Áp lực của học sinh đối với kỳ thi này không chỉ đến từ sự cạnh tranh mà còn từ kỳ vọng của phụ huynh khi luôn mong muốn con mình giành được 'tấm vé' vào ngôi trường Trung học Phổ thông công lập tốt nhất.
Áp lực cạnh tranh lớn
Giờ ôn tập môn Ngữ Văn của học sinh lớp 9 trường THCS Dương Xá, huyện Gia Lâm. Ảnh tư liệu: Thanh Tùng/TTXVN
Tại Hà Nội, trong khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp Trung học Cơ sở năm học 2021-2022, chỉ 77.000 em có cơ hội vào trường Trung học Phổ thông công lập (chiếm 60%). Còn lại 27.000 học sinh sẽ vào các trường tư thục, 25.000 em học giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên…
Năm học 2022-2023, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có gần 93.000 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh tại các trường Trung học Phổ thông công lập trên địa bàn là 72.800. Điều đó đồng nghĩa hơn 20.000 học sinh sẽ không có cơ hội học lớp 10 công lập.
Trước áp lực cạnh tranh cao, cùng với việc học sinh lớp 9 năm nay phải trải qua một thời gian dài học trực tuyến do dịch COVID-19 nên càng gần ngày thi, học sinh càng lo lắng, phụ huynh thì 'đứng ngồi không yên'. Nhiều em phải chạy như 'con thoi' giữa các lớp học thêm để củng cố kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.
Hàng ngày, sau khi kết thúc giờ học trên lớp, anh N.V.T đưa con từ Thanh Trì (Hà Nội) đến một câu lạc bộ có tiếng tại quận Thanh Xuân học thêm Toán, Văn, Ngoại ngữ để thi vào lớp 10. Đường khá xa, lại đúng giờ tan tầm nên hai bố con phải rất vất vả mới kịp giờ vào học. Con vào học, anh lại ngồi chờ 2 tiếng để đón con về.
Anh N.V.T tâm sự: 'Thấy con học nhiều cũng thương lắm, nên hàng ngày, tôi phải sắp xếp công việc để đưa đón, đồng hành cùng con. Tôi không quá gây áp lực cho con nhưng bản thân con cũng muốn nỗ lực để được bằng các bạn và vào được trường con thích'.
Cùng có con đang theo học tại câu lạc bộ này, chị N.T.L (Cầu Giấy, Hà Nội) lại cho rằng: 'Hiện nay, ngoài trường công, Hà Nội cũng có nhiều trường dân lập nhưng những trường thực sự chất lượng thì còn ít, học phí cũng khá cao. Con vừa học xong lớp 9 cũng chưa đủ trưởng thành để hướng con theo học các trường nghề nên tôi phải động viên con cố gắng. Vượt qua kỳ thi này, con đường phía trước sẽ thuận lợi hơn rất nhiều'.
Có thể nói, với tâm lý phổ biến trong xã hội hiện nay của hầu hết các gia đình, đó là con học hết Trung học Cơ sở là phải vào Trung học Phổ thông, hết Trung học Phổ thông là phải vào Đại học nên việc vào được lớp 10 trở thành mục tiêu tối thượng của học sinh và cũng là kỳ vọng lớn nhất của các bậc phụ huynh. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến thí sinh và các bậc phụ huynh thấy nặng nề, căng thẳng khi kỳ thi đang cận kề.
Nhiều cánh cửa để lựa chọn
Trên thực tế, vẫn còn nhiều cánh cửa cho học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở lựa chọn để học tiếp lên bậc học cao hơn hoặc đi học nghề. Hiện nay, hệ thống trường Trung học Phổ thông ngoài công lập đã phát triển với nhiều mô hình, có sự đầu tư về cơ sở vật chất, đa dạng về mức học phí để phụ huynh và học sinh lựa chọn. Cùng với đó, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề cũng đang đổi mới tích cực với nhiều hình thức học tập kết hợp dạy nghề để thu hút học sinh, góp phần 'hạ nhiệt' cho kỳ tuyển sinh vào lớp 10 công lập.
