Khi thầy là 'cô'
Mùng 3 Tết Thầy là nét đẹp truyền thống 'Tôn sư trọng đạo' của người Việt. Với ý nghĩa 'nhất tự vi sư, bán tự vi sư' (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Và mỗi chúng ta đều không thể quên ơn của những thầy cô giáo đặt nền móng từ thuở mầm non.
Nói đến bậc học mầm non, nhiều người thường nghĩ đến hình ảnh các cô giáo trẻ hát hay, múa dẻo. Nhưng giờ đây, ở chính những lớp học mầm non ấy còn có bóng dáng những người thầy đang từng ngày tận tụy săn sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, miệt mài gieo con chữ cho các bé.
Họ được gọi là là những 'người thầy đặc biệt', những đóa hoa có thể là không mềm mỏng nhưng vẫn tỏa ngát hương, những bông hoa lạ đang ngày ngày miệt mài gieo chữ nơi vùng cao. Thầy giáo Lữ Văn Kế (13 năm công tác) - Trường mầm non Kỳ Tân, Bá Thước, Thanh Hóa, thầy giáo Bùi Văn Anh (5 năm công tác) - trường mầm non Hạ Trung, Bá Thước, Thanh Hóa, thầy giáo Hà Văn Hặc (31 năm công tác) - trường mầm non Văn Nho, Bá Thước, Thanh Hóa là ba trong số những người thầy như thế.
Ông Hà Tự Nhiên, Trưởng phòng Giáo dục huyện Bá Thước, Thanh Hóa cho biết: 'Cả tỉnh Thanh Hóa có số lượng thầy giáo ở bậc mầm non là 60 thầy. Riêng Bá Thước là 18 thầy. Huyện Bá Thước có lượng giáo viên mầm non là thầy chiếm tỉ lệ cao nhất tỉnh Thanh Hóa hiện nay. Điều này cũng là khác biệt đối với giáo dục Bá Thước hiện nay'.
Vận động trò đi học
Đường xa lại không có xe máy, từ trường đến nhà phải cuốc bộ hơn 2 tiếng đồng hồ nên một số người gói cơm theo ăn trưa để đợi đến chiều đưa con về luôn một thể, vì đi đi lại lại không kịp mà lại mệt. Nhiều gia đình khó khăn nên các thầy phải vất vả đến tận nhà để vận động và giúp đỡ nhiều để đưa bé đến lớp.
Gian nan của nghề
Thầy giáo Bùi Văn Anh (5 năm công tác), Trường mầm non Hạ Trung, Bá Thước, Thanh Hóa chia sẻ, ở cấp bậc mầm non không chỉ là dạy các cháu, mà còn chăm sóc, nuôi dưỡng. Ăn, ngủ, bới tóc, quần áo, vệ sinh, các thứ.. thầy cô đều phải theo sát ở bên.
'Khó khăn nhất ở cấp mầm non là khi phải dỗ các cháu. Mình phải định hình được, quan sát được cháu nào dỗ được nhanh nhất thì mình phải cho cháu đó nín đi. Còn cháu nào khó nhất phải để sau. Chứ lại không được dỗ cháu khó nhất. Đó là kinh nghiệm' - thầy Văn Anh chia sẻ.
Cô giáo Phạm Thị Dung - Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Kỳ Tân, Bá Thước, Thanh Hóa cho biết, nhiều gia đình cho con vào lớp có thầy giáo sợ thầy giáo không chăm được, sợ thầy giáo chăm không cẩn thận. Cũng có người lên nói chuyện với Ban giám hiệu muốn đổi lớp. Nhưng các thầy giáo chăm các con từ đôi tất, nhắc nhở phụ huynh cho con đi tất. Từ những hành động rất nhỏ thôi nhưng phụ huynh cảm nhận được tấm lòng của các thầy.
Cô Dung cho biết, trường mầm non Kỳ Tân bây giờ, các phụ huynh không còn ai dị nghị mà rất quý các thầy.
Chính việc làm của các thầy đã xóa bỏ được cái định kiến của xã hội về việc giáo viên mầm non là nam giới.
Giữ lửa với nghề tay trái
Cô giáo Phạm Thị Dung, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Kỳ Tân, Bá Thước, Thanh Hóa cho biết, không vì các thầy là đàn ông mà các thầy chểnh mảng công việc. Các thầy nhiệt tình, chịu khó giống như chị em. Bên cạnh đó, các thầy còn có một thế mạnh là đấng nam nhi nên những việc nặng, những việc khó mà chị em không thể làm được thì các thầy lại làm được.
Khi tan trường, các thầy thường tranh thủ làm thêm các nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập như chuyển cá tươi, cá khô...
Thầy giáo Bùi Văn Anh cho biết: 'Nếu không có việc đồng áng chăn nuôi này khả năng không ổn định được. Ít nhất phải có 1 người làm thêm, chứ còn không là không trụ được với nghề. Cố gắng thôi chứ biết làm sao. Nghề đã chọn người rồi'.
Thầy Bùi Văn Anh.
'Năm 2023 đang đến, xin gửi đến các thầy và nhất là các thầy trong công tác giáo dục mầm non có sức khỏe tốt, mãi mãi là vừa là thầy, vừa là cô, vừa là cha, vừa là mẹ cho các con ở trường mầm non để phụ huynh tin tưởng và các con luôn gần gũi với các thầy' - Ông Hà Tự Nhiên, Trưởng phòng Giáo dục huyện Bá Thước, Thanh Hóa bày tỏ.
Hiện nay, cả nước có gần 370.000 giáo viên mầm non, giáo viên nam chiếm 0,17% tương đương 645 thầy.
'Ơn thầy soi lối mở đường
Cho con vững bước dặm trường tương lai'