Trong dòng chảy phát triển không ngừng của đời sống - xã hội, những giá trị lịch sử, văn hóa lại càng có một vị thế quan trọng. Nhu cầu học tập, trải nghiệm bằng việc tìm đến các di tích lịch sử, các bảo tàng ngày càng trẻ hóa và đa dạng hơn.
Trước yêu cầu của thời đại, các bảo tàng, di tích đã chú trọng thay đổi về nội dung, không ngừng đổi mới nhiều lĩnh vực hoạt động nhằm đem đến những trải nghiệm có ý nghĩa cho công chúng, đặc biệt là đưa bảo tàng trở thành nơi 'giáo dục trải nghiệm' bổ ích, lý thú.
Chân dung người đàn ông và phụ nữ dân tộc Mạ được trưng bày tại Di tích khảo cổ Cát Tiên.
Các bảo tàng, di tích ngày càng nhận được sự quan tâm tìm hiểu của thế hệ trẻ.
Di tích khảo cổ Cát Tiên (Thánh địa Cát Tiên) là một quần thể các phế tích kiến trúc bằng gạch có quy mô rất rộng lớn, trải dài khoảng 15km theo tả ngạn sông Đồng Nai từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ và Gia Viễn (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng). Kết quả khai quật khảo cổ (từ năm 1994 - 2006), nhiều phế tích kiến trúc đền tháp, mộ tháp, nhà dài, hệ thống máng nước, đường đá cổ,… đã được phát lộ. Quá trình khai quật đã tìm thấy hơn 1000 hiện vật gồm nhiều chất liệu như vàng, bạc, đồng, đá quý, gốm,… phong phú về loại hình như: ngẫu tượng Linga - Yoni, tượng thần Ganesa, thần Uma, nhẫn, hạt chuỗi, các lá vàng dập nổi hình của các vị thần, các linh vật Balamon giáo. Đặc biệt, bộ ngẫu tượng Linga – Yoni khổng lồ (Linga cao 2,1m, Yoni có cạnh dài 2,3m) được nhận định là lớn nhất Đông Nam Á. Qua loại hình kiến trúc, hiện vật tìm được cho thấy đây là một thánh địa tôn giáo ảnh hưởng Ấn Độ giáo và là dấu tích của một nền văn hóa đặc sắc trong quá khứ.
Với những giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu, Di tích khảo cổ Cát Tiên đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2014.
Bộ ngẫu tượng Linga – Yoni khổng lồ tượng trưng cho sự cân bằng âm dương, sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu.
Hiện nay, Di tích khảo cổ Cát Tiên vẫn thường xuyên đón khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu miền đất thánh và đã liên kết nhiều tour du lịch cho du khách từ Vườn quốc gia Cát Tiên đi xuyên rừng sang tham quan khu di tích. Đặc biệt, Ban quản lý đã triển khai nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn và bổ ích cho học sinh.
Chị Trần Thị Anh Phương, Hướng dẫn viên tại Di tích khảo cổ Cát Tiên chia sẻ: 'Đơn vị mình đã xây dựng những chương trình giáo dục phù hợp với từng đối tượng học sinh. Ví dụ học sinh tiểu học có thể vẽ tranh kỹ thuật theo các hiện vật có ý nghĩa, học sinh cấp 2 có thể trải nghiệm phục hồi hình dáng cũ trên gốm, gạch cũ xây đền hay chinh phục đền thiêng. Chúng mình xây dựng các bộ câu hỏi về di tích khảo cổ Cát Tiên để các em giải đáp, điểm đến cuối cùng sẽ là đền thờ 1A.'
Được biết, từ chương trình đầu tiên được thực hiện cho Trường THCS Quảng Ngãi nhận được sự tương tác rất tốt của các em học sinh, đến nay hoạt động này đã dần dẫn lan tỏa tới các trường học khác trên địa bàn đăng ký cho các em tham gia trải nghiệm.
Học sinh trải nghiệm vẽ và nặn đất để tìm hiểu di tích khảo cổ Cát Tiên.
Thông qua các hoạt động thực tế, học sinh còn rèn luyện được nhiều kỹ năng cần thiết, như kỹ năng quan sát, kỹ năng tổng hợp xử lý thông tin, kỹ năng phối hợp làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống,... Trong thời gian tới, Bảo tàng Lâm Đồng sẽ chú trọng nghiên cứu, xây dựng thêm nhiều các hoạt động trải nghiệm mới, mở rộng đối tượng phục vụ như sinh viên, khách du lịch, để họ có nhiều sự lựa chọn khi đến tham quan di tích.