Dạy thêm, học thêm: Thói quen mới cần cách nghĩ mới
Thông tư 29 đã chính thức được áp dụng gần 1 tuần nay. Những thay đổi đã lập tức được nhìn thấy khi nhiều lớp học thêm đã đóng cửa, cơ bản là giờ các em học sinh sẽ có nhiều thời gian hơn để thở, để có tuổi thơ như mong muốn của nhiều bậc phụ huynh mỗi khi nhìn vào thời khóa biểu đi học của con mình.
Nhưng cũng chính lúc này, nhiều nỗi lo mới lại xuất hiện. Trên mạng xã hội, hai trong những hội nhóm bàn luận về chuyện học hành có sự góp mặt của các ông bố bà mẹ là thấy rõ nhất.
Nhẹ nhàng thì là những lời chia sẻ nửa thật nửa đùa: 'Mấy nay mẹ con tôi quánh (đánh - PV) nhau vì việc học, giờ có cô nào nhận dạy thêm con mình, thì tôi nộp phạt cho cô luôn nhé, bí bách quá rồi'. Dưới phần bình luận, tác giả còn giải thích thêm: 'Con tôi cứ bảo mẹ dạy sai, nó không chịu nghe đây này'.
Trực tiếp kèm con học bài có vẻ như chưa bao giờ là một thử thách dễ chịu với bất kỳ ông bố bà mẹ nào, khó là thế nhưng lại không bỏ qua được. Khi cuộc sống của mỗi gia đình đều xoay quanh những đứa trẻ, việc các lớp học thêm quen thuộc đóng cửa đang thực sự tạo ra những thay đổi lớn.
Phụ huynh lúng túng khi không còn lớp dạy thêm
Chị Nguyễn Thị Mai Thủy ở quận Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ: 'Các bạn định hướng thi chất lượng cao mà không học thêm, học kiến thức bổ sung thì rất khó chọi lại được với các bạn khác. Nên bây giờ bố mẹ phải đồng hành cùng con'.
![]()
Với thông tư mới này, bố mẹ sẽ không đứng ngoài hành trình học tập của con em mình. Đồng hành cùng con sẽ là việc buộc các phụ huynh phải thích nghi.
Như thông báo mới đây của một trường Tiểu học tại Hà Nội, thay cho các lớp học thêm vừa đóng cửa, nhà trường sẽ tổ chức hoạt động trông giữ học sinh sau giờ học để phụ huynh yên tâm làm việc không phải sắp xếp thời gian đón con về sớm. Phụ huynh có nhu cầu sẽ đăng ký với giáo viên chủ nhiệm vào đầu mỗi tuần học.
Nỗi lo thứ hai là chi phí thuê gia sư sẽ cao hơn học thêm ở trường như trước đây. Thực ra có nhiều cách để học, học nhóm với bạn bè hoặc những khóa học online uy tín. Nhưng nỗi lo thứ ba mới là điều đáng quan tâm nhất khi phụ huynh lo việc: nếu không học thêm, con mình sẽ khó mà cạnh tranh được với các bạn khác trong những kỳ thi sắp tới. Và thế là việc tự ép mình mò mẫm cách học cùng con trở thành nhiệm vụ bắt buộc.
Nếu trong một tương lai xa, khi các lớp dạy thêm đã được sắp xếp theo cách thức mới, rất có thể thời khóa biểu đi học thêm của các em học sinh vẫn sẽ chi chít từ sáng tới chiều thôi bởi không quan trọng là lớp học thêm đó được tổ chức ở đâu, theo hình thức nào, mục tiêu là vượt qua những kỳ thi. Và nếu điều đó xảy ra, chẳng phải một trong những mục tiêu của Thông tư 29 là việc giảm tải áp lực học tập của các em học sinh sẽ trở nên vô nghĩa. Thế nhưng, trong một trường hợp khác: Nếu như chính các kỳ thi, việc tuyển chọn đầu vào, đầu ra của chính những ngôi trường, ngành học… cũng thay đổi thì sao? Rất có thể đó sẽ là thời điểm của những điều tích cực thực sự.
Trong rất nhiều ý kiến ngược xuôi thời điểm này, có một số người cho rằng 'cứ thực hiện nghiêm túc quy định đã, mọi việc dần sẽ ổn thôi'. Có lẽ trong bối cảnh này lời nhắn nhủ trên là xác đáng nhất, bởi khó có thể có một văn bản pháp lý nào bao phủ được hết tình huống thực tiễn, trong quá trình thực hiện, có thể sẽ bộc lộ những bất cập, khi đó sẽ có những điều chỉnh dựa trên thực tế triển khai để đạt được kết quả cuối cùng. Nhưng trước hết, quy định phải được tuân thủ trước.
![]()
Quay lại với giải pháp tức thì thời điểm này, bỗng nhiên xuất hiện khoảng thời gian trống thay cho việc đi học thêm của các em học sinh, đây rõ ràng là cơ hội để phụ huynh cùng con em mình khám phá những hoạt động mới, và cũng trở thành cơ hội phát triển của nhiều trung tâm - CLB ngoại khóa, tài năng.
Cơ hội phát triển của các Trung tâm nghệ thuật ngoại khóa
Liên tục các cuộc gọi tới hỏi về khóa học các kỹ năng. Thay vì chỉ đông vào dịp hè, thì ngay từ thời điểm này Trung tâm nghệ thuật của chị Thanh Hương đã đủ học sinh. Những lớp học mới từ đó cũng được mở ra.
Thực chất quy định mới về dạy thêm, học thêm không cấm giáo viên được dạy thêm mà chỉ đưa hoạt động này vào nề nếp, đúng pháp luật và yêu cầu những người liên quan thực hiện đúng trách nhiệm. Những cái đúng ban đầu dù khó khăn vì phải thay đổi thói quen đã lâu nhưng khi được thực hiện đúng và đủ chắc chắn sẽ kéo theo nhiều cái đúng khác. Một môi trường Giáo dục sẽ 'lột xác' từ những thay đổi này.