Chị D.P.L (Nam Từ Liêm - Hà Nội) có con vừa kết thúc năm học lớp 10 tại một trường Trung học Phổ thông dân lập ở Hà Nội chia sẻ: Nhìn lại cả quá trình học tập của con và nhất là sau một năm học lớp 10, mẹ con chị đều thấy hướng lựa chọn khi không dự thi vào lớp 10 công lập mà nộp hồ sơ xét tuyển vào trường dân lập cách đây một năm là hoàn toàn đúng đắn.
N.H (con chị D.P.L) là học sinh có học lực khá tốt trong nhiều năm và rất đam mê thể thao, đặc biệt là bóng rổ. Vì vậy, sau khi bàn bạc, trao đổi, chị D.P.L đã định hướng cho con không dự thi vào lớp 10 công lập để giảm áp lực thi cử. Thay vào đó, chị đăng ký cho con xét tuyển vào một trường Trung học Phổ thông dân lập có hệ bóng rổ bán chuyên nghiệp. Ở môi trường này, con vừa được học tập kiến thức theo chuẩn chương trình giáo dục phổ thông vừa được theo đuổi đam mê với sự dẫn dắt của đôi ngũ huấn luyện viên, vận động viên có bề dày kinh nghiệm giảng dạy và thi đấu chuyên nghiệp. Nhờ đó, con rất tự tin khi được phát triển bản thân mà không quá áp lực, căng thẳng bởi kỳ thi chuyển cấp.
Lựa chọn cho con học hệ giáo dục thường xuyên và học thêm nghề làm tóc từ năm lớp 11, đến nay, chị Đ.T.A (Thanh Xuân - Hà Nội) rất hài lòng khi kể chuyện về cậu con trai 20 tuổi đã tự tin lập nghiệp. 'Con có lực học trung bình, từ nhỏ, các môn học đều không mấy hứng thú nên khi học hết lớp 9, cả nhà đã thống nhất không tiếp tục cho con thi vào lớp 10 công lập. Năm lớp 11, con bày tỏ ý định đi học thêm nghề làm tóc, tôi đã đồng ý. Ngoài việc đi học văn hóa, con tranh thủ đi làm để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, gia đình tôi đã quyết định đầu tư một khoản tiền cho con mở một tiệm làm tóc nho nhỏ. Đến nay, con đã tự kiếm tiền nuôi sống bản thân, với mức thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng' - chị Đ.T.A tâm sự.
Chị Đ.T.A cũng bày tỏ: Nếu mấy năm trước, bố mẹ không định hướng và ủng hộ con mà cố bắt con đi theo con đường học Trung học Phổ thông rồi vào đại học, chắc đến giờ con vẫn loay hoay, bố mẹ vẫn phải 'nuôi dài'.
Do vậy, trước sức cạnh tranh quá lớn vào lớp 10 công lập, các phụ huynh cần thay đổi cách nhìn nhận để không tạo áp lực quá lớn cho con, dẫn tới việc định hướng sai, vừa mất thời gian, tiền bạc, sức lực vừa ảnh hưởng đến hướng đi của con mình trong tương lai.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: Các bậc phụ huynh cần hiểu đúng năng lực của con em mình để quyết định mở cánh cửa nào phù hợp nhất cho tương lai các em. Thực tế hiện nay, nhiều phụ huynh 'sính' trường công và coi việc phải vào trường công mới danh giá nhưng lại không quan tâm đến việc trường đó có phù hợp với con mình hay không.
Học tại trường tư thục, các em vẫn được học kiến thức, kinh nghiệm sống không thua kém các trường công lập. Thậm chí, với các trường được đầu tư bài bản, học sinh còn được trải nghiệm tốt hơn. Cơ hội vào đại học vẫn rộng mở với những học sinh có quyết tâm và ý chí học tập. Đối với các em không có nguyện vọng học tiếp lên đại học, thì việc học nghề theo mô hình 9+ cũng được xem là một 'ngã rẽ' phù hợp khi hầu hết trường trung cấp hay cao đẳng hiện nay đều đã triển khai hệ đào tạo này.