Điều này đã khiến học sinh khá hoang mang, lo lắng khi phải thay đổi cách học mà chưa có bộ đề minh họa.
Theo thông tin mới nhất từ TS Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), vào tháng 4/2017 thí sinh sẽ được làm đề thi thử nghiệm với tất cả các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Có thể tin cậy tính chính xác của đề thi
TS. Sái Công Hồng cho hay: 'Sau khi thẩm định và câu hỏi được chuẩn hóa, 100% số câu hỏi đã biên tập, lựa chọn trước khi tiến hành thử nghiệm.
Bộ GD&ĐT sẽ cho chạy thử nghiệm đề thi vào cuối tháng 4, khi học sinh đã hoàn thành chương trình học tập toàn khóa, để phân tích đề thi và cân bằng độ khó giữa các đề thi, đảm bảo các đề có độ khó tương đương.
Đối với mẫu thử nghiệm sẽ được chọn đa dạng đối tượng, vùng miền. Kết quả bài làm của học sinh qua các đợt thử nghiệm sẽ được phần mềm khảo thí chuyên dụng phân tích, từ đó nhận định các thông số định chuẩn của các câu hỏi và các đề thi.
Những câu hỏi không đạt độ tin cậy (do quá sức thí sinh, do không nằm trong chương trình, do sai kiến thức không giải được…) sẽ được hiển thị trên kết quả phân tích và lập tức được xem xét lại hoặc loại bỏ. Bởi vậy với quy trình này, chúng ta có thể yên tâm vì khó có thể lọt lưới các câu hỏi thi được thiết kế thiếu chính xác.
Hơn nữa, đây mới chỉ là hoạt động xây dựng ra ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Khi tổ chức thi, Bộ GD&ĐT còn thành lập hội đồng đề thi là các chuyên gia môn học có kinh nghiệm trong chuyên môn và trong công tác viết đề thi để làm việc theo hình thức cách ly hoàn toàn.
Khi phần mềm tự động tổ hợp các câu hỏi chuẩn hóa thành đề thi chính thức theo ma trận quy định, các thành viên hội đồng đề sẽ rà soát, thẩm định các đề thi chính thức và dự phòng để phục vụ cho kỳ thi (trong quy trình chúng tôi hay gọi là bước thứ 9).
Việc tổ chức thi với ngân hàng câu hỏi thi được chuẩn hóa hiện nay, do điều kiện cơ sở vật chất chưa đầy đủ, nên thí sinh làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Phiếu này sau đó sẽ được chấm bằng máy quét. Sau này có đủ điều kiện thì cũng với ngân hàng câu hỏi thi đó, thí sinh sẽ làm bài trực tiếp trên máy tính và có kết quả ngay'.
Vì sao không công bố đề thi và đáp án?
Về việc không công bố đề thi cũng như đáp án trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, TS Sái Công Hồng giải thích thêm: 'Kinh nghiệm quốc tế đối với các bài thi chuẩn hóa họ đều không công bố đề thi và đáp án sau khi tổ chức kỳ thi mà họ chỉ công bố đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm. Ví dụ như các bài thi chuẩn hóa: SAT, ACT, GMAT, TOEFL, IELTS....
Trên thế giới có rất ít tổ chức dùng đề thi chuẩn hóa lại công bố đề thi và đáp án sau khi tổ chức thi.
Trước hết phải nói rõ, năm nay mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một đề thi trắc nghiệm riêng biệt đã được chuẩn hóa. Như vậy nếu mỗi phòng thi có 24 thí sinh thì có 24 đề thi khác nhau.
Những năm trước, mỗi môn thi chỉ có một đề thi được hoán vị các hỏi để có các mã đề khác nhau. Đến nay một số người vẫn còn hiểu nhầm giữa đề thi khác nhau của năm nay với mã đề thi khác nhau của những năm trước.
Những năm trước, từ một đề thi ta có thể tạo ra 6 mã đề thi, thậm chí 24 mã đề thi khác nhau để mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi khác nhau (không phải đề thi khác nhau).
Việc công bố đề thi và đáp án trong trường hợp này hoàn toàn không có vấn đề gì. Thực tế lâu nay Bộ vẫn cho công bố đề thi, đáp án sau khi thi.
Tuy nhiên khi tổ chức thi trắc nghiệm khách quan với ngân hàng câu hỏi thi được chuẩn hóa thì mọi việc sẽ khác.
Thực tiễn ở Việt Nam trong 3 năm vừa qua, ĐHQGHN trong các kì đánh giá năng lực để tuyển sinh đầu vào cũng không công bố đề thi, đáp án. Các kết quả nghiên cứu về việc ra đề thi của ĐHQGHN cho thấy các đề thi đều tương đương về độ khó, không có việc sai sót, hay chênh lệch đề độ khó giữa các đề thi sử dụng câu hỏi đã được chuẩn hóa.
Ngoài ra, ở Việt Nam, một số trường tổ chức thi ngoại ngữ để cấp bằng tương đương trình độ B1, B2 cũng không công bố đề thi và đáp án sau khi tổ chức thi'.