Tại Hà Nội, việc tổ chức phân luồng cho học sinh để học nghề được chính quyền hết sức quan tâm thực hiện. Cũng vì thế nên những bạn học nghề sau bậc THCS trên địa bàn Thủ đô, tại các trường Trung cấp và Cao đẳng, đều có thể được hưởng chính sách miễn học phí, từ tiền ngân sách theo quy định chung, nếu các em có nhu cầu và đăng ký học.
Tuy nhiên, qua thông tin cung cấp từ khán giả là giáo viên và một số học sinh gửi tới phóng viên của Chuyển động 24h, thì có một câu chuyện kì lạ đang diễn ra tại trường THPT Chu Văn An, huyện Đông Anh. Đó là các học sinh trong trường dù không phải đối tượng của Chương trình đào tạo 9+, vẫn học văn hóa toàn thời gian như các học sinh THPT khác, nhưng lại được cấp bằng nghề trung cấp… từ một ngôi trường Trung cấp khác.
Và để đảm bảo việc học tập của các em học sinh đã trực tiếp phản ánh câu chuyện nói trên không bị ảnh hưởng, chúng tôi xin phép được giữ kín danh tính và hình ảnh của các em cũng như của cả giáo viên.
Không học nhưng vẫn được cấp bằng nghề trung cấp
Hai cựu học sinh trường THPT tư thục Chu Văn An, huyện Đông Anh, Hà Nội vừa tốt nghiệp THPT vào tháng 7 vừa qua. Ngoài bằng tốt nghiệp, theo chia sẻ của học sinh, các em còn được cấp thêm một bằng trung cấp nghề Tiếng Anh do trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long ký.
Một cựu học sinh Trường Liên cấp Chu Văn An, huyện Đông Anh, Hà Nội chia sẻ: 'Bằng trung cấp Trường Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long này em được cấp 23/10/2023. Bên trường Bắc Thăng Long sang bên trường em và cho tất cả học sinh khối 12 kiểm tra. Mỗi tuần có 2 buổi học nghề, nhưng mà không được học'.
Nhiều học sinh trường THPT Chu Văn An của các khóa học từ năm 2020 đến nay cho biết, khi bước vào lớp 10, các em đã ký vào một danh sách tham gia học nghề do giáo viên chủ nhiệm đưa tới, chỉ với một lựa chọn duy nhất là Trung cấp nghề Tiếng Anh. Dĩ nhiên, các em vẫn phải học đầy đủ chương trình giáo dục THPT như bình thường.
Một học sinh lớp 12 Trường THPT Chu Văn An, huyện Đông Anh, Hà Nội giấu tên cho hay: 'Đợt thi nghề cuối của trường Bắc Thăng Long, bọn em thi khoảng tháng 4-5/2024. Nhà trường sẽ cấp bằng đầu năm 2024-2025, sắp tới em sẽ được nhận bằng nghề'.
'Các cô bên trung cấp nghề vào để giám sát bọn em thi. Lúc đấy e cũng không biết em thi kiểu gì. Xong rồi thầy cô hướng dẫn cách thi, đề cương đã gửi từ trước rồi. Mấy bài thi y hệt đề cương, mở đề cương ra là mình chép được luôn ấy, lần nào cũng thế', một em khác cho biết.
Cũng theo lời kể của học sinh khối 11 năm nay, tới kỳ thi, đích thân các giáo viên trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long đã qua trường THPT Chu Văn An để tổ chức cho học sinh làm bài.
Một khảo sát nhỏ cho thấy, đúng là cũng có không ít học sinh của trường THPT Chu Văn An có ý định học nghề, chứ không nhất thiết phải học đại học. Nhưng tấm bằng Trung cấp nghề Tiếng Anh mà các em được cấp, cũng chưa thể giúp gì được các em.
Nếu như những thông tin phản ánh từ học sinh và giáo viên nói trên là hoàn toàn chính xác, thì thực sự khá kì lạ. Dĩ nhiên, từ phía học sinh thì vì các em không phải học, không phải đóng học phí, như các em đã kể, nên việc có thêm một tấm bằng Trung cấp nghề Tiếng Anh, cũng chẳng ảnh hưởng gì. Nhưng từ phía giáo viên thì có thể hiểu được việc thỉnh thoảng bị gián đoạn thời gian học chính khóa của chương trình THPT vốn đã khá nặng, thì… cũng khá phiền toái. Và quan trọng hơn cả, nếu những thông tin phản ánh trên là chính xác, thì việc đối tượng không thuộc diện thụ hưởng chính sách hỗ trợ học nghề mà vẫn được thụ hưởng, thì ngân sách có nguy cơ bị lãng phí.
