Hành trình khởi nghiệp ở nước ngoài không phải lúc nào cũng thuận lợi, thế nhưng Nguyễn Văn Thuần càng làm càng say mê.
Đi một ngày đàng...
Sở thích từ bé của Thuần là máy móc, cơ khí, song sau khi tốt nghiệp THPT thì hoàn cảnh gia đình lúc đó không cho phép anh theo đuổi đam mê. Chàng trai 9X vào TP HCM mưu sinh.
Khởi đầu của Thuần ở thành phố năng động này là làm bếp và qua thời gian, anh nhận ra nghề đã chọn mình. Anh yêu nghề hơn khi hiểu rằng ăn không chỉ để no mà còn để chăm lo sức khỏe. Nghề bếp cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng. Anh vui khi làm nên bữa ăn ngon, giàu dinh dưỡng và bắt mắt.
Nguyễn Văn Thuần (trang phục đầu bếp) khao khát quảng bá ẩm thực Việt Nam nơi xứ người
Thuần theo học Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn. Giai đoạn học tại đây giúp ích anh rất nhiều. Nhờ sự dìu dắt tận tình của thầy cô, được thực hành và cọ xát thực tế giúp anh thêm tự tin và đặt ra mục tiêu phấn đấu cho bản thân. Tốt nghiệp, Thuần có chuyến xuất ngoại đầu tiên đến Myanmar. Chàng đầu bếp dốc sức làm việc, tích cóp vốn liếng. Nửa năm sau, anh về nước và khởi nghiệp với một quán ăn chuyên về đồ nướng. Tuy vậy, ông chủ trẻ đã phải sang nhượng lại 'đứa con tinh thần' chỉ sau 8 tháng hoạt động bởi sự hạn chế về kinh nghiệm. Khởi nghiệp thất bại, Thuần trở lại công việc làm bếp cho các nhà hàng.
Thành quả của sự kiên trì
Thất bại đầu đời không khiến Thuần nản chí. Anh quyết định xuất ngoại lần thứ 2 với đích đến là Nhật Bản. Trải qua vòng sát hạch đầy cạnh tranh với nhiều đầu bếp giàu kinh nghiệm từ khắp các tỉnh, thành, Thuần là một trong 5 thí sinh được chọn. Miệt mài làm việc và ham học hỏi, nên Thuần nâng cao được tay nghề. Ngay thời điểm anh gặp thuận lợi về mọi mặt thì dịch COVID-19 bùng phát. Sau dịch, nhiều nhà hàng, cơ sở kinh doanh thực phẩm phải đóng cửa. Đó cũng là lúc Thuần quyết tâm gầy dựng thương hiệu Việt trên đất khách. 'Ẩm thực Việt Nam ngày càng được bạn bè quốc tế quan tâm. Tôi khao khát mang đến cho bạn bè thế giới cảm nhận về ẩm thực Việt' - Thuần bộc bạch.
Nhà hàng Thuần Việt có thực đơn phong phú với nhiều món ăn đặc trưng cả ba miền Bắc – Trung – Nam
Sau quá trình chăm chỉ gầy dựng, Thuần và cộng sự hiện sở hữu 2 nhà hàng và 1 cơ sở chuyên sản xuất các món ăn liền như giò chả, bánh mì và đồ ăn vặt Việt Nam ngay tại Tokyo. Các nhà hàng có quy mô vừa và nhỏ rất tiện lợi với thực đơn đầy đủ ẩm thực ba miền, cung cấp lựa chọn phong phú như: vịt quay mắc mật, khâu nhục, bún chả, bún đậu mắm tôm, bún bò, bánh mì các loại nhân khác nhau, phở, bánh xèo, bánh khọt, bún mắm…
Thuần cho biết: 'Người Nhật thường sử dụng đủ ngũ quan (thị giác, xúc giác, khứu giác, vị giác lẫn thính giác) để trải nghiệm trọn vẹn khi dùng bữa. Một quản lý người Nhật trước đây còn dạy tôi chú trọng hình ảnh'. Khi kinh doanh nhà hàng, Thuần rất am hiểu nguồn gốc, xuất xứ, đặc trưng của từng món ăn. Anh nghiên cứu, chăm chút tỉ mỉ để có quy trình hợp lý, tìm công thức phù hợp. Đa số nguyên vật liệu có thể tìm được ở nước sở tại nhưng cũng có những nguyên liệu, gia vị đặc trưng phải đưa từ Việt Nam qua. Tất cả nỗ lực là để món ăn được thực hiện sao cho nguyên bản nhất như ở Việt Nam. Nhà hàng mang tên Thuần Việt này còn có cách bày biện, trang trí tinh tế; cung cách phục vụ ân cần, 'Vui lòng khách đến vừa lòng khách đi' cũng là điểm cộng nên ngày càng thu hút khách. Không chỉ giúp bà con kiều bào vơi nỗi nhớ quê hương, nhà hàng của anh còn góp phần tích cực giới thiệu bức tranh đa sắc màu của văn hóa ẩm thực nước nhà đến dân bản xứ.
Ngày lên đường xa xứ lập nghiệp, Thuần mang theo 7 lá cờ Tổ quốc trong hành lý bởi số 7 là con số may mắn, gắn với nhiều kỷ niệm trong cuộc đời. Anh đã treo Quốc kỳ ở 3 cơ sở kinh doanh của mình tại Nhật Bản để bày tỏ tấm lòng hướng về quê hương, nguồn cội. Anh mơ ước lan tỏa sâu rộng thương hiệu Việt Nam nơi xứ người, chinh phục thật nhiều thực khách bản địa ở một quốc gia có bề dày văn hóa và tinh hoa ẩm thực thuộc tốp đầu thế giới. Chặng đường còn dài song Thuần không e ngại, anh vẫn nỗ lực để quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới.