Tạ Cương, Thạc sĩ tâm lý học giáo dục của Đại học Sư phạm Bắc kinh, Tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Temple, Hoa Kỳ, hiện đang phụ trách mảng tâm lý trường học tại Mỹ cho rằng: Trẻ học giỏi không nhất thiết phải có chỉ số IQ cao. Tính cách, thái độ học tập, hành vi quản lý thời gian của trẻ chính là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả học tập.
Nhiều năm chịu trách nhiệm chính trong việc đánh giá, chẩn đoán và tư vấn tâm lý giáo dục, tiếp xúc với hơn 1.000 trường hợp, TS này nhận thấy hơn 85% các vấn đề về học tập do nhiều nguyên nhân khác nhau, không phụ thuộc bởi IQ.
IQ cao không có nghĩa là học giỏi
'Khi một đứa trẻ gặp bất kỳ vấn đề gì trong học tập, công cụ đầu tiên của chúng tôi là bài kiểm tra IQ. Khi tôi mới bắt đầu làm việc, thông qua bài kiểm tra IQ kéo dài hai giờ, tôi có thể liệt kê rõ ràng khả năng của trẻ, điểm nào yếu điểm nào mạnh cho phụ huynh. Tuy nhiên, tôi sớm phát hiện ra rằng nhiều trẻ em không có vấn đề gì về trí tuệ, nhưng chúng lại gặp nhiều vấn đề về học tập trong lớp', ông Cương nói.
Càng về sau, TS càng phát hiện ra rằng trí thông minh giúp ích cho việc học, nhưng chỉ là một trong những số đó. Dựa trên những quan sát của riêng mình, TS đã tóm tắt ba điểm quan trọng nhất:
Một là tính cách của đứa trẻ;
Thứ hai là thái độ học tập;
Thứ ba là thói quen hành vi như quản lý thời gian.
Tìm hiểu tính cách của trẻ
Một số phụ huynh chia sẻ khi con họ được sáu hoặc bảy tuổi, chúng đã bắt đầu có biểu hiện chán học, điều này rất bất thường. Giai đoạn này là lúc sự khao khát kiến thức và tính tò mò của trẻ mạnh nhất, nếu trẻ chán học thì chắc chắn nội dung học có khoảng cách lớn với đặc điểm năng lực tiếp thu của trẻ.
Các mô hình giáo dục truyền thống chú trọng nhiều hơn vào kỹ năng nghe hiểu và xử lý, nhưng nhiều trẻ em cần những cách học khác.
Nghiên cứu tâm lý giáo dục của Mỹ cho thấy những người học giỏi bằng cách lắng nghe (Auditory Learners) chiếm khoảng 30% toàn dân số. Khoảng 65% mọi người tự nhiên cần một số trợ giúp trực quan. Ví dụ học địa lý thì cần vẽ hình để nhớ rõ hơn, học lịch sử thì vẽ mốc thời gian để giúp trí nhớ thông qua thị giác. Khoảng 5% số người cần học thông qua tiếp xúc, điều này đòi hỏi phải thực hành để đạt được hiệu quả học tập tốt nhất.
'Sau 17 năm quan sát, tôi nhận thấy trẻ em có những khả năng, tính cách khác nhau và yêu cầu giáo dục truyền thống thường không phù hợp với mong đợi của cha mẹ, vì vậy cha mẹ cần quan sát và chấp nhận con nhiều hơn trong quá trình nuôi dạy chúng', ông Tạ Cương nói.
Theo biểu đồ mô hình tháp học tập: Dưới 10% các em tiếp thu tương đối nhanh bài học dưới dạng bài giảng; Hơn 50% trẻ sẽ tiếp thu và hiểu nhanh hơn trong quá trình thảo luận với người khác ; 90% trẻ sẽ tiếp thu và hiểu tốt nhất trong quá trình dạy lại cho người khác.
Vì vậy, đối với những trẻ mới bắt đầu đi học, bạn có thể chuẩn bị bảng trắng ở nhà, khuyến khích trẻ làm giáo viên, dạy lại cho gia đình những gì trẻ học được trên lớp. Điều này không chỉ nâng cao niềm vui học tập mà còn củng cố hiểu biết của trẻ.
Một điều đặc biệt cần đề cập là một yếu tố có tác động đặc biệt lớn đến việc học là sự tập trung. Và tác động của các sản phẩm điện tử đến sự tập trung là rất lớn. Trong một nghiên cứu tại Mỹ, người ta đã theo dõi 2.600 trẻ em và phát hiện ra rằng thời gian chúng dành cho các sản phẩm điện tử khi lên 2 tuổi có tác động tiêu cực đến khả năng tự kiểm soát và kỹ năng tổ chức khi lên 7 tuổi.
Vậy nên làm gì nếu đứa trẻ có thời gian tập trung tương đối ngắn?
1. Hàng ngày nghỉ ngơi đúng giờ, đảm bảo giấc ngủ đều đặn. Trạng thái giấc ngủ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tập trung của trẻ.
2. Giảm bớt những phiền nhiễu xung quanh và duy trì một môi trường học tập nhất quán. Ví dụ, ở nhà nhất định phải có một chiếc bàn học cố định, hàng ngày làm bài tập trên chiếc bàn này, hạn chế tối đa những thứ khác trên bàn.
3. Rèn luyện khả năng quan sát của trẻ một cách có ý thức. 'Hôm nay con đến nhà bà ngoại có thấy đồ đạc trong nhà có gì khác biệt không?'; 'Con đã nhìn thấy kiểu tóc, quần áo của mẹ'....
4. Xem trước và xem lại bài học.
5. Phương pháp giảng dạy đa dạng. Nếu trẻ không thể ngồi yên, có thể chia bài tập thành nhiều phần, ví dụ bài tập hôm nay có bốn trang thì chia làm bốn phần, chúng ta làm một trang trước.
6. Sử dụng một số công cụ để giúp đỡ. Nếu trẻ chỉ có thể ngồi xuống trong 5 phút, thì chúng ta đặt hẹn giờ trong 6 phút, khi đồng hồ kêu, trẻ có thể dừng lại, nghỉ ngơi, uống nước và quay lại, từ từ kéo dài thời gian này.
7. Nội dung học tập. Quá dễ hoặc quá khó đều không có lợi cho sự tập trung và sẽ ảnh hưởng đến việc học, trạng thái tốt nhất là mức độ mà trẻ có thể đạt được với một chút nỗ lực.
Thái độ học tập
Vì sao trẻ thích học?
'Tôi đã quan sát thấy nhiều trẻ thích học, bởi vì quá trình học mang lại cho trẻ cảm giác thành tựu, và sự tương tác với phụ huynh và giáo viên trong quá trình học đã củng cố các mối quan hệ lành mạnh giữa các cá nhân. Nếu hai nhu cầu tâm lý này không được đáp ứng, trẻ sẽ trốn tránh việc học', TS nói.
Tiến sĩ Carol Dweck, giáo sư tâm lý học tại Stanford, đã nghiên cứu về động lực trong 35 năm, đề xuất rằng món quà tốt nhất mà cha mẹ có thể tặng cho con cái họ là dạy chúng yêu thích những thử thách và duy trì sự khao khát kiến thức mạnh mẽ.
Có 2 yếu tố ảnh hưởng đến cảm xúc và thái độ của trẻ trước những khó khăn và thất bại. Một mặt, có sự ảnh hưởng của gen, mặt khác, nó đến từ môi trường. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Martin Seligman, một trong những người sáng lập tâm lý học tích cực tại Hoa Kỳ:
Thái độ của trẻ đối với thất bại bắt đầu hình thành vào khoảng 8 tuổi. Lúc này, sự phân tích nhân quả của cha mẹ đối với các sự kiện trong cuộc sống hàng ngày rất quan trọng.
Nếu cha mẹ giải thích những điều tốt một cách lâu dài, khái quát và mang tính cá nhân, chẳng hạn như 'Kỹ năng giao tiếp của con rất tốt, mẹ đã bị con thuyết phục!',... trẻ sẽ dần dần hình thành cách giải thích lạc quan.
Nếu những lời giải thích về thất bại của cha mẹ mang tính dài dòng, chung chung, chẳng hạn như 'Chỉ là con kém trí nhớ thôi!', 'Con gái học Toán thường không tốt!'…, trẻ sẽ dần hình thành cách giải thích bi quan.
Tiến sĩ Duek đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu về điều này. Cô lặp đi lặp lại thí nghiệm này ở các độ tuổi khác nhau và thấy rằng kết luận cuối cùng là như nhau:
Nếu trẻ thường xuyên được khẳng định, động viên trong quá trình học tập chăm chỉ thì trẻ sẽ càng sẵn sàng cố gắng, nỗ lực hơn khi đối mặt với những nhiệm vụ khó khăn.
Các yếu tố thói quen
Yếu tố cuối cùng ảnh hưởng đến việc học tập là các hành vi có thể nhìn thấy từ bên ngoài, đặc biệt là quản lý thời gian, tinh thần trách nhiệm, tự chủ,... Có 3 lưu ý sau:
1. Sử dụng thời gian cố định để làm bài. Khi trẻ đi học về, hãy nghỉ ngơi, ăn gì đó và làm điều trẻ thích. Có thể là nghe nhạc, chơi bóng... chuyển vùng hoạt động của não bộ để giảm mệt mỏi. Sau đó, phải có một nơi cố định và một thời gian cố định để làm bài tập.
2. Cần thảo luận và hoàn thành nội quy dành cho trẻ trong độ tuổi đi học. Bạn có thể hỏi con rằng chúng ta có nên làm Toán hoặc đọc trước khi ăn không, và sau đó chúng ta sẽ làm phần khác sau khi ăn. Bằng cách này, bài tập về nhà có thể được tách ra để trẻ không mất quá nhiều thời gian để làm.
3. Phát triển thói quen làm việc và nghỉ ngơi tốt ở nhà. Ví dụ, cobn phải đi ngủ lúc 10 giờ tối, nếu không làm xong bài tập về nhà trước 10 giờ, cả nhà vẫn phải tắt đèn. Ngày hôm sau, điểm số sẽ bị ảnh hưởng, kết quả là con phải tự gánh chịu. Đây là một cơ hội tốt để học hỏi, đến ngày hôm sau, đứa trẻ sẽ chăm chú hơn và hoàn thành mọi việc trước 10 giờ.
Việc trẻ mắc sai lầm trong học tập, không tự giác, tự chủ, quản lý thời gian là điều hết sức bình thường. Hãy giúp trẻ cảm nhận được mối quan hệ thân thiết với cha mẹ, thầy cô, cảm thấy được tôn trọng, có cảm giác thân thuộc. Khi những nhu cầu tâm lý cơ bản của trẻ được thỏa mãn, trẻ sẽ sẵn sàng phát huy tiềm năng của mình hơn.