưởng khoa Ngoại ngữ tại một trường đại học ngoài công lập, đã chuyển sang phụ trách khoa Ngoại ngữ tại trường. Hay trường hợp của PGS TS Nguyễn Công Hoan, từ trưởng Trưởng bộ môn Quản trị khách sạn một trường đại học công lập chuyển về làm trưởng khoa mới của học viện hàng không là Dịch vụ Hàng Không.
TS. Nguyễn Thị Hải Hằng, Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam cho biết, nhờ chiến lược “chiêu hiền đãi sĩ” đã góp phần thu hút nhiều nhân sự giỏi, giúp cho chất lượng đào tạo của nhà trường được nâng cao, tiệm cận các tiêu chuẩn đào tạo mới trên thế giới.
Đây cũng là câu chuyện của không ít trường đại học công lập, đặc biệt các trường đã thực hiện tự chủ như: Đại học Kinh tế, Đại học Công thương, Đại học quốc tế - Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh … Chiến lược rõ ràng và có đầu từ nghiêm túc để thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên chất lượng cao.
Nhờ thu hút được đội ngũ các nhà khoa học, giảng viên chất lượng cao từ nước ngoài về làm việc, ngành Kỹ thuật Y sinh và Công nghệ Sinh học trở thành một trong những ngành đào tạo có thương hiệu của trường Đại học Quốc tế - Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh
Đảm bảo thu nhập tốt cho đội ngũ cán bộ, giảng viên
Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, không ít trường giành chính sách đặc biệt về tài chính, trích từ quỹ phát triển sự nghiệp để thu hút và giữ chân cán bộ, giảng viên chất lượng cao.
Cụ thể, với mỗi cán bộ, giảng viên có học hàm tiến sĩ trở lên, tại Học viện Hàng không sẽ hỗ trợ 100 đến 150 triệu đồng khi về Học viện công tác. Đồng thời thu nhập tăng thêm hàng tháng cho cán bộ, giảng viên có học vị từ Thạc sĩ trở lên được cộng thêm từ 3 triệu đến 12 triệu/tháng.
Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhờ cơ chế tự chủ hoàn toàn, ngoài việc thu hút bằng khoản tiền thu nhập này, trường tổ chức cơ cấu lương giảng viên đảm bảo tăng lên, tối thiểu đạt 25 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản tiền dạy thêm giờ. Nhờ những chính sách thiết thực đảm bảo đời sống, giữ chân được các giảng viên, nhà khoa học giỏi đến cộng tác, làm việc tại trường.
Nhiều nhân sự, giảng viên, nhà khoa học chia sẻ ý kiến tại Hội thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Phó Giáo sư Trần Tiến Khoa – Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế cho biết, trường đã phối hợp nhiều chính sách để thu hút các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học có thời gian nghiên cứu, học tập, làm việc ở các nước phát triển về trường làm việc. Ngoài ra, cơ sở vật chất, máy móc; việc đầu tư nghiên cứu, học thuật cũng phải đúng với sở trường của các nhà khoa học, giảng viên để họ luôn yên tâm công tác tại trường.
TS. Nguyễn Thị Hải Hằng cho biết, không chỉ đãi ngộ đặc biệt về nguồn thu nhập, trường xây dựng và tạo ra môi trường làm việc mới mẻ để đội ngũ giảng viên chất lượng cống hiến và đóng góp kinh nghiệm. Thậm chí một số trường mở các khoa, ngành, môn học mới, để các giảng viên có thể phát huy hết kinh nghiệm trau dồi từ các môi trường trong và ngoài nước về đóng góp, phát triển.
Giảng viên được tạo điều kiện tham gia trực tiếp lãnh đạo quản lý để thực hiện ước mơ, khát vọng cá nhân về xây dựng nền giáo dục đại học tiên tiến. Nhờ đó, nhiều giảng viên mang đến làn gió mới và tinh thần, thái độ làm việc mới; nâng cao chất lượng về chất lượng nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác trong và ngoài nước,... tạo nên những ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu xã hội như: Kinh tế hàng không, Du lịch dịch vụ hàng không, Quản lý Khai thác cảng hàng không...
PGS TS Nguyễn Công Hoan, Trưởng khoa Du lịch và Dịch vụ Hàng không, Học viện Hàng không tại một buổi huấn luyện nghiệp vụ cho sinh viên. Ảnh: Thanh Hải
Thực hiện tự chủ để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Hiện nay, các trường đại học công lập chịu áp lực không nhỏ trong cuộc cạnh tranh nhân lực với các trường ngoài công lập vốn có nhiều lợi thế tài chính thu hút và cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao.
Một số trường đại học công lập tự chủ tài chính, đã chủ động đầu tư để thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên chất lượng. Như trường Đại học Kinh tế, Đại học Mở, Đại học Công thương, các trường thuộc khối Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh... Như: trường đại học Quốc tế, sau 15 năm, số nhà khoa học về trường tăng gấp hơn 6 lần; Đại học Công thương hiện đạt 32% giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên. Học viện hàng không có 45% đạt trình độ tiến sĩ trở lên.
PGS-TS Trần Hoài An, Chủ tịch Hội đồng Học viện Hàng không cho biết, trường bắt đầu thực hiện lộ trình tự chủ, từ năm 2022, thực hiện tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, lập đề án là đơn vị tự chủ cấp I.
Buổi đào tạo cho đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý tại Học viện Hàng không về nâng cao chất lượng đào tạo, một trong những tiêu chí quan trọng để thực hiện kiểm định chất lượng quốc tế của trường. Ảnh: Thanh Hải
Đến năm 2026, trường sẽ xây dựng xây dựng được lực lượng 600 cán bộ giảng viên. Nhờ đó, quy mô đào tạo tăng lên 15.000 sinh viên; 30 chuyên ngành hàng không và các ngành kinh tế, kỹ thuật phụ trợ khác, trong đó 30% chuyên ngành đào tạo bằng tiếng Anh, hợp tác với các trường đại học uy tín trên thế giới; Định hướng phát triển Học viện đến năm 2030, trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ngành hàng không và các ngành kinh tế kỹ thuật khác có uy tín trong nước và quốc tế.
Trong giai đoạn đầu thực hiện tự chủ, các trường còn không ít khó khăn, cơ sở vật chất cần được đầu tư xây mới, nhưng nhiều trường vẫn ưu tiên đầu tư quỹ phát triển để phát triển đội ngũ giảng viên, chất lượng, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh mới. Các chính sách thu hút và giữ chân giảng viên được đầu tư nghiêm túc sẽ giúp tăng số lượng sinh viên vào trường và mở thêm những ngành đào tạo mới, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường lao động trong tương lai.