Để hiện thực hóa chủ trương phân luồng sau cấp 2, thì Nhà nước hiện hỗ trợ hoàn toàn học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề. Tại Hà Nội, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tổng số học sinh theo chương trình 9+ được miễn học phí của tất cả các trường Trung cấp, Cao đẳng trên địa bàn Thủ đô.
Tăng số lượng học sinh thụ hưởng
Như năm 2021 là trên 15 nghìn học sinh. Năm 2022 là gần 20,5 nghìn học sinh. Năm 2023 là gần 22 nghìn học sinh. Luật Thủ đô vừa được thông qua hồi tháng 6 này cũng có quy định về 'hỗ trợ học phí học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng'. Như vậy có thể thấy, tâm huyết và ngân sách để đầu tư cho chính sách đào tạo nghề của cấp chính quyền là không hề nhỏ. Nên việc áp dụng thế nào cho đúng quy định, đúng đối tượng là điều rất cần thiết.
Học sinh THPT nhận bằng trung cấp nghề, nhà trường phủ nhận
Ban đầu, trong vai phụ huynh có nhu cầu cho con học nghề sau bậc THCS, nhóm phóng viên VTV đã tới tìm hiểu ở phòng tuyển sinh của Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long.
Theo lời giới thiệu, trường Trung cấp này hiện đang đào tạo 23 nghề. Đại diện phòng tuyển sinh chia sẻ, nhà trường có phối hợp đào tạo nghề với trường THPT Chu Văn An - ngôi trường nằm ngay đối diện cổng trường nghề.
Đại diện phòng tuyển sinh Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội nói: 'Chu Văn An quản lý về cấp 3, còn bên em thì quản lý nghề. Có nghĩa là bên em phối kết hợp với trường Chu Văn An để dạy nghề theo nghị định 97, có nghĩa là phân luồng học sinh. Đối tượng do Nhà nước chi trả'.
Tuy nhiên, vài ngày sau đó, nhóm phóng viên VTV đã liên hệ trực tiếp với ban giám hiệu nhà trường sau khi ghi nhận câu chuyện tại trường THPT Chu Văn An thì câu trả lời lại ở hướng ngược lại.
Còn từ phía trường THPT Chu Văn An, huyện Đông Anh cũng khẳng định nội dung tương tự. Đó là trường không hề biết thông tin về những tấm bằng trung cấp nghề được cấp cho học sinh trong trường.
Ông Hoàng Văn Luận, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, Đông Anh, Hà Nội khẳng định: 'Chúng tôi không được tiếp xúc với phôi bằng như thế này. Trường được giao nhiệm vụ giáo dục theo chương trình phổ thông cho nên chỉ đào tạo văn hóa THPT theo quy định. Không có bất kỳ một chương trình hợp tác nào như phóng viên trao đổi'.
Kiểm tra ngay tại lớp học, học sinh xác nhận là có học nghề miễn phí, trong khi cả hai nhà trường đều kiên quyết phủ nhận điều này.
Trả lời các thắc mắc của phóng viên Chuyển động 24h về đối tượng được miễn học phí học nghề, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội khẳng định, trong công văn số 2817 năm 2018 của Bộ lao động Thương binh và Xã hội và công văn số 2309 của Sở lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội về việc khuyến khích đào tạo chương trình Cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS đều nhấn mạnh: Để nâng cao chất lượng đào tạo, đề nghị các trường không tổ chức đào tạo trình độ trung cấp cho học sinh đồng thời đang theo học tại các trường THPT.
Theo danh sách tổng số học sinh được miễn học phí cũng như kinh phí cấp cho trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long do Sở Lao động, thương binh và xã hội Hà Nội cung cấp cho phóng viên, kinh phí cho dạy nghề sau THCS năm 2023 của trường là trên 16 tỷ đồng, đã tăng gấp đôi so với năm 2019. Theo công bố trên website nhà trường, trường này hiện liên kết đào tạo với rất nhiều Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội như Đông Anh, Ba Vì, Sóc Sơn, Hoài Đức, Gia Lâm…
Liệu có hay không những bất thường trong liên kết đào tạo nghề giữa trường trung cấp nghề và trường THPT? VTV sẽ tiếp tục liên hệ với cơ quan chức năng và các trường liên quan để làm rõ thêm các thông tin về vấn đề này để gửi tới quý độc giả.