Chỉ vài tiếng sau khi cơn bão số 3 quét qua Hà Nội, các trường học trên địa bàn đã khẩn trương bắt tay vào dọn dẹp, khắc phục hậu quả để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường vào sáng thứ hai (9/9).
Theo ghi nhận, cơn bão khiến nhiều trường học bị thiệt hại, trong đó chủ yếu là cây xanh và tường rào bị đổ, mái tôn bị tốc.
Nhiều cây xanh lâu năm bị bão số 3 quật đổ tại trường THPT Nhân Chính (Thanh Xuân).
Rất may là cây đổ ở khu vực sân trường nên không làm hư hại phòng học. Ảnh: VTV Times
Ảnh: VTV Times
Tại trường THPT Nhân Chính (quận Thanh Xuân), nhiều cây xanh lâu năm ở sân trường đã bị quật đổ. Chủ yếu cây gẫy đổ ở khu vực giữa sân trường nên không làm hư hại phòng học và cơ sở vật chất của trường. Tuy nhiên, theo Nhà trường, ngay sau khi bão đi qua, công tác dọn dẹp đã được triển khai để đón học sinh trở lại trường ngay sáng thứ 2, ngày 9/9.
Tại Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), cơn bão đã làm đổ tường bao phía sau, nhiều cây xanh lâu năm trong khuôn viên nhà trường cũng bị bật gốc, đổ ngổn ngang.
Trong khi chờ lực lượng chức năng hỗ trợ, nhà trường và các phụ huynh đã ngay lập tức phối hợp cưa, chặt các cành nhỏ, quét dọn toàn bộ khuôn viên trong trường, rà soát các trang thiết bị để công tác dạy và học được triển khai ngay từ đầu tuần (9/9).
Nhiều trường học trên địa bàn huyện Đông Anh cũng bước đầu ghi nhận những thiệt hại về tài sản, trong đó chủ yếu là cây đổ, tốc mái tôn nhà để xe, như Trường Trung học cơ sở Xuân Nộn, Trung học cơ sở Mai Lâm, Trung học cơ sở Vĩnh Ngọc. Tuy nhiên, theo thống kê ban đầu, chưa có trường nào bị thiệt hại về trang thiết bị.
Ghi nhận thông tin từ huyện Chương Mỹ, nhiều trường học tại đây cũng đang khẩn trương khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.
Các trường Trung học cơ sở Nam Phương Tiến B; Trung học cơ sở Tân Tiến đã huy động toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên đến trường cùng dọn dẹp. Còn tại Trường Trung học cơ sở Nam Phương Tiến A - ngôi trường nằm tại 'rốn lũ' của thành phố thường xuyên bị ngập lụt, toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên đã tới trường vừa dọn dẹp, xử lý cây xanh gãy đổ, vừa triển khai các giải pháp sẵn sàng khi áp thấp nhiệt đới về khiến nước sông Bùi dâng cao.
Sáng 8/9, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, các trường học trực thuộc khẩn trương rà soát, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học theo khung kế hoạch thời gian năm học do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành.
Theo chỉ đạo của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, ngay trong sáng 8/9, các đơn vị, trường học khẩn trương rà soát, thống kê các thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị… của đơn vị, báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Đồng thời, chủ động và khẩn trương tổ chức dọn vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả của bão và có biện pháp phòng, ngừa dịch bệnh, bảo đảm các điều kiện an toàn khi học sinh trở lại trường học.
Lực lượng hỗ trợ Trường THCS Hoàng Hoa Thám - Ba Đình khắc phục hậu quả sau bão. Ảnh: KTĐT
Trưởng phòng giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng các nhà trường theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, mức độ thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra và tình hình thực tế của đơn vị để chủ động quyết định thời gian học sinh trở lại trường bảo đảm thực hiện tốt khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025.
Theo kế hoạch thời gian năm học, ngày 9/9, học sinh các nhà trường bắt đầu chương trình học kỳ 1. Với các nhà trường chưa thể đón học sinh trở lại trường theo kế hoạch, ban giám hiệu nhà trường yêu cầu 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên đến trường, khẩn trương khắc phục hậu quả của bão, đồng thời chủ động có kế hoạch dạy bù cho học sinh.
Trong ngày Chủ nhật, các nhà trường đã tích cực thu dọn cành cây gãy đổ, rà soát đường điện, khơi thông hệ thống thoát nước, bảo đảm môi trường học đường thông thoáng, an toàn.
Tinh thần chung được các đơn vị, trường học quán triệt tới tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh là tuyệt đối không chủ quan với diễn biến thời tiết sau khi bão tan; duy trì lực lượng ứng trực tại trường, sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất ngờ; đồng thời thông tin tới gia đình nhắc nhở học sinh phòng tránh tai nạn thương tích khi di chuyển trên đường.
Được biết, thứ hai (9/9), hầu hết các trường học trên địa bàn TP đón học sinh trở lại học tập bình thường. Được sự đồng ý của phụ huynh, có trường chuyển sang học trực tuyến; số ít trường tiếp tục nghỉ học để đơn vị khẩn trường khắc phục hậu quả, bảo đảm tuyệt đối an toàn trước khi đón học sinh.
Thầy cô giáo, phụ huynh học sinh tại trường học thuộc huyện Mê Linh phối hợp cùng lực lượng chức năng khắc phục hậu quả của bão Yagi. Ảnh: KTĐT
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị, trường học khẩn trương rà soát, thống kê các thiệt hại (cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, tường rào, hệ thống cây xanh, cổng trường, mái tôn...) của đơn vị, báo cáo các cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí khẩn trương khắc phục các thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Đồng thời chủ động tổ chức tổng vệ sinh trường, lớp, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3; có biện pháp phòng, ngừa dịch bệnh, bảo đảm các điều kiện an toàn khi học sinh trở lại trường học.
Các trường học đảm bảo đủ điều kiện học tập an toàn thì triển khai đón học sinh quay trở lại trường học tập từ ngày 9/9/2024 (thứ Hai) theo khung kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025.
Giáo viên, nhân viên Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) dọn dẹp cây gãy đổ, vệ sinh môi trường. Ảnh: GDTĐ
Các trường học chưa đảm bảo đủ điều kiện học tập an toàn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 trước mắt chưa tổ chức dạy học cho học sinh, đồng thời có phương án báo cáo cấp có thẩm quyền khắc phục ngay những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Căn cứ điều kiện thực tiễn của nhà trường, sau khi khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra, Hiệu trưởng nhà trường báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định việc tổ chức học tập trở lại của cơ sở giáo dục đảm bảo khung kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025.
Trong thời gian chưa tổ chức dạy học, yêu cầu giáo viên đến trường để cùng các lực lượng chức năng tham gia thu dọn, tổng vệ sinh trường, lớp, khắc phục hậu quả của bão; đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch dạy bù cho học sinh.